Kinh tế Trung Quốc đón tin buồn trong tháng 4
Trung Quốc vừa công bố số liệu kinh tế tháng 4 yếu hơn dự báo và nhiều chuyên gia cho rằng nước này cần hỗ trợ thêm về chính sách để duy trì đà hồi phục kinh tế.
Dữ liệu chính thức ngày 16/05 cho thấy sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư tài sản cố định đều tăng chậm hơn dự báo trong tháng 4/2023. Các chuyên gia cho rằng dữ liệu tháng 4 ở mức đáng thất vọng dù đã so sánh với mức nền thấp của năm 2022 (thời điểm Thượng Hải bị phong tỏa).
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc hôm 16/05 cho biết sản xuất công nghiệp tại nước này trong tháng 4 tăng 5.6% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này thấp hơn nhiều so với dự báo 10.9% của các nhà kinh tế học trong khảo sát của Bloomberg. Doanh số bán lẻ tăng 18.4%, chủ yếu do số liệu năm ngoái thấp. Dù vậy, mức tăng này cũng không bằng dự báo. Tăng trưởng đầu tư vào tài sản cố định chậm lại, còn 4.7% trong 4 tháng đầu năm. Tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị giảm còn 5.2%.
Dữ liệu kinh tế Trung Quốc yếu hơn dự báo trong tháng 4
Một mối lo ngại lớn hơn là tỷ lệ thất nghiệp trong giới rẻ đã tăng lên mức kỷ lục 20.4%. Đây là tín hiệu cho thấy đà hồi phục hậu đại dịch không đủ mạnh để tạo đủ việc làm hàng triệu người trẻ vừa gia nhập lực lượng lao động.
Dữ liệu này còn xác nhận đà hồi phục đang chững lại. Thị trường bất động sản vẫn yếu, dù có dấu hiệu cải thiện về doanh số bán nhà. Kinh tế cũng gần ngưỡng giảm phát và người tiêu dùng do dự khi vay nợ.
"Tiêu dùng vẫn ổn, nhưng tỷ lệ thất nghiệp của người trẻ tăng vọt làm dấy lên ngờ vực về sự bền vững của đà phục hồi. Số liệu hôm nay mở đường cho việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và lãi suất, có thể là vào tháng 6", Michelle Lam – nhà kinh tế học tại Societe Generale cho biết.
"Tốc độ phục hồi của Trung Quốc năm nay có lẽ sẽ yếu hơn dự kiến", Wu Xuan - nhà phân tích tại Tebon Fund Management nhận xét. Ông cho rằng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) có thể hạ lãi suất trong nửa cuối năm.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng Trung Quốc cần đưa ra thêm các chính sách kích thích để duy trì đà hồi phục. Họ cho rằng nếu chỉ NHTW hành động thì sẽ không đủ để nâng đỡ niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
“Hỗ trợ về chính sách rất quan trọng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là chính sách nào mới là quan trọng nhất”, Haibin Zhu, Chuyên gia kinh tế về Trung Quốc tại JPMorgan Chase, cho biết trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg. “Chính sách công nghiệp có lẽ đóng vai trò quan trọng hơn, kế đó là chính sách tài khóa (nhất là kích thích tiêu dùng)”.
“Chính sách tiền tệ có thể đóng vai trò bổ trợ, nhưng thành thật mà nói, việc cắt giảm lãi suất không phải là giải pháp cần thiết nhất”, ông nói.
“Dữ liệu yếu hơn dự báo trong ngày 16/05 cho thấy việc duy trì bộ máy tăng trưởng sau khi khởi động lại là khó đến mức nào”, Bruce Pang, Chuyên gia kinh tế về Trung Quốc tại Jones Lang LaSalle, chia sẻ. “Trung Quốc sẽ tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh trong quý 2/20023 nhờ so với mức nền thấp của năm ngoái. Tuy vậy, nếu mức tăng trưởng hàng quý thấp hơn so với quý 1/2023, điều này cho thấy đà hồi phục đang chững lại”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận