menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Lan Anh

Kinh tế 2019: Tự tin về đích

3 quý của năm 2019 đã khép lại với bức tranh rất sáng màu, nền kinh tế Việt Nam có bước tăng trưởng ngoạn mục, đạt những con số cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Dự báo 3 tháng còn lại của năm 2019, chúng ta sẽ đạt được những mục tiêu đề ra.

Kết quả sáng

Trong Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Quốc hội đưa ra 12 chỉ tiêu chủ yếu trong phát triển kinh tế - xã hội: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6-6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP… Với những chỉ tiêu này, khi 9 tháng đã qua đi, các chuyên gia trong nước và quốc tế đều nhận định, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được, thậm chí là hoàn thành vượt mức đề ra.

Báo cáo số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2019 của Tổng cục Thống kê cho thấy, 9 tháng đầu năm, GDP ước tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất trong cùng kỳ 9 năm trở lại đây. GDP trong quý III tăng tới 7,31% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 6,82% của quý I và 6,73% của quý II năm nay. Điều này có được là ở sự nỗ lực, chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã đề ra. Bên cạnh đó, sự điều tiết hài hòa của các thành phần kinh tế, niềm tin của giới doanh nghiệp, nhà đầu tư vào môi trường kinh doanh được tăng lên cũng góp phần tích cực vào sự ổn định của kinh tế vĩ mô.

Theo ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê), trong 9 tháng năm 2019, ngành công nghiệp tăng trưởng đạt 9,56%, là mức rất cao thuộc nhóm đầu các nước phát triển; đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là điểm sáng của toàn ngành với mức tăng 11,37%, để tiếp tục giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế. Tỷ lệ tồn kho trong 9 tháng tuy tăng cao hơn cùng kỳ, lên tới 72,1%, nhưng theo ông Thúy, đây là tồn kho mang tính kỹ thuật và chiến lược do tập trung vào 3 ngành chính: xăng dầu; sản xuất ô tô, xe máy; sản xuất kim loại. Các lĩnh vực này tồn kho để chờ đợi những tín hiệu tích cực từ thị trường để đưa sản phẩm vào tiêu thụ.

Bên cạnh những động lực chính, giới chuyên gia đặt nhiều kỳ vọng vào những động lực mới sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng mạnh hơn như Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 và tới đây, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư. Điều này được cho là sẽ tháo gỡ hàng loạt rào cản, vướng mắc để thu hút mạnh đầu tư tư nhân trong và ngoài nước vào kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Nhờ những sự phát triển mạnh mẽ này, các tổ chức quốc tế đã đánh giá cao khả năng đạt mức tăng trưởng 6,6-6,8% như Quốc hội đề ra trong cả năm 2019. Trong đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo, Việt Nam sẽ duy trì tăng trưởng mạnh trong năm 2019 và 2020 ở mức tương ứng là 6,8% và 6,7%. Chuyên gia của Ngân hàng Standard Chartered dự báo Việt Nam sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm nay với tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 6,9%, tốc độ này được kỳ vọng sẽ duy trì đến năm 2021. Đặc biệt, kết quả này của Việt Nam càng “sáng” hơn khi đặt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có dấu hiệu suy giảm, tăng trưởng xuất khẩu của nhiều quốc gia chững lại do ảnh hưởng của các xung đột thương mại, căng thẳng địa chính trị, trong đó ảnh hưởng mạnh nhất là thương chiến Mỹ - Trung vẫn đang dai dẳng.

Gỡ bỏ các “điểm nghẽn”

Mặc dù đạt được nhiều kết quả rất tích cực, nhưng Thủ tướng Chính phủ luôn nhắc nhở lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, lơ là và phải tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, người đứng đầu Chính phủ đã vào cuộc rất mạnh mẽ để tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế vĩ mô.

Theo đó, “điểm nghẽn” lớn nhất của nền kinh tế hiện nay là giải ngân vốn đầu tư công, đây là “căn bệnh” trầm kha ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển chung của nền kinh tế. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2019, Quốc hội giao 429.300 tỷ đồng vốn đầu tư công. Số vốn giao kế hoạch chi tiết đã đạt hơn 367.000 tỷ đồng, bằng 85,5% dự toán Quốc hội giao. Tuy nhiên, ước tính đến hết tháng 9, số vốn giải ngân mới đạt hơn 192.130 tỷ đồng, bằng 45% kế hoạch Quốc hội giao, trong đó thấp nhất là giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ, ODA. Trong khi theo tính toán, đầu tư công chiếm gần 11% tổng giá trị GDP, khoảng 32% tổng mức đầu tư toàn xã hội năm 2019, nên việc vốn được giải ngân quá chậm đang gây ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng chung, kéo lùi các dòng vốn khác của nền kinh tế.

Cùng với đó, trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, vấn đề còn tồn tại là giá cả hàng hóa khi số lượng hàng xuất khẩu không giảm, nhưng giá cả hàng hóa giảm đã đánh tuột giá trị đóng góp cho nền kinh tế. Tiêu biểu như lĩnh vực nông nghiệp, trong 9 tháng qua, chỉ đóng góp cho nền kinh tế 4,8%, đạt mức tăng trưởng chỉ 2,02%, mức thấp nhất trong nhiều năm, ngoại trừ năm 2016. Nguyên nhân chủ yếu được Tổng cục Thống kê đưa ra là do tình hình thời tiết, thiên tai, dịch bệnh… khiến sản lượng giảm thấp. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại hơn cả là tình hình giá cả các mặt hàng nông thủy sản đều giảm mạnh, như giá hạt điều giảm 21,8%, giá hạt tiêu giảm 22%... Bên cạnh đó, các hoạt động xuất khẩu còn gặp trở ngại từ việc bảo hộ thương mại của các thị trường truyền thống, nên có thể thấy, việc Việt Nam xuất siêu trong 9 tháng đã là một nỗ lực rất lớn.

Về lạm phát, dù dư địa đến chỉ tiêu của Quốc hội còn rất nhiều, nhưng không có nghĩa mối lo về lạm phát tăng không còn, bởi thời gian gần đây, nhiều mặt hàng giá cả đã tăng giá theo biến động mạnh của thị trường thế giới. Tiêu biểu như giá vàng trong tháng 9 đã tăng tới 3,25% so với tháng trước và tăng tới 18,05% so với tháng 12/2018; nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cũng tăng giá khá mạnh. Tuy nhiên, nhờ sự điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, Việt Nam đang có một thị trường ngoại tệ ổn định, giá xăng dầu, giá gas cũng giảm… Ông Nguyễn Minh Cương, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB dự báo, lạm phát của Việt Nam sẽ còn giảm xuống, nhưng các chính sách tiền tệ và tín dụng vẫn phải thận trọng, theo dõi sát sao diễn biến kinh tế thế giới.

Nhìn chung, trong bối cảnh hiện nay, kinh tế Việt Nam đạt được những kết quả như trên là điều đáng mừng, đây là căn cứ để chúng ta đạt được các mục tiêu của cả năm 2019, cũng như giai đoạn phát triển kinh tế 2016-2020. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận sâu vào thực tế những tồn tại để tìm ra giải pháp, kiến tạo những cơ chế phù hợp hơn để Việt Nam phát triển và tăng trưởng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả