Kinh tế Nga sẵn sàng ứng phó với trừng phạt từ phương Tây
Những nỗ lực của Nga nhằm giảm sự phụ thuộc vào hệ thống tài chính toàn cầu đã giúp nước này chuẩn bị tốt hơn để vượt qua các lệnh trừng phạt mà Mỹ và châu Âu cảnh báo sẽ áp đặt nếu Nga tấn công Ukraine.
Các nhà phân tích nhận định, sự thành công tương đối của chiến lược mà các nhà đầu tư gọi là “Pháo đài Nga” của Moskva nhiều khả năng khiến mối đe dọa từ phương Tây trở nên ít nguy hiểm hơn.
Các biện pháp trừng phạt phương Tây đang thảo luận có thể vượt xa những biện pháp đã được thông qua sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Nga từ nhiều năm nay đã dự kiến các kịch bản tệ nhất và thành lập một đơn vị chuyên trách để đối phó với các biện pháp mà Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ có thể áp dụng. Bộ Tài chính Nga khẳng định nền kinh tế nước này có thể chịu được những biện pháp trừng phạt. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov tuần trước cho biết: “Rõ ràng là không dễ chịu, nhưng tôi nghĩ rằng các tổ chức tài chính của Nga có thể xử lý nếu xảy ra những rủi ro”.
Từ năm 2014, Nga đã tăng dự trữ ngoại hối và bắt đầu tìm cách “giảm đô la hóa” nền kinh tế. Dự trữ của ngân hàng trung ương đã tăng hơn 70% kể từ cuối năm 2015 và hiện đã vượt 620 tỷ USD. Dự trữ USD chiếm khoảng 16,4% tổng dự trữ năm 2021, so với 22,2% vào tháng 6/2020. Khoảng 1/3 dự trữ bằng euro, 21,7% bằng vàng và 13,1% bằng nhân dân tệ (NDT). Năm 2017, Nga đã bổ sung cho ngân khố bằng cách hợp nhất Quỹ dự trữ quốc gia với Quỹ Tài sản Quốc gia mới được thành lập nhằm tích lũy doanh thu thặng dư từ dầu khí.
Nga cũng đã học cách ít phụ thuộc vào các nhà đầu tư nước ngoài hơn. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với trái phiếu chính phủ Nga đã giảm xuống 20% sau khi Washington cấm các nhà đầu tư Mỹ mua bán các khoản nợ nhà nước mới phát hành vào năm ngoái. Các biện pháp này khiến đầu tư nước ngoài giảm, song cũng giúp đất nước ít bị tổn thương hơn trước các cú sốc bên ngoài trong tương lai hoặc các đợt bán tháo đột ngột. Bộ Tài chính đã bán hầu hết các đợt trái phiếu phát hành tiếp theo sau lệnh cấm đối với các ngân hàng quốc doanh.
Các công ty Nga cũng học được bài học từ các lệnh trừng phạt đầu tiên, khi nhiều công ty phải vật lộn để huy động vốn nhằm trả các khoản vay từ các ngân hàng phương Tây: các khoản vay doanh nghiệp từ các tổ chức cho vay nước ngoài đã giảm từ 150 tỷ USD vào tháng 3/2014 xuống còn 80 tỷ USD vào năm ngoái.
Trong khi Nga nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn tài chính nước ngoài, EU đã làm rất ít để giảm bớt sự phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng của Moskva, vì vậy đứng trước nguy cơ các lệnh trừng phạt có thể phản tác dụng. EU nhập khẩu hơn 40% khí đốt và 25% dầu mỏ từ Nga, khiến khối này có nguy cơ phải hứng chịu những cú sốc.
Phương Tây cũng phụ thuộc vào Nga về các nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng khác như titan. Điều này có thể ngăn chặn bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với VSMPO-Avisma, nhà cung cấp titan lớn nhất cho hãng máy bay Boeing.
Sự phụ thuộc lẫn nhau này thậm chí có thể khiến phương Tây khó khăn hơn trong việc thông qua các lệnh trừng phạt tài chính rộng hơn đối với Nga. Mỹ và EU đang thảo luận về lệnh cấm giao dịch với các ngân hàng nhà nước lớn của Nga hoặc loại bỏ nước này khỏi Hệ thống thanh toán liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT). Tuy nhiên, biện pháp này chỉ có thể hiệu quả nếu họ ngừng mua hàng xuất khẩu của Nga.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận