menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Thúy Hằng

Kinh tế số tại Việt Nam: Đặt nền móng cho tăng trưởng trong tương lai

Chuyển đổi số sẽ đem lại những tiềm năng vô cùng to lớn cho Việt Nam trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm...

Những người đam mê ẩm thực đường phố Việt Nam, như tôi, giờ đây có thể trải nghiệm thanh toán không dùng tiền mặt tại nhiều quán địa phương trên phố Nguyễn Hữu Huân, Hà Nội.

Bạn có thể thưởng thức một ly cà phê trứng và trả tiền bằng chiếc điện thoại thông minh của mình. Mấy năm nay, người tiêu dùng Hà Nội đã chuyển mạnh sang xu hướng không dùng tiền mặt, thậm chí không dùng thẻ, có nghĩa là đôi khi chúng ta thậm chí không cần đến những chiếc thẻ ngân hàng truyền thống nữa. Hóa đơn có thể được thanh toán dễ dàng thông qua các ứng dụng ví điện tử hoặc chỉ bằng cách quét mã QR.

Hàng trăm nghìn người bán lẻ trên cả nước đã tham gia cung cấp dịch vụ cho các “ông lớn” trong lĩnh vực fintech với tham vọng nắm giữ thị trường Việt Nam đầy tiềm năng với ngày một nhiều người tiêu dùng nhanh nhạy về công nghệ.

Năm 2018, một báo cáo của Google và Temasek đã nhắc tới nền kinh tế số của Việt Nam giống như “một con rồng được giải phóng”. Năm 2019, báo cáo đó đã xếp Việt Nam và Indonesia là những quốc gia đi đầu Đông Nam Á về tăng trưởng kinh tế số. Nền kinh tế số của Việt Nam được kỳ vọng có giá trị đặt 43 tỷ USD vào năm 2025. Các nhà đầu tư liên tiếp đổ tiền vào Việt Nam với hy vọng thúc đẩy tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực.

Mặc dù kinh tế số trở thành một chủ đề nóng, trên thực tế vẫn còn tồn tại rất nhiều thách thức cản trở việc tận dụng sức mạnh của công nghệ và tăng tính bao trùm số để mọi người dân, dù sống ở khu vực nông thôn hay vùng sâu vùng xa, đều có thể hưởng lợi từ cuộc cách mạng 4.0.

Như đã đề cập trong báo cáo vùng gần đây của Ngân hàng Thế giới Kinh tế số ở khu vực Đông Nam Á - Đặt nền móng cho tăng trưởng trong tương lai (2019), những nền móng chính để một nền kinh tế số phát triển bao gồm kết nối, thanh toán, kỹ năng, logistics và khung pháp lý.

Việt Nam đang ở đâu trên những phương diện này?

Đường truyền Internet tốc độ cao được cung cấp với chi phí hợp lý là xương sống của nền tảng kinh tế số. Việt Nam đã tiến những bước dài về phổ cập Internet, từ tỷ lệ gần như bằng 0 vào những năm 2000 tới nay 64% người dân đã truy cập mạng Internet. Thách thức tiếp theo là kết nối mạng di động 4G, và trong tương lai là 5G, cho đại bộ phận dân chúng, đồng thời mở rộng mạng lưới cáp quang băng thông rộng tại các doanh nghiệp, trường học, tổ chức lớn.

Mặc dù phương pháp thanh toán không dùng tiền mặt ngày trở nên phổ biến hơn, đại bộ phận các giao dịch vẫn bằng tiền mặt. Người dân sống ở các vùng nông thôn vẫn còn gặp khó khăn về khả năng tiếp cận các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Theo khảo sát tài chính toàn diện do Ngân hàng Thế giới thực hiện năm 2018, chỉ có 22% người dân Việt Nam thực hiện giao dịch hoặc nhận được thanh toán qua cổng thanh toán điện tử trong một năm trước đó. Năm 2019, chỉ có 41% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng.

Mặc dù việc sử dụng thanh toán điện tử đang ngày càng trở nên phổ biến hơn, thu hút cả những nhà cung cấp dịch vụ không truyền thống, nhưng số lượng người dùng ít ỏi vẫn cho thấy người dân cần tin tưởng hơn nữa vào những phương thức thanh toán này. Ngân hàng và cơ quan quản lý cần phối hợp với nhau xây dựng một môi trường thuận lợi, trong đó có những quy định về bảo vệ người tiêu dùng, khả năng tương thích giữa các hệ thống thanh toán điện tử khác nhau và sử dụng thanh toán điện tử để chi trả dịch vụ công.

Chi phí logistic của Việt Nam thuộc hàng cao nhất trên thế giới, chiếm tới 25% GDP. Dịch vụ logistic thuận lợi sẽ là hỗ trợ chính cho sự phát triển thương mại. Sự trỗi dậy của thương mại điện tử đòi hỏi nhu cầu ngày càng lớn đối với các loại hình dịch vụ logistic mới, trong đó bao gồm kết nối tận cửa và giao hàng chặng cuối, nhằm đáp ứng nhu cầu đang tăng nhanh, đặc biệt đối với những món hàng nhỏ gọn, giá trị thấp.

Theo khảo sát Chỉ số Hoạt động Logistic do Ngân hàng Thế giới công bố năm 2018, Việt Nam có kết quả tương đối ấn tượng, tăng 25 bậc lên vị trí thứ 39. Đối với các chỉ số liên quan đến thời gian chờ xử lý xuất nhập khẩu hàng hóa, Việt Nam đã gần đuổi kịp các nước OECD. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần cải thiện nhiều về chất lượng, hiệu quả, chi phí dịch vụ logistic, không chỉ đối với dịch vụ xuyên biên giới mà cả giao nhận chặng cuối.

Một nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế ước tính 56% công việc ở 5 quốc gia ASEAN trong đó có Việt Nam có nguy cơ sẽ bị thay thế bởi công nghệ trong vòng mười năm tới đây. Việt Nam chuẩn bị cho nguồn lao động của mình như thế nào sẽ rất quan trọng trong giai đoạn tăng trưởng tới.

Giờ đây, phát triển kỹ năng rất cần thiết ở nhiều mức độ: trình độ kỹ thuật cao, kỹ năng mềm, trình độ sử dụng máy tính. Những nhà hoạch định chính sách cần hiểu rõ hơn về thị trường lao động trong kỷ nguyên số, và cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa khu vực nhà nước với khu vực tư nhân để thúc đẩy học tập trọn đời.

Đứng trước những thách thức như vậy, đâu là những bước Việt Nam cần thực hiện để đảm bảo nền kinh tế số sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người? Chính phủ cần làm gì để xây dựng môi trường thuận lợi cho tất cả các bên tham gia?

Đầu tiên, khung pháp lý cần được đặt ra nhằm bảo vệ cũng như nâng cao niềm tin cho người sử dụng Internet trong không gian số. Khung pháp lý này cần bao quát các vấn đề như giao dịch điện tử, dữ liệu xuyên biên giới, an ninh mạng, bảo mật dữ liệu và bảo vệ người dùng.

Việt Nam đã thông qua Luật An ninh mạng và dự thảo quy định về bảo mật dữ liệu. Về phương diện này, Việt Nam cùng các quốc gia khác có thể học tập từ quan hệ hợp tác và hài hòa hóa luật định tầm khu vực (ví dụ như thông qua khuôn khổ của APEC hay ASEAN).

Việc mở rộng áp dụng và nâng cao hiệu quả hạ tầng kết nối sẽ khó thực hiện được ở Việt Nam nếu không thực hiện cải cách quy định dựa theo sự vận động thị trường. Chẳng hạn, để phổ cập Internet băng thông rộng tới từng người dân, Việt Nam cần thúc đẩy cạnh tranh đối với chuỗi giá trị băng thông rộng và hỗ trợ chia sẻ hạ tầng giữa các lĩnh vực. Hiện đại hóa khung quy định đối với logistic cũng sẽ giúp dịch vụ giao hàng tiết kiệm thời gian, chi phí và đáng tin cậy hơn.

Chính phủ cần đẩy mạnh đầu tư để hỗ trợ người dân có thể sẵn sàng đương đầu với những thách thức mới của kỷ nguyên số. Đây là lĩnh vực mà khu vực tư nhân có thể tham gia trong bối cảnh những kỹ năng liên quan đang thay đổi với mức độ chóng mặt.

Mặc dù Việt Nam đã xây dựng kế hoạch tổng thể cho nền kinh tế số nhưng vẫn cần cân nhắc mở rộng phạm vi không chỉ tập trung chỉ riêng vào lĩnh vực thương mại điện tử mà cần hướng tới cả nền kinh tế. Đồng thời, cũng cần biến kế hoạch tổng thể này thành những chương trình hành động cụ thể, có thời hạn rõ ràng, với sự giám sát đầy đủ trong giai đoạn triển khai và có sự phối hợp hiệu quả giữa các bộ ngành.

Chính phủ cũng có thể tự mình làm gương thông qua bằng việc đi tiên phong trong việc chuyển đổi số.

Những nền tảng ban đầu

Việt Nam đang đi đúng hướng với rất nhiều sáng kiến nhằm xây dựng Chính phủ điện tử. Việc ra mắt Cổng Dịch vụ công quốc gia (e-Services) và hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet), Trục liên thông văn bản quốc gia (e-Document) trong năm 2019 là những bước tiến đáng khích lệ.

Việt Nam đồng thời cũng đang xem xét việc áp dụng căn cước điện tử. Ở giai đoạn này, đề án căn cước điện tử mới chỉ dừng lại ở mục đích hỗ trợ các giao dịch điện tử với cơ quan nhà nước. Nhưng sau đó, hệ thống căn cước điện tử quốc gia cũng nên được mở rộng để tăng tài chính toàn diện (cho phép người dân mở tài khoản ngân hàng với những điều kiện dễ dàng đáp ứng và thể hiện sự hiểu khách hàng hơn) đồng thời cung cấp dịch vụ xã hội hiệu quả hơn thông qua tiếp cận đúng đối tượng và quản lý thông tin tốt.

Chuyển đổi số sẽ đem lại những tiềm năng vô cùng to lớn cho Việt Nam trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm. Để tận dụng tối đa những lợi ích mà nó mang lại, đồng thời có thể quản lý những rủi ro đi kèm, Việt Nam cần ưu tiên các chương trình đầu tư và thực hiện cải cách cơ chế để củng cố sáu nền tảng quan trọng này.

Ngân hàng Thế giới từ trước đến nay đã là người bạn đồng hành của Việt Nam trên chặng đường xóa đói giảm nghèo và xây dựng cơ sở hạ tầng. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn phát triển tiếp theo đầy sôi động với mục tiêu đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau và đều hưởng lợi từ những thành tựu mới đến từ nền kinh tế số.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả