Kinh tế Nga ngấm đòn trừng phạt
Nguồn thu lớn từ dầu khí dường như không thể giúp Nga bù đắp những tổn thất mà các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra với nền kinh tế.
Sau khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi tháng 2, nền kinh tế Nga hứng chịu loạt lệnh trừng phạt quốc tế chưa từng có trong lịch sử. Phương Tây đã đóng băng gần một nửa dự trữ ngoại hối của Moskva, loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, cấm tàu và máy bay Nga, hạn chế xuất khẩu một số công nghệ tiên tiến, áp lệnh cấm vận đối với dầu và than Nga.
Trong những tháng qua, nền kinh tế Nga có vẻ chống đỡ khá tốt các biện pháp trừng phạt nhờ nguồn doanh thu lớn từ dầu khí. Tuy nhiên, những số liệu mới nhất cho thấy nền kinh tế Nga đã dần thấm đòn trừng phạt.
Dữ liệu sơ bộ được Cơ quan Thống kê Quốc gia Nga (Rosstat) công bố ngày 16/11 cho thấy GDP nước này trong quý III giảm 4%, sau khi ghi nhận mức giảm 4,1% trong quý II. Với hai quý GDP giảm liên tiếp, kinh tế Nga đã bước vào suy thoái kỹ thuật. Lần gần nhất Nga trải qua tình trạng này là vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Thương mại bán sỉ và bán lẻ Nga trong quý III giảm lần lượt 22,6% và 9,1%, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở Nga trong tháng 9 là 3,9%.
Nền kinh tế Nga đã phát triển tốt vào đầu năm nay với GDP tăng 3,5%, nhưng các lệnh hạn chế xuất nhập khẩu, thiếu hụt lao động và nguồn cung phụ tùng do biện pháp cấm vận của phương Tây đã gây căng thẳng cho nhiều doanh nghiệp Nga.
Từ tháng 3 tới tháng 8, sản xuất ôtô của Nga giảm 90%, lĩnh vực sản xuất máy bay chứng kiến tình cảnh tương tự, khi Nga khó tiếp cận với chip điện tử, chất bán dẫn phương Tây vì lệnh hạn chế nhập khẩu.
Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhập khẩu của Nga trong năm 2022 giảm 25,4% so với năm 2021, trong khi xuất khẩu giảm 17,2%. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính nhập khẩu của Nga giảm 35,2% và xuất khẩu giảm 30,9% so với năm 2021.
Lạm phát của Nga trong năm 2022 được WB dự đoán ở mức 22%, trong khi ước tính của IMF và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) lần lượt là 21,3% và 13,9%.
Biến động thương mại xuất nhập khẩu của Nga từ năm 2019 tới 2022. Đồ họa: Consilium.
Ngày 8/11, Ngân hàng Trung ương Nga dự đoán GDP nước này năm nay giảm 3,5%, trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính mức giảm lần lượt là 3,4% và 4,5%.
"Chúng tôi thấy một cuộc khủng hoảng nguồn cung kéo dài và sự chuyển đổi cấu trúc sang nền kinh tế công nghệ thấp sẽ dẫn tới suy thoái kéo dài và tiềm năng tăng trưởng thấp hơn", các nhà kinh tế của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley nhận định.
Họ cho rằng nền kinh tế Nga có thể không đạt kỳ vọng tăng trưởng cho đến quý III năm 2023.
"Nền kinh tế Nga sẽ tiếp tục suy giảm trong 6 tháng tới vì hai lý do. Thứ nhất, lĩnh vực hàng hóa năng lượng và sản xuất sẽ tiếp tục bị thu hẹp vì các lệnh trừng phạt. Thứ hai, một số công cụ chính mà Nga sử dụng để thúc đẩy nhu cầu trong nước suốt năm nay, như trợ cấp thế chấp, đã cạn kiệt", Alexander Isakov, nhà kinh tế Nga, chia sẻ.
Nguy cơ hạn chế với các chuyến tàu chở dầu Nga sẽ thách thức khả năng phục hồi của Moskva, khi xuất khẩu khí đốt sang châu Âu đã giảm mạnh.
Sản lượng dầu khí của Nga bắt đầu giảm trong tháng 9, tạo ra lực cản đối với sản lượng công nghiệp. Triển vọng thậm chí u ám hơn khi tập đoàn khí đốt Gazprom báo cáo xuất khẩu hàng hóa hàng ngày giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm vào tháng trước.
Giới chuyên gia thêm rằng các biện pháp trừng phạt và ảnh hưởng từ xung đột Ukraine sẽ tác động tới Nga trong dài hạn. Nhiều công ty nước ngoài, trong đó có những tên tuổi như Apple, McDonald's, IKEA, Visa và MasterCard, đã đình chỉ hoặc cắt giảm hoạt động tại Nga kể từ khi xung đột Ukraine bắt đầu.
Nhiều công ty lớn đã rời khỏi thị trường Nga khó có thể quay lại ngay cả trong trung hạn, dù bất kỳ điều gì xảy ra với các lệnh trừng phạt, theo Maria Perrotta Berlin và Jesper Roine, hai phó giáo sư tại Viện Kinh tế Chuyển đổi Stockholm, Thụy Điển. Tương tự, các khoản đầu tư vào Nga từng được coi là yếu tố quyết định đối với tăng trưởng và phúc lợi của nước này giờ cũng mất đi.
Lạm phát của Nga từ năm 2019 tới 2022. Đồ họa: Consilium.
Ngoài ra, sự kiểm soát ngày càng chặt của nhà nước hoặc ngân hàng nhà nước với các doanh nghiệp lớn ở Nga sẽ cản trở nỗ lực hiện đại hóa, tái cấu trúc hoặc sa thải nhân viên để tăng lợi nhuận, theo nhận định của Konstantin Sonin, giáo sư danh dự tại Trường Cao học Nghiên cứu chính sách công Irving B. Harris, trên Foreign Affairs.
Giáo sư Sonin cho biết Nga bắt đầu kiểm soát doanh nghiệp từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhưng đã tăng cường hoạt động này kể từ sau khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
"Nền kinh tế Nga sẽ đối mặt một thời gian dài trì trệ", Sonin cảnh báo.
Phát biểu trước các nhà lập pháp Nga tuần này, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cũng cảnh báo tình hình nền kinh tế có thể trở nên u ám hơn. "Chúng tôi thực sự cần phải xem lại tình hình một cách tỉnh táo và nhìn nhận mọi khía cạnh. Chúng tôi hiểu mọi thứ có thể tồi tệ hơn", bà nói.
Thanh Tâm (Theo Bloomberg, Foreign Affairs, Moscow Times)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận