Kinh tế ban đêm và kinh tế tuần hoàn được nhiều DN quan tâm
Kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm là giải pháp giúp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
Thời gian qua, việc cải cách mạnh mẽ về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, thông qua việc hoàn thiện chính sách pháp luật đã khiến khu vực doanh nghiệp ngày càng phát huy và khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.
Đặc biệt, các doanh nghiệp đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư từ các ngành đơn thuần về khai thác tài nguyên thô sang các lĩnh vực chế biến, chế tạo và dịch vụ, tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm, hàng hóa hướng đến tăng trưởng xanh, bền vững.
Kinh tế tuần hoàn sẽ là bước đột phá
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, thời gian qua, kinh tế tuần hoàn (KTTH) đã được nhìn nhận là giải pháp giúp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
Theo đó, quá trình vận hành của nền kinh tế sẽ không có chất thải ra môi trường giải quyết được bài toàn xử lý mối quan hệ giữa kinh tế và môi trường đã hạn chế tối đa khai thác nguyên liệu thô từ môi trường tự nhiên và duy trì hệ sinh thái; Quá trình này không còn đưa chất thải ra môi trường gây ô nhiễm và suy thoái môi trường nhằm duy trì chất lượng môi trường.
Do đó, ông Lộc cho rằng, để mô hình KTTH được áp dụng rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp, trước mắt Nhà nước cần rà soát lại khung pháp lý của các quy định, các luật để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện KTTH, trong tương lai cần xây dựng một Luật về nền KTTH.
Đặc biệt, Chính phủ cần nâng cao nhận thức và năng lực cho doanh nghiệp trước những thách thức trong việc áp dụng mô hình KTTH cũng đang ở ngay trong chính doanh nghiệp. Chính vì thế cần hỗ trợ doanh nghiệp chuẩn bị hành trang tốt, những công cụ quản trị tốt và đặc biệt là ý tưởng kinh doanh sáng tạo và áp dụng khoa học công nghệ để triển khai KTTH thành công.
“Chính phủ cần đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ hỗ trợ KTTH và coi đây là một trong những chìa khóa quan trọng nhất để quyết định cho tính khả thi trong việc áp dụng mô hình KTTH ở Việt Nam”, ông Lộc đề xuất.
Thừa nhận Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng kể trong tăng trưởng kinh tế, cải thiện các vấn đề xã hội và môi trường, song ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vẫn lưu ý, do bản chất quy mô nhỏ, nên các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn còn có những hạn chế về khả năng tiếp cận các nguồn lực cơ bản như vốn, đất đai; trình độ quản lý, lực lượng lao động và khoa học công nghệ lạc hậu. Những hạn chế trong việc xây dựng các kết nối kinh doanh, tiếp cận thị trường trong nước cũng như quốc tế đang khiến các DNNVV rất dễ bị tổn thương.
Do đó theo ông Thân, để có sự tham gia ngày càng mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm cả hơn 5,2 triệu hộ kinh doanh cá thể, Nhà nước cần tiếp tục cải cách chính sách một cách quyết liệt hơn, sao cho vừa cởi trói cho doanh nghiệp để cạnh tranh và tạo việc làm vừa mang đến cho mọi người mức độ tự do và trách nhiệm cá nhân cao hơn.
Thời cơ từ kinh tế ban đêm
Để tạo động lực mạnh mẽ hơn cho khối kinh tế tư nhân, ông Thân đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, trước mắt hoàn thiện khung pháp lý đối với hộ kinh doanh, trên nguyên tắc thừa nhận sự tồn tại của hộ kinh doanh là hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp, không ép buộc hộ kinh doanh phải chuyển thành doanh nghiệp.
Theo đó, Chính phủ cân nhắc nghiên cứu xây dựng một Nghị định riêng về hộ kinh doanh, nhằm xác định địa vị pháp lý, điều kiện kinh doanh, cơ chế hỗ trợ, quản trị kế toán theo hướng tinh gọn, bảo đảm khuyến khích, quản lý hộ kinh doanh để họ phát triển sản xuất kinh doanh theo năng lực và tuân thủ pháp luật, khi đủ điều kiện sẽ xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh.
Mặt khác, để khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành mô hình doanh nghiêp, đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Hỗ trợ DNNVV, trong đó có việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp thành lập mới từ hộ, cá nhân kinh doanh và giảm thuế TNDN xuống còn 15% và 17% đối với DNNVV.
“Với mức hỗ trợ này, DNNVV sẽ có thêm nguồn lực mở rộng sản xuất, phát triển, các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường tăng lên. Từ đó, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 là khả thi, nhất là việc chuyển đổi các hộ kinh doanh cá thể thành các DNNVV”, ông Thân nói.
Nhận thấy kinh tế ban đêm là một xu hướng các nước đang vận dụng, đặc biệt là ở khu vực châu Á và Việt Nam cũng nên tận dụng thời cơ này. Ông Thân đề nghị Thủ tướng chỉ đạo cơ quan chức năng cho nghiên cứu chính thức về kinh tế ban đêm để xác định quy mô và tác động của nó đối với nền kinh tế. “Việc phát triển tốt kinh tế ban đêm sẽ kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển du lịch, tăng thu nhập cho người dân, ngân sách cho nhà nước”, ông Thân mong muốn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận