24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trần Phong
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Kinh tế có giữ nổi ghế tổng thống cho ông Trump?

Có ý kiến nhận định rằng, kinh tế là một trở ngại gần như không thể vượt qua đối với ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump từ lâu đã xem khả năng điều hành nền kinh tế lớn nhất thế giới của mình trong nhiệm kỳ đầu là một di sản lớn. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 có thể khiến ông Trump trở nên yếu thế hơn.

Nhiều nhà kinh tế lạc quan dự báo kinh tế Mỹ sẽ phục hồi nhanh sau đại dịch Covid-19. Để đưa nước Mỹ tiến lên trở lại, theo các nhà kinh tế này, điều cần thiết nhất là sự tự tin, và có thể cần sự trợ giúp của các gói giải cứu nữa. Nếu người tiêu dùng bắt đầu rộng tay chi tiêu hơn, khi đó hoạt động kinh doanh, đầu tư sẽ hồi phục, và mọi việc sẽ tốt đẹp trở lại.

Tuy nhiên, theo nhà kinh tế học James K. Galaith, giáo sư giảng dạy về lãnh đạo chính phủ và quan hệ kinh doanh tại trường công vụ Lyndon B. Johnson thuộc Đại học Texas, tình hình không đơn giản như vậy.

CNA dẫn lời GS Galaith nhận định, tình hình lúc này là thách thức lớn nhất với kinh tế Mỹ kể từ thập niên 1960, khi Tổng thống John F Kennedy và người tiền nhiệm Lyndon B Johnson vận động thông qua các chính sách cắt giảm thuế.

GS Galaith cho rằng các suy nghĩ và dự báo lạc quan trên đã không tính đến ba thay đổi chính trong kinh tế Mỹ lúc này so với thời điểm thập niên 1960. Đó là sự toàn cầu hóa, sự phát triển và tăng trưởng của ngành dịch vụ trong tiêu dùng và việc làm, và tác động của các khoản nợ cá nhân và tổ chức.

Đầu tiên là sự toàn cầu hóa. Thời thập niên 1960, Mỹ có một nền kinh tế cân bằng, vừa sản xuất các nguyên vật liệu phục vụ cho cả các cơ sở sản xuất kinh doanh và hàng hóa phục vụ nhu cầu các hộ gia đình; ở đa dạng hình thức, mức độ kỹ thuật công nghệ. Thời điểm đó lĩnh vực tài chính không rộng như bây giờ và cũng được quản lý chặt chẽ hơn bây giờ.

Thời điểm thập niên 1960 kinh tế Mỹ sản xuất phần lớn phục vụ cho mình, nhiều mặt hàng quan trọng còn nhờ vào nhập khẩu.

Ngày nay, Mỹ sản xuất không chỉ phục vụ cho mình mà cả thế giới, ở đa dạng mặt hàng, dịch vụ, đa dạng lĩnh vực như hàng không, công nghệ thông tin, vũ khí, dầu mỏ, tài chính.

Lượng hàng tiêu dùng – như quần áo, linh kiện điện tử, ô tô và các bộ phận xe hơi…- Mỹ nhập khẩu cũng nhiều hơn thời điểm hơn nửa thế kỷ trước.

Thứ hai, đó là sự phát triển và tăng trưởng của ngành dịch vụ. Thập niên 1960, các mặt hàng ô tô, tivi, và các loại trang thiết bị gia đình chiếm phần lớn nhu cầu tiêu dùng Mỹ. Ngày nay một phần lớn thị phần chi tiêu nội địa thuộc về các nhà hàng, quán bar, khách sạn, khu nghỉ mát, phòng tập thể hình, tiệm làm đẹp, quán café, cả học phí đại học hay phí khám chữa bệnh. Hiện đang có cả hàng chục triệu người Mỹ làm việc trong các lĩnh vực này.

Thứ ba là sự gia tăng các khoản nợ cá nhân và nợ tổ chức. Thập niên 1960, chi tiêu hộ gia đình Mỹ chủ yếu nhờ thực tế lương, thu nhập của người dân tăng. Tuy nhiên đà tăng của lương đã chậm lại nhiều kể từ năm 2000. Và rồi đến khoảng năm 2010 thì chi tiêu lại nhờ một phần lớn vào các khoản vay nợ cá nhân và nợ tổ chức.

Các nhà kinh tế học ít chú ý vào các vấn đề mang tính cấu trúc này. Thay vào đó họ cho rằng đầu tư kinh doanh chủ yếu do tiêu dùng quyết định, mà tiêu dùng thì do thu nhập và mong muốn quyết định.

Sự khác biệt giữa “thiết yếu” và “không cần thiết” không tồn tại. Cụm từ “gánh nặng nợ nần” hầu như bị bỏ qua.

Nhu cầu về tư liệu sản xuất do Mỹ làm ra giờ phụ thuộc vào điều kiện toàn cầu. Nhu cầu về máy bay sẽ chưa hồi phục một khi vẫn còn cả nửa số máy bay hiện tại của thế giới phải tiếp tục nằm đất vì tình hình dịch Covid-19. Với giá cả hiện tại, ngành công nghiệp dầu mỏ toàn cầu sẽ không khoan thêm giếng dầu mới nữa. Nhìn gần hơn, có thể thấy các dự án, kế hoạch xây dựng mới sẽ chưa sớm được bắt đầu. Vì Covid-19, nhu cầu đi lại giảm mạnh, giá xăng sẽ còn tiếp tục đà giảm.

Trước thực tế bất an này, người tiêu dùng Mỹ chắc chắn sẽ có tâm lý tiết kiệm nhiều hơn, chi tiêu ít đi. Dù chính phủ có ra các chính sách choàng phần thu nhập bị mất của họ trong một thời gian nào đó thì họ cũng biết đây chỉ là ngắn hạn. Cái họ chưa biết là khi nào chuyện việc làm sẽ được cải thiện, hay tình hình thất nghiệp sẽ kéo dài đến lúc nào.

Hơn nữa, người dân hoàn toàn phân biệt được giữa cái họ cần và cái họ muốn. Chẳng hạn họ cần ăn, nhưng không nhất thiết phải ăn ở ngoài. Họ cũng không nhất thiết phải du lịch trong bối cảnh này.

Vì thế, các chủ nhà hàng và các hãng hàng không đối mặt với hai vấn đề: Không thể choàng gánh nổi chi phí về lâu dài khi không cải thiện được nguồn thu, và sẽ còn tệ hơn nữa nếu dịch không chấm dứt.

Điều này lý giải tại sao nhiều doanh nghiệp chưa thể mở cửa lại dù họ hoàn toàn có quyền làm điều này về pháp lý. Một số khác mở cửa nhưng hoạt động trong nỗi phập phồng không biết tình hình kinh doanh liệu có sáng sủa hay còn xấu thêm để rồi phải đóng cửa lại. Và hàng triệu người lao động làm ở lĩnh vực dịch vụ của Mỹ đã nhận ra công việc của mình thuộc ngành nghề không thiết yếu và thuộc diện chịu tổn thương đầu tiên khi kinh tế gặp trục trặc.

Trong khi đó, các khoản nợ gia đình Mỹ, như vay mua nhà, mua trả góp ô tô, đồ gia dụng, vay đóng học phí…, đang tiếp tục chồng chất.

Dĩ nhiên các gói giải cứu chính phủ Mỹ thông qua giúp ích phần nào. Nhưng nếu phải chịu đựng cảnh không có thu nhập hay thu nhập bị giảm trong một thời gian dài, người dân sẽ phải tiết kiệm hết sức để có tiền trả các khoản nợ không thể né được.

Mà nếu tình trạng dân mất hay giảm thu nhập kéo dài, khoản thu từ thuế thu nhập mang lại cho chính quyền sẽ giảm. Khi đó chính quyền các bang, các địa phương ở Mỹ phải cắt giảm chi tiêu.

Theo vị chuyên gia, tình hình khó khăn của kinh tế Mỹ mang tính cấu trúc. Khó khăn này phản ánh các bước thay đổi mang tính hệ thống trong hơn 50 năm qua đã tạo nên một nền kinh tế dựa vào nhu cầu toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng, thậm chí dựa vào các khoản nợ vay của hộ gia đình hay doanh nghiệp.

Không bác bỏ thực tế nền kinh tế này bằng nhiều cách đã mang lại sự thịnh vượng, cung cấp việc làm và thu nhập cho nhiều triệu người. Tuy nhiên đây cũng là một kế hoạch bấp bênh khi có biến cố lớn như Covid-19 xảy ra, và đúng là đại dịch này đã thổi bay nó.

Vì thế, “mở cửa lại” để đưa nước Mỹ tiến lên là một sự mơ mộng về kinh tế và chính trị, theo GS Galaith.

Trước đó, mô hình dự báo được Oxford Economics công bố hồi tháng 5 cũng cho thấy kinh tế - tài sản chính trị lớn nhất của ông Trump có thể biến thành điểm yếu nhất trong cuộc bầu cử và ông sẽ có một "thất bại lịch sử" vào tháng 11.

Mô hình này sử dụng tỷ lệ thất nghiệp, thu nhập còn lại sau khi đóng thuế, phí và lạm phát để tính toán các kết quả bầu cử. Theo đó, Trump có thể sẽ thua đậm khi chỉ giành được 35% số phiếu bầu phổ thông.

Kết quả trên khác hẳn với dự báo của chính mô hình này trước khủng hoảng, rằng Trump sẽ thắng với khoảng 55% phiếu bầu. Đồng thời, đây cũng là kết quả tệ nhất cho một tổng thống đương nhiệm trong một thế kỷ qua.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đang tăng với tốc độ chưa từng thấy. Chi tiêu của người tiêu dùng sụt giảm. GDP đang lao dốc. Lịch sử đã cho thấy kinh tế rơi tự do sẽ khiến các tổng thống đương nhiệm tái tranh cử thất bại.

"Sẽ không có một phép màu kinh tế nào có lợi cho Trump đâu. Kinh tế là một trở ngại gần như không thể vượt qua đối với ông ấy trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới", Oxford Economics viết trong báo cáo.

Trong một cuộc phỏng vấn hôm 12/6, Tổng thống Donald Trump khẳng định sẽ rời Nhà Trắng trong hòa bình nếu thất cử.

"Tôi nghĩ đó sẽ là điều rất tồi tệ với đất nước của chúng ta", ông nói về khả năng không đắc cử nhiệm kỳ hai.

Link Nguồn
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả