Kinh tế số Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á
Theo báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019" do Google, Temasek và Bain công bố ngày 3/10/2019, nền kinh tế số Việt Nam năm 2019 trị giá 12 tỷ USD (đóng góp 5% GDP quốc gia trong năm 2019), cao gấp 4 lần so với giá trị của năm 2015 và dự đoán chạm mốc 43 tỷ USD vào năm 2025.
Nền kinh tế số Việt Nam, cùng Indonesia, đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong khu vực Đông Nam Á với trung bình 38%/năm so với 33%/năm của cả khu vực tính từ năm 2015 đến nay.
Hà Nội và TP.HCM là 2 trong 7 thành phố lớn phát triển nền kinh tế số của khu vực. Nhờ có nền kinh tế số mà các ngành, nghề kinh doanh sôi động, từ thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến trên các trang mạng xã hội (Facebook, instagram), giải trí (Netflix, Pinterest), giao thông vận tải (Uber, Grab, GoViet) đến phân phối, bán buôn và bán lẻ (Lazada, Shopee)...
Cụ thể, quy mô thị trường thương mại điện tử đạt khoảng 5 tỷ USD, trong khi du lịch trực tuyến khoảng 4 tỷ USD, truyền thông trực tuyến đạt 3 tỷ USD, gọi xe công nghệ khoảng 1 tỷ USD.
Việt Nam cũng trở thành nơi đón nhận nguồn vốn đầu tư đứng thứ 3 trong khu vực vào các công ty hoạt động trên nền tảng công nghệ thông tin, internet; với 0,35 tỷ USD cho 137 thương vụ trong năm 2018 và 0,26 tỷ USD cho 54 thương vụ trong năm 2019.
Một số thương vụ đầu tư vào MoMo, Sendo, Topica từ các nhà đầu tư quốc tế, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, kinh tế số phát triển tại Việt Nam chủ yếu vẫn là nền tảng giao dịch và được phát triển dựa trên các nền tảng sáng tạo đã có sẵn của thế giới như: Facebook, Google, Youtube, Grab, Gojek, Lazada, Shopee...
Những nền tảng phát triển bởi Việt Nam còn hạn chế, tập trung chủ yếu ở các nền tảng thương mại điện tử như: Tiki, Sendo, Thegioididong, Dienmayxanh, FPTshop.
Nổi bật trong lĩnh vực xuất bản có nền tảng Waka của Vega Corporation, lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng có các nền tảng Smartlog, BKAV VALA... Nền tảng thanh toán có Momo, VNpay...
Nền tảng quản trị doanh nghiệp có Misa, 1Office, MVs Security Box, Cystack... Khả năng cạnh tranh so với các nền tảng thương mại lớn của các tập đoàn/công ty đa quốc gia chưa thực sự cao.
TS Nguyễn Thành Phong cho rằng, mức độ chủ động tham gia phát triển nền tảng kinh doanh tại Việt Nam cũng còn nhiều yếu kém và có phần tự phát. Thể chế, chính sách còn nhiều bất cập.
Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội; hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới được hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả.
Quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế; nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp. Việc đấu tranh với tội phạm, bảo đảm an ninh mạng còn nhiều thách thức...
Hơn thế nữa, đại dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp, khó kiểm soát đã ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các nền kinh tế toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế và thương mại, đầu tư quốc tế có xu hướng giảm…
“Những điều này tác động không nhỏ, gây ra khủng hoảng kinh tế thế giới, làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị, cách thức hoạt động kinh tế; thay đổi cả tổ chức đời sống xã hội toàn cầu, thể hiện rõ nét nhất ở xu hướng tiêu dùng hiện đại đòi hỏi phải thay đổi mô hình kinh doanh của doanh nghiệp trong tình hình mới”, TS Phong nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận