Kinh tế toàn cầu có thể thiệt hại 2.4 ngàn tỷ đô vì cú sụp của ngành du lịch
Cú sụp của ngành du lịch vì đại dịch Covid-19 có thể khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại tới 2.4 ngàn tỷ USD trong năm nay. Trong đó, tình trạng phân phối vắc-xin không đồng đều đang gây khó khăn cho các nền kinh tế đang phát triển – những nước phụ thuộc nhiều vào lượng du khách nước ngoài.
Trong một báo cáo ngày 30/6, Hội nghị Liên hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng trên toàn cầu tăng lên, thì ngành du lịch vẫn bị tác động nghiêm trọng hơn nhiều so với kịch bản xấu nhất đưa ra từ 12 tháng trước.
Nghiên cứu của UNCTAD cho thấy sự phân bổ vắc-xin không đồng đều có thể gây tổn thất lớn như thế nào đối với kinh tế toàn cầu. Trong đó, riêng ngành du lịch có thể thiệt hại từ 1.7-2.4 ngàn tỷ USD trong năm nay, dù rằng hoạt động đi lại có thể tăng mạnh ở những nước như Pháp, Đức, Anh và Mỹ.
Đáng chú ý, 60% khoản thiệt hại này có thể rơi vào ngành du lịch của các nước đang phát triển, nghĩa là có thể lên đến 1.4 ngàn tỷ USD trong năm nay – theo bản báo cáo.
Trong hai năm 2020-2021, sự sụt giảm của ngành du lịch gây tổn thất tới 4.8 ngàn tỉ USD cho kinh tế thế giới. Trong đó, các nước nghèo thiệt hại lên tới 2.9 ngàn tỉ USD.
Phân tích trên có tính tới khoản thiệt hại của các ngành cung ứng thực phẩm, đồ uống, nhà hàng khách sạn và hoạt động vận tải cho ngành du lịch, nhưng chưa tính tới gói kích thích kinh tế.
“Các nước đang phát triển gánh phần lớn thiệt hại lớn nhất mà đại dịch gây ra cho ngành du lịch”, UNCTAD cho biết trong một tuyên bố. “Những nước đang phát triển chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất về lượng du khách trong năm 2020, ước tính chiếm khoảng 60-80% tổng lượng giảm”.
Dù nhiều nước đã nới phong toả và hoạt động đi lại đã tăng trở lại ở một số nơi của thế giới, cuộc khủng hoảng đối với ngành du lịch vẫn tiếp diễn. Khoảng một nửa số chuyên gia được UNWTO phỏng vấn cho rằng phải đến năm 2024 hoặc sau đó ngành du lịch thế giới mới trở lại được mức trước đại dịch.
Đến nay mới chỉ có 10% dân số thế giới được tiêm phòng đầy đủ vắc-xin Covid-19, theo dữ liệu từ Our World in Data.
Thậm chí ở những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao như Anh, các biện pháp hạn chế đi lại vẫn được áp dụng vì còn nhiều lo ngại về sự tăng vọt của số ca nhiễm mới do biến chủng Delta. Đối với những nước có tỷ lệ tiêm chủng còn thấp, phần lớn là các nước nghèo, tương lai còn u ám hơn nhiều.
UNCTAD dự báo lượng du khách đến những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp sẽ giảm 75% trong năm nay, so với mức giảm chỉ 37% ở những nước có trên 50% dân số đã được tiêm chủng.
Các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Ecuador, Nam Phi và các đảo quốc như Maldives và Saint Lucia sẽ gánh chịu thiệt hại nhiều nhất. Phần lớn châu Á và châu Đại Dương cũng bị ảnh hưởng nặng nề, trong khi các khu vực Bắc Mỹ, Tây Âu và các nước vùng Caribbean bị ảnh hưởng ít nhất.
Báo cáo cho rằng cuộc khủng hoảng của ngành du lịch trong đại dịch sẽ khiến số lao động thiếu kỹ năng rơi vào cảnh thất nghiệp tăng thêm 5.5%. Khoảng 100-120 triệu công việc trực tiếp trong ngành du lịch bị ảnh hưởng.
“Ngành du lịch là con đường sống cho hàng triệu người và việc đẩy mạnh tiêm chủng để bảo vệ cộng động và thúc đẩy sự hồi phục an toàn của ngành du lịch thật sự cần thiết cho đà hồi phục về việc làm và việc tạo ra nguồn lực cần thiết, nhất là ở những nước đang phát triển”, Tổng Thư ký UNWTO, Zurab Pololikashvili, cho biết trong một tuyên bố.
Trở ngại lớn nhất đối với sự phục hồi của ngành du lịch là tình trạng phân phối vaccine không đồng đều và tỷ lệ tiêm chủng còn thấp ở nhiều quốc gia. Hạn chế đi lại, việc chậm kiểm soát được virus, tâm lý lo ngại của du khách, và môi trường kinh tế suy giảm cũng là những rào cản.
Báo cáo cho rằng để giúp ngành du lịch hồi phục, các quốc gia nên điều phối tốt hơn các quy định về đi lại và tạo điều kiện cho việc đi lại, chẳng hạn bằng cách đạt nhất trí về những tiêu chuẩn chung cho việc xét nghiệm Covid-19 đáng tin cậy với chi phí rẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận