Kim ngạch xuất khẩu cua ghẹ quý I cao nhất 5 năm
Top 4 thị trường đơn lẻ nhập khẩu nhiều cua ghẹ nhất của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Pháp, chiếm hơn 91% tổng giá trị xuất khẩu. Xuất khẩu cua ghẹ sang Mỹ ở mức gần 19 triệu USD, tăng 78% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tiếp nối sự tăng trưởng trong quý IV năm ngoái, xuất khẩu cua ghẹ của Việt Nam tiếp tục tăng trong quý I năm nay. Kim ngạch ở mức 52 triệu USD, tăng 62% so với quý I/2021, cao nhất cùng kỳ 5 năm qua. Con số này gấp đôi quý đầu năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Top 4 thị trường đơn lẻ nhập khẩu nhiều nhất của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Pháp, chiếm hơn 91% tổng giá trị xuất khẩu.
Theo bà Kim Thu, chuyên gia của VASEP, sau khi giảm trong năm 2021, xuất khẩu cua ghẹ của Việt Nam sang Trung Quốc tăng liên tục trong 3 tháng đầu năm. Giá trị sang thị trường này trong quý I đạt hơn 20 triệu USD, tăng 104% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính là các doanh nghiệp thích nghi tốt với chính sách "zero Covid" của Trung Quốc và sự tăng trưởng này đã đưa Trung Quốc trở thành nước mua cua ghẹ lớn nhất của Việt Nam
Xuất khẩu mặt hàng này sang Nhật Bản cũng đang tiếp tục tăng trong quý I với gần 19 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ. Nhật Bản hiện đang là nước mua nhiều nhất cua ghẹ của Việt Nam trong khối thị trường tham gia Hiệp định CPTPP.
Tại EU, xuất khẩu mặt hàng này cũng phục hồi sau khi sụt giảm vào năm ngoái. Tuy nhiên, kim ngạch sang các thị trường trong khối không ổn định. Pháp hiện là nước mua cua ghẹ lớn nhất của Việt Nam với gần 1,7 triệu USD, tăng 38%. Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải cạnh tranh với các sản phẩm đến từ Anh, Na Uy, Madagascar, Trung Quốc, Indonesia.
Xuất khẩu mặt hàng cua ghẹ sang Mỹ ở mức gần 19 triệu USD, tăng 78% so với cùng kỳ năm trước. Mỹ đã mở cửa hoàn toàn trở lại và điều này đã giúp nhu cầu tiêu thụ tăng. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất và chi phí vận chuyển đường biển tăng đã đẩy giá xuất khẩu lên cao.
Theo bà Kim Thu, nhập khẩu cua vào Mỹ trong quý đầu giảm do ảnh hưởng của chính sách cấm nhập khẩu thủy sản, trong đó có cua, từ Nga của chính phủ Mỹ. Nga vốn chiếm 30% tổng nhập khẩu cua thuyết và 90% tổng nhập khẩu cua huỳnh đế của Mỹ. Do đó, các doanh nghiệp Việt có thể tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh bán sản phẩm sang thị trường này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận