Kinh tế Nhật Bản đang "suy yếu đi" trong hơn 6 năm qua
Ngày 13/5, Nhật Bản đã hạ thấp đánh giá về tình hình kinh tế đất nước "Mặt trời mọc" và lần đầu tiên trong hơn 6 năm qua, giới chức nước này sử dụng cụm từ "suy yếu đi" trong đánh giá của mình.
Văn phòng Nội các Nhật Bản cho biết chỉ số phản ánh tình trạng kinh tế trong tháng 3/2019 giảm 0,9 điểm so với mức 99,6 điểm của tháng trước đó, căn cứ trên thang điểm 100 năm 2015.
Sự tụt dốc này xuất phát từ nguyên nhân Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe có kế hoạch tăng thuế tiêu thụ từ mức 8% hiện nay lên 10% vào tháng 10 tới - yếu tố có thể làm nhụt chí chi tiêu của người tiêu dùng và gây tổn hại đối với nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này.
Cùng với việc sụt giảm của chỉ số trên, kinh tế Nhật Bản gần đây còn ghi nhận diễn biến tiêu cực, như sản lượng công nghiệp giảm 0,9% trong tháng 3 trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang.
Theo một quan chức nước này, sự sụt giảm xuất khẩu các thiết bị sản xuất linh kiện bán dẫn tới thị trường Trung Quốc cũng như một số khu vực châu Á khác là nguyên nhân dẫn đến kết quả báo cáo trên.
Thực tế này đã buộc Văn phòng Nội các Nhật Bản sử dụng cụm từ "suy yếu đi" - mức độ thấp nhất trong 5 mức độ miêu tả về tình hình kinh tế nước này. Đây là cụm từ Văn phòng Nội các Nhật Bản từng sử dụng để mô tả về chỉ số trên trong khoảng thời gian tháng 10/2012 và tháng 1/2013.
Trước tình hình này, một ủy ban của chính phủ sẽ chính thức xem độ dài của chu kỳ kinh tế Nhật Bản sau khi phân tích thêm các dữ liệu báo cáo kinh tế khác - một tiến trình có thể kéo dài hơn 1 năm.
Theo giới phân tích, ủy ban này có thể không coi tình trạng "suy yếu đi" là suy thoái nếu đà giảm chỉ diễn ra trong ngắn hạn.
Hiện dư luận quan tâm đến liệu Chính phủ có điều chỉnh đánh giá chính thức về tình hình kinh tế trong báo cáo hằng tháng vào tháng 5, dự kiến được công bố vào cuối tháng này hay không.
Theo nhà kinh tế trưởng của Viện nghiên cứu Norinchukin, Takeshi Minami, Chính phủ Nhật Bản dường như sẽ phải đánh giá thận trọng những thông tin kinh tế tiêu cực cùng với dữ liệu kinh tế khác, bao gồm tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý từ tháng 1 đến tháng 3, để xác định có xúc tiến kế hoạch tăng thuế tiêu thụ hay không.
Tuy nhiên, nhà kinh tế này cho rằng với những dữ liệu kinh tế gần đây, hiện không phải là thời điểm để tăng thuế./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận