24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Ngô Vũ Sơn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Kinh tế ngày càng "ngấm đòn" Covid 19

Nếu ngăn chặn dịch thành công thì sự phục hồi sẽ tích cực hơn rất nhiều.

Theo các chuyên gia, số liệu kinh tế tháng 7 đã bắt đầu phản ánh những khó khăn, tác động rất lớn của đợt dịch thứ 4 đến nền kinh tế và xu hướng này có thể còn tiếp tục ít nhất trong tháng 8, trước khi có thể khả quan trở lại.

Bức tranh xấu hơn

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, hầu hết các chỉ số kinh tế tháng 7 đều “kém” đi so với tháng trước đó, thậm chí so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt ở các ngành công nghiệp và dịch vụ. Đơn cử, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 chỉ tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất trong 7 tháng qua (trong đó ngành khai khoáng giảm 8%; ngành chế biến, chế tạo tăng 2,9%).

Trong khi đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 giảm 8,3% so với tháng trước và giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước; Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7 cũng giảm 0,8% so với tháng trước, ước chỉ đạt 27 tỷ USD. Đặc biệt, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 7 giảm 22,8% so với tháng trước và giảm tới 33,8% so với cùng kỳ năm 2020 trong khi doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 17,1% so với tháng trước và tăng 34,3% so với cùng kỳ…

Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, mặc dù một số chỉ số kinh tế tháng 7 vẫn tăng như thương mại, giải ngân FDI…; tuy nhiên nhìn tổng thể thì các chỉ số đều tăng thấp hơn, thậm chí giảm so với các tháng gần đây. “Điều này phản ánh những tác động tiêu cực rõ nét hơn, tổng thể hơn đến mọi ngành kinh tế của đợt dịch này, trong đó hai trụ cột chịu tác động lớn hơn là công nghiệp và dịch vụ”, TS. Lực nói.

Trên thực tế, đợt dịch lần thứ 4 diễn biến phức tạp và đã tấn công vào các cứ điểm sản xuất công nghiệp quan trọng khiến sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng lớn. Theo đó, chỉ số IIP tháng 7 của TP. Hồ Chí Minh giảm 19,4%; Long An giảm 14,6%; Cà Mau giảm 13,7%; Đồng Tháp giảm 5,7%; Trà Vinh giảm 5,3%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 1,9%; Bến Tre giảm 0,2%... Với các tỉnh có các khu công nghiệp lớn như Bắc Ninh và Bắc Giang, dù về cơ bản đã khống chế, kiểm soát được dịch bệnh và hoạt động sản xuất dần hồi phục nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm trước rất nhiều. Tốc độ tăng chỉ số IIP của Bắc Giang tháng 5 giảm 26,7%; tháng 6 giảm 49,8% và tháng 7 giảm 15,3%. Chỉ số này ở Bắc Ninh tháng 5 tăng 23,9%; tháng 6 giảm 8,6% và tháng 7 tăng 1,1%.

Các chuyên gia cũng cho rằng, xu hướng này có thể còn tiếp tục trong tháng 8. Bởi nhiều khả năng TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam sẽ phải tiếp tục duy trì việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ thêm tối thiểu 2 tuần nữa và đó cũng là thời điểm chốt số liệu kinh tế tháng 8. Còn với Hà Nội, kỳ vọng là việc giãn cách theo Chỉ thị 16 có thể chặn được dịch bệnh sau nửa tháng để sau đó các hoạt động có thể dần bình thường trở lại. Tuy nhiên, nếu ngăn chặn dịch thành công trong các khoảng thời gian dự kiến như vậy và các biện pháp giãn cách được nới lỏng thì sự phục hồi sẽ tích cực hơn rất nhiều.

Chặn dịch + Vắc xin: Động lực tăng trưởng chính

Không chỉ các chỉ số tăng trưởng của các ngành giảm sút mà áp lực lạm phát đang tăng lên cũng là lo ngại của các chuyên gia. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 bật tăng 0,62% so với tháng trước và việc CPI tháng sau tăng cao hơn tháng trước đã liên tục duy trì trong những tháng gần đây. Đáng quan ngại hơn là bên cạnh các yếu tố do thị trường, các chuyên gia cũng chỉ ra một phần gây ra giá cả tăng còn do sự thiếu hụt cục bộ hàng hóa, do sự bất nhất giữa các địa phương hoặc lúng túng trong áp dụng các quy định giãn cách dẫn đến ách tắc lưu thông hàng hóa. Chính vì vậy, các chuyên gia kỳ vọng Chính phủ sẽ có những chỉ đạo kịp thời để việc chống dịch của các địa phương được thống nhất xuyên suốt hơn, đảm bảo an toàn chống dịch, nhưng cũng đảm bảo lưu thông hàng hóa (bao gồm cả những hàng hóa đầu vào - đầu ra sản xuất của các doanh nghiệp) để tránh đứt gãy các chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu dùng.

Nói về các giải pháp lúc này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, giải pháp ưu tiên số một hiện nay vẫn là phòng chống dịch bệnh và đẩy nhanh tiến trình tiêm chủng vắc-xin. Song song với đó, cần đẩy nhanh triển khai các gói hỗ trợ đã có, đồng thời nghiên cứu gói hỗ trợ bổ sung từ phía tài khóa. “Về phía chính sách tiền tệ, tôi nghĩ với tất cả các giải pháp, chính sách hỗ trợ đã đưa ra thì đến nay cơ bản đã hết dư địa rồi. Các chính sách và giải pháp hỗ trợ bổ sung lúc này cần đến từ phía chính sách tài khóa”, chuyên gia này đề xuất.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam cho rằng, các giải pháp về y tế lúc này là tối quan trọng và mang lại ý nghĩa kinh tế rất lớn. “Trong bối cảnh các ca nhiễm mới đã lên con số 6-7 nghìn ca/ngày như hiện nay thì các biện pháp y tế mang tính sống còn. Chúng ta phải cố gắng ngăn chặn đà tăng của dịch trong quá trình đợi vắc-xin, đồng thời phải nỗ lực triển khai chiến lược vắc-xin để đạt mục tiêu 70% dân số vào quý I năm tới như đề ra”. Chuyên gia này cho rằng, việc đạt được mục tiêu này là rất quan trọng. “Tôi cho rằng đối với nhà đầu tư, chỉ số tiêm vắc-xin là điều cốt yếu mà họ nhìn vào hiện nay để từ đó quyết định cho hoạt động đầu tư, sản xuất cho thời gian tới. Nên tiêm vắc-xin và các giải pháp ngăn chặn dịch dù chỉ là biện pháp y tế nhưng lại có ý nghĩa kinh tế rất lớn. Nếu ai hỏi động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian tới là gì, câu trả lời đó là vắc-xin, phải xem đây là động lực tăng trưởng chính”, ông Cường nhấn mạnh.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả