24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Dương Mạnh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Kiều bào đề xuất lập trung tâm hỗ trợ hàng Việt nhập vào Hoa Kỳ, EU

Một số doanh nhân người Viêt ở nước ngoài đề xuất lập trung tâm hỗ trợ hàng Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU nhằm kết nối các nguồn lực, đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt.

Tiến sĩ Hoàng Xuân Bình, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan đánh giá, hiện các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU chủ yếu là sản phẩm thô, nguyên liệu hay gia công, còn ít sản phẩm mang thương hiệu Việt.

Nhìn chung, các doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn phân phối sản phẩm tại EU lại càng khó thực hiện khi không chỉ cần tìm hiểu thị trường, hoàn thiện chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn EU, chi phí cho marketing, tìm đối tác phân phối mà còn phải giám sát các hợp đồng xuất khẩu và thanh toán tài chính.

Điều này dẫn đến thực tế dù đã có sản phẩm đang phân phối trong nước hay các thị truờng khác, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khi xuất hàng sang EU.

Đặc biệt giai đoạn đại dịch Covid-19 hiện vẫn kéo dài, tài chính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị hạn chế sẽ khó triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại ở EU.

Các doanh nghiệp này là doanh nghiệp EU có kinh nghiệm kinh doanh hơn 20 năm, am hiểu thị trường, pháp luật, ngôn ngữ nước sở tại và cũng là điều kiện tốt làm cầu nối cho các doanh nghiệp Việt Nam lẫn doanh nghiệp EU.

“Tuy nhiên trong khó khăn hiện tại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có những lợi thế nhất định”, Tiến sĩ Hoàng Xuân Bình nói và nhận định thế mạnh lớn nhất của Việt Nam hiện có hàng vạn doanh nghiệp do người Việt sở hữu ở EU, nhất là các trung tâm thương mại của người Việt với hàng nghìn doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu, bán buôn, dịch vụ.

Dù vậy, hiện đa số các doanh nghiệp do Việt kiều sở hữu tại EU kinh doanh các hàng hóa có nguồn gốc tứ các nước khác như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc,…còn tỷ trọng hàng Việt Nam rất thấp.

Theo Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan, để có thể chuyển biến tích cực trong xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Việt kiều cần biến cơ hội của EVFTA và xu hướng kinh doanh mới thành những mô hình kinh doanh phù hợp với điều kiện doanh nghiệp, tiết kiệm, hiệu quả.

“Đặc thù chung các doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước chủ yếu thuộc nhóm vừa và nhỏ. Do vậy, cần tạo dựng quan điểm “Chiến tranh toàn dân“ trong kinh doanh, quyết tâm tiến vào thị truờng, sử dụng mọi nguồn lực, hợp tác của các doanh nghiệp trong và ngoài nước”, TS Bình chia sẻ thêm.

Phương châm hợp tác các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp Việt kiều trong xuất khẩu cần đảm bảo chi phí thấp nhất, chất luợng đảm bảo, giá cạnh tranh, hợp tác lâu dài và tuân thủ luật pháp cả ở Việt Nam lẫn tại EU.

Khi đó các doanh nghiệp trong nước cần tập trung hoàn thiện sản phẩm, tăng năng lực sản xuất, các doanh nghiệp Việt kiều đóng góp cơ sở vật chất, nhân lực.

Hai bên cùng hợp tác marketing, phân phối sản phẩm theo xu hướng để các doanh nghiệp Việt kiều trở thành đại diện, đại lý cho các doanh nghiệp trong nước.

TS Bình nhận thấy thực tiễn trong những năm gần đây, nhiều nước như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ,… đã hình thành các trung tâm hàng xuất khẩu của các nhà máy, doanh nghiệp tại EU (như ở Ba Lan), cũng như các khu sản xuất, lắp ráp các sản phẩm, hàng hóa mang thương hiệu Ý, Pháp, Đức,…

Các trung tâm này vừa giúp các doanh nghiệp Việt kiều xuất khẩu hàng hóa nhanh chóng, thuận lợi, vừa xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, thương hiệu quốc gia.

Vốn đầu tư trung tâm như thế rất lớn nên, theo ông Bình, phương hướng tốt nhất là các trung tâm thương mại của Việt kiều đang có (nhất là tại các nước Đông Âu) hợp tác với các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước từng bước chuyển đổi thành các trung tâm hỗ trợ xuất khẩu hàng Việt Nam.

Để hiện thực hóa ý tưởng thành lập trung tâm hỗ trợ xuất khẩu hàng Việt Nam tại EU, ngoài việc sẵn sàng đầu tư, còn cần đến sự hợp tác của các trung tâm thương mại Việt Nam tại EU cũng như sự ủng hộ của chính quyền địa phương (như TP.HCM), từ một vài tổ chức, Hiệp hội nghề nghiệp.

“Nhiều đơn vị nhập khẩu nhỏ lẻ tại địa phương có thể thay đổi nguồn gốc hàng hoá họ mua. Hôm nay từ Việt Nam nhưng tuần sau sẵn sàng đổi sang Thái Lan,…Trong khi nếu hàng hoá Việt Nam luôn được nhập về một đầu mối thì chuỗi giá trị sau đó cũng được thực hiện xuyên suốt, hiệu quả hơn. Từ đó tạo sự ổn định cho hàng hoá từ Việt Nam vào Hoa Kỳ”, ông David Dương chia sẻ.

EVFTA cũng là cơ hội để các doanh nghiệp do người Việt sở hữu ở nước ngoài định hướng lại phương hướng kinh doanh và mở ra cơ hội hợp tác cùng với các doanh nghiệp trong nước.

Tại thị trường Hoa Kỳ, ông David Dương, Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt kiều tại Hoa Kỳ cũng cho rằng, nên hình thành trung tâm hàng hoá nhập từ Việt Nam.

Tại địa điểm này có thể liên kết với chính quyền sở tại, thực hiện kiểm định chất lượng cũng như triển khai các chương trình marketing.

Vị này cho biết, các thành viên trong Hiệp hội đang dành mối quan tâm đến một khu cảng được rao bán với giá gần 200 triệu USD, với khu nhà kho đầy đủ chức năng, khu kiểm định chất lượng, kho đông lạnh,…

Tại TP.HCM, Trung tâm Dịch vụ Đối ngoại và Hội nghị quốc tế (FSC), Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) và Hội Doanh nhân người Việt tại Mỹ (VENUSA) vừa phối hợp tổ chức Hội nghị trực tuyến kết nối doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long với doanh nghiệp kiều bào tiềm năng tại Hoa Kỳ.

Cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ hiện có hơn 2 triệu người, trong đó, có khoảng 310.000 cơ sở kinh doanh do doanh nhân gốc Việt sở hữu cùng doanh thu 35 tỷ USD/năm.

Hội nghị lần này bước đầu góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp kiều bào, đẩy mạnh công tác thông tin về hàng hóa, sản phẩm của các địa phương nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua hệ thống phân phối của kiều bào và tỷ lệ hàng Việt trong tiêu dùng của cộng đồng kiều bào.

Cũng tại hội nghị đã có 06 hợp đồng hợp tác xuất, nhập khẩu được ký kết giữa doanh nghiệp tại Việt Nam và Hoa Kỳ, với giá trị khoảng 200 triệu USD.

Thông qua trung tâm hỗ trợ xuất khẩu hàng Việt Nam tại nước ngoài như EU, Hoa Kỳ, các doanh nghiệp trong nước hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn EU; Quảng bá sản phẩm (hội chợ, hội thảo, các kênh truyền thông,…), tìm đối tác tiêu thụ sản phẩm; Thành lập các đại diện, đại lý cho các doanh nghiệp trong nước; Đầu tư xây dựng các khu giới thiệu sản phẩm xuất khẩu, kho bãi và hệ thống logistic phân phối hàng hóa; Xây dựng các kênh bán trực tiếp hay hàng online (bán buôn, bán lẻ) bằng các ngôn ngữ các nước EU; Giúp các doanh nghiệp trong nước ký kết hợp đồng, giám sát hợp đồng, xử lý tranh chấp, khiếu nại thương mại; Hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tìm nguồn nguyên liệu, công nghệ, máy móc phục vụ sản xuất hay mở rộng sản xuất, lắp ráp tại EU.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả