Kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vị thế
Trong dự thảo báo cáo trình Ðại hội XIII, giai đoạn 5 năm 2015-2020 nêu rõ, kinh tế tư nhân đóng góp quan trọng trong phát triển đất nước... Ðã hình thành và phát triển một số tập đoàn kinh tế tư nhân và ứng dụng khoa học, công nghệ, có thương hiệu và năng lực cạnh tranh trong nước, khu vực và quốc tế.
Theo dự thảo báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm (2016-2020) và phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm (2021-2025) của Trung ương Đảng trình Đại hội XIII của Đảng, trong 5 năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19, cả nước vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì, phát triển các hoạt động KT-XH.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục gia tăng trong giai đoạn 2016-2019. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định vững chắc, lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp tạo môi trường và động lực cho phát triển KT-XH.
Quy mô GDP tiếp tục được mở rộng, đến năm 2020 ước đạt 268,4 tỷ USD, tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015; GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD/người, gấp khoảng 1,3 lần so với năm 2015.
Cũng trong giai đoạn qua, cơ cấu đầu tư chuyển dịch tích cực, tỷ trọng đầu tư của khu vực nhà nước giảm, phù hợp với định hướng cơ cấu lại đầu tư công và giảm dần sở hữu Nhà nước tại các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, nhất là các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối.
Tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng nhanh từ mức 38,3% năm 2015 lên khoảng 45,6% năm 2020. Trong đó tiêu biểu là các Tập đoàn VinGroup, Trường Hải, Thành Công trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô; Vinamilk, TH True Milk trong lĩnh vực sản xuất, chế biến sữa và thực phẩm; Tập đoàn Hoa Sen, Tập đoàn Hoà Phát, Cty TNHH Hoà Bình Minh, Cty thép Pomina, Cty CP thép Nam Kim trong lĩnh vực sắt thép, kim khí... Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh, vốn đăng ký đạt mức kỷ lục là 39 tỷ USD (năm 2019).
Sau gần 35 năm đổi mới, 20 năm thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa IX “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”, đến nay, năm 2020, Việt Nam đã có hơn 800.000 doanh nghiệp tư nhân hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và hơn 5,4 triệu hộ kinh doanh. Riêng các hộ kinh doanh đã bảo đảm cuộc sống cho khoảng 20 triệu người dân.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận