24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Khổng Kiên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Kinh tế Mỹ: Mở cửa trở lại sớm và rủi ro tác động ngược

Lo sợ một thảm họa kinh tế sẽ diễn ra ngay trước thềm cuộc bầu cử tháng 11 tới, Tổng thống Donald Trump kỳ vọng có thể nhanh chóng loại bỏ các hạn chế nghiêm ngặt về y tế (cách ly xã hội - social distancing) để chống lại đại dịch Covid-19.

Phản tác dụng

Ông Trump cho biết hôm thứ Ba, là muốn nền kinh tế Hoa Kỳ "mở cửa hoạt động trở lại" vào lễ Phục sinh tới (ngày 12/4). Nhưng việc mở hoạt động kinh doanh trở lại ngay trong một vài tuần tới có thể gây ra tác dụng ngược và có thể đặt nền móng cho sự lặp lại của Đại suy thoái.

Mục đích muốn đưa các hoạt động kinh tế trở lại bình thường của ông Trump có lẽ là nhằm giảm bớt những “nỗi đau” trên thị trường tài chính gây ra bởi sự đóng cửa chưa từng có tại nhiều vùng rộng lớn của nền kinh tế này. Các đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp đang tăng vọt; thị trường chứng khoán giảm sâu; và GDP đang đứng trước nguy cơ trải qua giảm sút ở mức lịch sử. Nhưng cũng có những rủi ro lớn nếu việc đảo ngược nhanh chóng các chính sách cách ly xã hội được đưa ra. Mở cửa sớm trở lại của nền kinh tế không chỉ là “bất chấp” lời khuyên từ các chuyên gia y tế, mà còn được cảnh báo sẽ phản tác dụng khi thay vì phải chịu “cú đánh một lần”, nền kinh tế có thể phải đối mặt với việc ngừng hoạt động nhiều lần và trong một thời gian dài.

“Nếu Tổng thống quyết định quay ngược 180 độ và mở cửa vào lễ Phục sinh tới, điều đó sẽ tạo ra sự hỗn loạn và hoang mang. Đó là đơn thuốc cho khủng hoảng kinh tế”, Mark Zandi - Kinh tế trưởng tại Moody Analytics, người từng là cố vấn cho ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa John McCain năm 2008 nói với CNN Business.

Mục tiêu của các hạn chế về y tế như chính sách cách ly xã hội là nhằm làm chậm lại sự bùng phát, từ đó có khoảng thời gian quý giá để ngăn chặn tình trạng quá tải cho các bệnh viện và bác sỹ. “Nếu mọi người hoảng loạn vì các bệnh viện quá tải trong khi những người thân yêu của họ đang hấp hối thì ảnh hưởng đến nền kinh tế (của việc mở cửa kinh tế trở lại) sẽ còn tồi tệ hơn so với việc tiếp tục duy trì các hạn chế. Đó là một canh bạc lớn – và là một quyết định không dựa trên khoa học”, Zandi nói.

Ben Bernanke, cựu Chủ tịch Fed – người được nhìn nhận là đã giúp giải cứu nền kinh tế Mỹ khỏi cuộc khủng hoảng năm 2008, cũng đã đưa ra một cảnh báo tương tự vào hôm thứ Tư. “Điều quan trọng là trước khi quyết định đưa mọi người trở lại làm việc, chúng ta cần kiểm soát được tình hình sức khỏe cộng đồng. Sức khỏe cộng đồng là quan trọng nhất lúc này”, Bernanke nói trên CNBC. Cựu Chủ tịch Fed cho rằng, tình hình hiện tại “giống như một cơn bão tuyết lớn hoặc một thảm họa tự nhiên hơn là một cuộc suy thoái theo cách mà Đại suy thoái xảy ra trước đây”. Nhưng trong trường hợp này, đó là một cơn bão tuyết được cố ý gây ra bởi các chính phủ khi đang cố gắng hết sức để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Gần một nửa người dân Mỹ đã được yêu cầu nên ở tại nhà. Nhiều siêu thị và trung tâm mua sắm trống rỗng; các sân bay đang bị bỏ trống; đường sá tĩnh lặng và các nhà hàng đã chuyển sang chỉ phục vụ bán đồ ăn mang đi. “Chúng ta đang ở thời điểm của Volcker”, Joe Brusuelas, Kinh tế trưởng của RSM, nói và gợi nhớ về quyết định đầy đau đớn của cố Chủ tịch Fed Paul Volcker vào cuối những năm 1970, chấp nhận đưa kinh tế Hoa Kỳ vào một cuộc suy thoái để chế ngự lạm phát tăng cao trong giai đoạn đó.

Nên chấp nhận đau một lần

Dù có chủ ý hay không, thì nỗi đau mang lại đều rất nghiêm trọng đối với cả tầng lớp thượng lưu và trung lưu ở Mỹ. Có tới 281.000 người lao động đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp (tăng 33%) trong tuần trước - mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1992. Goldman Sachs dự đoán rằng con số này sẽ tăng gấp tám lần trong tuần này, lên mức kỷ lục 2,25 triệu. Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ dự báo sẽ tăng nhanh từ mức 3,5% hiện tại. Như theo dự báo của Morgan Stanley, tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên mức kỷ lục 12,8% vào quý II tới.

Các nhà kinh tế cũng dự báo cần chuẩn bị cho “một sự sụp đổ lịch sử” trong GDP. Goldman Sachs ước tính, kinh tế sẽ co lại với mức giảm 24% trong quý II. Morgan Stanley còn dự báo mức giảm lớn hơn, lên tới 30,1%. Nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái cũng khiến thị trường chứng khoán rơi vào sụt giảm mạnh. Để đối phó với diễn biến tiêu cực, Fed đã liên tiếp hạ lãi suất đồng thời cam kết sẽ mua vào một lượng trái phiếu không giới hạn (QE vô hạn) nhằm nỗ lực ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng tài chính. Nhiều động thái từ phía tài khóa cũng được đưa ra. Mới đây, Quốc hội và Nhà Trắng đã đạt được thỏa thuận về gói kích thích kinh tế trị giá 2 nghìn tỷ USD nhằm cung cấp cứu trợ cho các hộ gia đình, DN nhỏ và kể cả các tập đoàn lớn.

Nhưng gói kích thích này sẽ không xóa được hoàn toàn các hậu quả kinh tế. Moody dự kiến GDP quý II sẽ giảm 17,6%, so với mức giảm 28,3% nếu không có gói kích thích này. Trong khi đó, cựu CEO của Goldman Sachs Lloyd Blankfein cho rằng, những nỗ lực làm giảm tác động của dịch là "hợp lý", nhưng cũng dẫn đến những chi phí thực sự. "Phá vỡ nền kinh tế, công việc và tinh thần cũng là những vấn đề liên quan đến sức khỏe và hơn thế nữa. Do đó trong vòng một vài tuần tới, nên để những người có nguy cơ mắc bệnh thấp hơn trở lại làm việc", Blankfein đã tweet như vậy vào ngày thứ Ba vừa qua.

Chuyên gia Zandi kêu gọi các quan chức Hoa Kỳ cần nghiên cứu những gì đã diễn ra ở châu Á, nơi các nền kinh tế như Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore trước đó đã áp dụng các chính sách hạn chế rất nghiêm ngặt. "Và giờ họ đang ở phía bên kia của vấn đề này. Trong khi vẫn phải chiến đấu với dịch nhưng các nền kinh tế này cũng đang dần trở lại với trạng thái bình thường", Zandi nói. Tuy nhiên Bắc Kinh cũng thấy rằng, rất khó để thuyết phục các công ty trở lại bình thường một cách nhanh chóng. Và cũng có một nguy cơ khác là việc vội vã quay trở lại trạng thái bình thường có thể châm ngòi cho một làn sóng Covid-19 thứ hai ở quốc gia này.

Trước thực tế cuộc bầu cử tổng thống chỉ còn 5 tháng nữa là diễn ra, ông Trump rõ ràng đang lo lắng và muốn dỡ bỏ các hạn chế về y tế và khôi phục lại trạng thái bình thường của nền kinh tế. “Người dân của chúng ta muốn trở lại làm việc. Họ sẽ thực hành “cách ly xã hội” và tất cả những gì cần thiết khác. Người cao tuổi sẽ được chăm sóc, bảo vệ và yêu thương. Chúng ta có thể làm 2 điều cùng một lúc. Không thể để giải pháp lại tệ hơn cả vấn đề. Chúng ta sẽ trở lại đầy mạnh mẽ!”, Tổng thống Trump đã tweet như vậy vào thứ Ba.

Tất nhiên, một mình ông Trump sẽ không thể đưa nền kinh tế trở lại. Sẽ vẫn còn nhiều thị trưởng và thống đốc các bang có thể sẽ giữ nguyên lệnh người dân ở nhà, đặc biệt là ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của dịch như New York, New Jersey hay San Francisco. Và cũng sẽ có rất nhiều chủ doanh nghiệp lên kế hoạch của riêng họ, giữ cho văn phòng, nhà máy của họ “tối đèn” để bảo vệ sức khỏe người lao động cũng như để trấn an về mặt tinh thần.

Về phần mình, chuyên gia Brusuelas kêu gọi Tổng thống Trump nên “đặt lợi ích quốc gia lên trước tham vọng chính trị của cá nhân trong lúc này. "Nếu mở lại nền kinh tế trước khi chấm dứt dịch, tức là đang tạo ra xác suất cao hơn cho các đợt bùng phát dịch lần thứ hai hay thứ ba và một lần nữa nền kinh tế sẽ phải đóng cửa. Tốt hơn kinh tế chỉ nên bị đau một lần", Brusuelas nói.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả