Kinh tế Trung Quốc đón một loạt tin xấu, dập tắt hy vọng phục hồi nhanh chóng
Sản lượng nhà máy của Trung Quốc đã chậm lại trong tháng thứ ba liên tiếp vào tháng 7, cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang mất đà, mặc dù lĩnh vực tiêu dùng đang bị ảnh hưởng đã phục hồi đôi chút khi các biện pháp kích thích nhắm vào hộ gia đình có hiệu lực.
Một loạt dữ liệu hỗn hợp công bố hôm thứ Năm chỉ ra sự khởi đầu không đồng đều trong nửa cuối năm của nền kinh tế trị giá 19.000 tỷ USD và khiến các nhà hoạch định chính sách tiếp tục lo ngại sau các chỉ số xuất khẩu, giá cả và cho vay ngân hàng ảm đạm vào đầu tháng này.
Dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho thấy sản lượng công nghiệp của “đất nước tỷ dân” đã tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, chậm lại so với mức 5,3% trong tháng 6 và thấp hơn kỳ vọng tăng 5,2% trong cuộc thăm dò từ các nhà phân tích của Reuters.
Ngược lại, các chỉ số hoạt động hàng tháng của NBS cho thấy doanh số bán lẻ, thước đo mức tiêu dùng của Trung Quốc, đã tăng 2,7% vào tháng 7 năm nay. Mức tăng này nhanh hơn so với mức tăng 2% vào tháng 6 và vượt kỳ vọng tăng trưởng 2,6%, một dấu hiệu cho thấy nỗ lực thúc đẩy chi tiêu hộ gia đình đang đạt được một số thành quả.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo triển vọng chung vẫn còn rất thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách khi họ cho rằng Trung Quốc sẽ cần nhiều biện pháp kích thích hơn để cải thiện nền kinh tế.
“Dữ liệu cho thấy nền kinh tế đất nước đã có khởi đầu yếu kém trong nửa cuối năm. Khả năng thay thế lãi suất cho vay trung hạn 1 năm (MLF) bằng việc cắt giảm tỷ lệ lãi suất bắt buộc (RRR) sẽ tăng lên, nhưng chìa khóa để duy trì tăng trưởng kinh tế 5% vẫn là sự xuất hiện của chi tiêu tài chính”, chuyên gia kinh tế thị trường Trung Quốc của ANZ Xing Zhaopeng cho biết.
Vào thứ Năm (15/8), Ngân hàng Trung ương đã bơm tiền mặt thông qua công cụ trái phiếu ngắn hạn và cho biết sẽ thực hiện chuyển đổi MLF vào cuối tháng này khi mở rộng hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống tài chính.
Tháng trước, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã ám chỉ rằng họ sẽ cân nhắc nhiều hơn đến các đề xuất về việc áp dụng chiến lược mới và tập trung nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng vào người tiêu dùng, thay vì chuyển nhiều tiền hơn vào cơ sở hạ tầng và sản xuất.
Những lời kêu gọi về nhiều biện pháp thúc đẩy tăng trưởng hơn cho nền kinh tế trị giá 19 nghìn tỷ USD đã đeo bám các quan chức Trung Quốc kể từ khi sự phục hồi sau đại dịch Covid-19 được kỳ vọng rộng rãi đã không thành hiện thực vào năm 2022.
Trong khi Chính phủ “đất nước tỷ dân” vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm nay, các nhà phân tích cho rằng khả năng ngày càng cao là cường quốc sản xuất của thế giới này đã rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài tương tự như Nhật Bản vào những năm 1990.
Đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc đã tăng 3,6% trong 7 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng cũng không đạt kỳ vọng tăng 3,9% và cũng chậm lại so với mức tăng trưởng 3,9% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6.
Trong cuộc họp đầu tháng này, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết họ sẽ tăng cường hỗ trợ tài chính cho nền kinh tế nói chung và các nỗ lực sẽ hướng nhiều hơn đến khách hàng để thúc đẩy tiêu dùng.
Nhưng với nhu cầu trong nước yếu và triển vọng không rõ ràng, các hộ gia đình và doanh nghiệp nước này vẫn không vội vay vốn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận