Kinh tế chững lại, mì gói bùng nổ ở Trung Quốc
Lượng tiêu thụ mì ăn liền tại Trung Quốc đã tăng đột biến trong năm 2018, lên mức hơn 40 tỉ khẩu phần - chiếm 38,8% tổng khẩu phần tiêu thụ toàn cầu trong bối cảnh thương chiến với Mỹ vẫn chưa có hồi kết.
Điều thú vị là xung quanh câu chuyện dân Trung Quốc ăn mì nhiều lại đang có rất nhiều tranh cãi với sự vào cuộc nghiêm túc của chính quyền Bắc Kinh.
Các chuyên gia và truyền thông Trung Quốc khẳng định "sự hồi sinh" của mì gói ở thị trường này là do các nhà sản xuất đã biết nắm bắt xu hướng thị trường, cho ra nhiều loại mì mới và ngon hơn nên được người dân ưa chuộng hơn.
"Sự trở lại của mì ăn liền và rau đông lạnh không phải vì người tiêu dùng đang thắt lưng buộc bụng mà do các công ty đã nắm bắt thị trường, đa dạng hóa sản phẩm và cho ra đời các dòng sản phẩm cao cấp hơn", tờ Nhân Dân Nhật Báo lập luận.
Tờ báo cho rằng không phải cứ ăn mì là ít tiền và chứng minh bằng cách chỉ ra các loại mì cao cấp mới tung ra thị trường, với giá mỗi gói tới 24 nhân dân tệ - mắc hơn cả một tô mì thịt bò ở một số thành phố Trung Quốc.
Viện Khoa học và công nghệ thực phẩm Trung Quốc cũng trưng ra con số cho thấy trong khi doanh số của 22 nhà sản xuất mì ăn liền lớn nhất nước này chỉ tăng 0,73% trong năm 2018, doanh thu lại tăng tới 3,3% lên mức 51,5 tỉ nhân dân tệ năm 2018.
Nhưng giới quan sát nước ngoài thì lại nghĩ khác. Họ cho rằng việc mì gói lên ngôi trở lại là dấu hiệu cho thấy người dân Trung Quốc bắt đầu thắt lưng buộc bụng và bi quan về tương lai.
Trong bối cảnh thương chiến với Mỹ vẫn chưa kết thúc và không thể lường trước, người Trung Quốc đang ngày càng ít bạo chi. Không chỉ ăn mì gói, họ cũng hạn chế mua sắm xa xỉ phẩm và chọn đi du lịch trong nước hoặc các nước gần Trung Quốc so với châu Âu hay Mỹ như trước.
Do mức độ phổ biến và tầm quan trọng ở Trung Quốc, doanh số ôtô và mì gói là hai đối tượng được so sánh thường xuyên. Khi doanh số ôtô cá nhân tăng: người tiêu dùng đang thoải mái trong việc chi tiêu. Khi doanh số mì gói tăng: người dân đang thắt chặt chi tiêu, theo báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong.
Số liệu từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho thấy doanh số bán lẻ ôtô đang ì ạch trong 15 tháng liên tiếp tính đến tháng 8-2019. Ngược lại, tăng trưởng trong ngành bán lẻ thực phẩm, bao gồm cả mì gói và rau củ đông lạnh lại tới 10,6% - cao hơn mức tăng trưởng chung 7,5%.
Bãi đậu ôtô mới của một nhà máy ôtô ở Trung Quốc - Ảnh: REUTERS
Tiêu thụ mì ăn liền ở Trung Quốc đại lục và Hong Kong bắt đầu giảm sau năm 2014, một phần vì các bữa ăn nhanh có giá dễ chịu hơn kết hợp với các ứng dụng giao hàng tận nơi.
Doanh số mì ăn liền giảm xuống 38,5 tỉ khẩu phần trong năm 2016, nhưng đã tăng trở lại hơn 40 tỉ khẩu phần năm ngoái - tương đương hơn 38,8% tổng doanh số toàn cầu, theo Hiệp hội Mì ăn liền thế giới. Các nhà phân tích dự đoán con số này sẽ còn tăng hơn nữa trong năm nay.
Tại Trung Quốc, mì ăn liền là một sản phẩm tiêu dùng mang tính biểu tượng liên quan đến công cuộc công nghiệp hóa nhanh chóng của Trung Quốc trong 40 năm qua.
Doanh số mì ăn liền tăng mạnh khi tầng lớp công nhân mở rộng và sụt giảm khi tầng lớp trung lưu, những người giàu có ở nước này ngày càng nhiều.
"Doanh số nóng của mì ăn liền không phải do bản thân sản phẩm đã được cải tiến. Nó thuộc về sở thích và lo ngại của người dân hơn. Nhiều cải tiến đã được thực hiện, nhưng dù sản phẩm có thay đổi bao nhiêu đi chăng nữa, nó vẫn là mì ăn liền" - ông Tao Dong, giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Credit Suisse, bình luận.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận