Kinh nghiệm đầu tư cho 2021: Candlesticks hiệu quả ra sao? (Kỳ 3)
Phương pháp phân tích đến từ Nhật Bản được khá nhiều trader trên thế giới tin dùng. Tuy nhiên, nó có hiệu quả ra sao ở thị trường Việt nam thì cần xem xét từng trường hợp cụ thể.
Ai là người khai sinh ra phân tích hình nến?
Munehisa Homma (1724-1803) là một nhà buôn gạo tại vùng Sakata, Nhật Bản. Ông kinh doanh tại chợ Dojima, Osaka trong suốt triều đại Tokugawa. Chợ này là một trong những sàn giao dịch hợp đồng tương lai chính thức đầu tiên trên thế giới. Ông được coi là cha đẻ của đồ thị nến Nhật Bản (candlesticks) và sự thành công trong kinh doanh đã giúp ông có được danh hiệu samurai.
Trước đây, người ta chỉ giao dịch gạo vật chất ở Nhật Bản. Tuy nhiên, từ năm 1710 trở đi, thị trường giao sau đã xuất hiện với những phiếu cam kết giao gạo vào thời điểm xác định trong tương lai. Từ đó, một thị trường thứ cấp cho việc giao dịch theo phiếu giao ước cũng hình thành. Munehisa Homma đã thiết lập một mạng lưới thông tin dày đặc giữa vùng Sakata và Osaka để phục vụ việc buôn bán gạo trên thị trường.
Vào năm 1755, ông viết cuốn San-en Kinsen Hiroku. Trong cuốn sách này, ông kết luận rằng tâm lý thị trường rất quan trọng và có ảnh hưởng lớn đối với giá cả. Điều này có thể được sử dụng để dự đoán các biến động tương lai của giá gạo.
Ông mô tả sự luân chuyển Yang (thị trường đầu cơ giá lên) và Yin (thị trường đầu cơ giá xuống). Ông dùng phương pháp của mình để trở thành nhà kinh doanh thành công nhất tại Nhật Bản vào thời kỳ đó.
Steve Nison - Người có công đưa candlesticks đến với phương Tây
Steve Nison là một trong những người đầu tiên có được chứng chỉ CMT (Chartered Market Technician). Ông là một tác giả và diễn giả nổi tiếng, người tiên phong đưa biểu đồ nến candlesticks đến với thế giới phương Tây. Mặt khác, ông cũng là một trader có tiếng trên thị trường quốc tế.
Theo thông tin từ Hiệp hội Phân tích kỹ thuật Hoa kỳ, ông từng là chuyên gia phân tích kỹ thuật tại Merrill Lynch và phó chủ tịch của Công ty chứng khoán Daiwa.
Quyển sách Japanese Candlestick Charting Techniques giúp nhà đầu tư tiếp cận với mô hình nến Nhật Bản. Các mẫu hình nến mà chúng ta vẫn áp dụng cho đến ngày hôm nay như Engulfing, Shooting Star,… được diễn giải rất kỹ lưỡng và chi tiết.
Candlesticks có hiệu quả ở thị trường Việt Nam?
Đây là câu hỏi rất quan trọng và cần được trả lời thỏa đáng. Điều đầu tiên cần phải nhấn mạnh là candlesticks phản ánh các yếu tố ngắn hạn. Nếu bạn muốn có được những dự báo cho vài tháng tới thì công cụ này không phải là một lựa chọn hợp lý. Trong những trường hợp như vậy nhóm Moving Average dài hạn hoặc sóng Elliott sẽ là những công cụ phù hợp hơn.
Yếu tố được kết hợp với candlesticks nhiều nhất là kháng cự/hỗ trợ. Sau khi vượt qua được vùng 17,500-18,500 (tương đương đỉnh cũ tháng 06/2020), giá cổ phiếu GEX tăng mạnh mẽ trong tuần kế tiếp. Tuy nhiên, trong nửa cuối tháng 07/2020, giá lao dốc rất nhanh và test lại vùng 17,500-18,500 (lúc này đang đóng vai trò là hỗ trợ mạnh).
Mẫu hình Doji xuất hiện trong phiên ngày 31/07/2020 đã cho thấy cung cầu tạm thời cân bằng sau một giai đoạn giảm mạnh. Ngày 03/08/2020, giá bứt phá mạnh và xuất hiện mẫu hình White Marubozu cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang rất tích cực. Như vậy, kết hợp việc giá test thành công vùng hỗ trợ và mẫu hình nến tích cực sẽ cho ra một tín hiệu mua thành công.
Trường hợp cụ thể ở đây là cổ phiếu DGW. Mẫu hình Rising Window xuất hiện vào ngày 09/11/2020 khi giá đã vượt tất cả các đỉnh cũ trong lịch sử. Khi đó, nhà đầu tư có thể sử dụng khoảng trống (window/gap) mới như một vùng hỗ trợ ngắn hạn.
Trong những phiên sau đó, giá cổ phiếu DGW có những lúc dịch chuyển về gần vùng 63,000-66,000 nhưng không phá vỡ ngưỡng này. Đây chính là thời điểm tốt để vào hàng cho những nhà đầu tư chậm chân trong những đợt tăng trước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận