Kiến trúc tôn giáo đương đại - Thêm những góc nhìn
Trong bối cảnh kinh tế – xã hội ngày càng phát triển, lĩnh vực tôn giáo cũng có nhiều chuyển tiếp và đặt ra nhiều câu hỏi về kiến trúc tôn giáo ngày nay. Liệu chúng ta nên giữ nguyên và làm theo kiến trúc truyền thống? Vật liệu ngôn ngữ hiện đại có thể truyền tải những cảm xúc huyền bí, tâm linh? Làm sao đưa các công trình tôn giáo lại gần với cộng đồng dân cư, nhất là những người ngoại đạo?
Bài viết giới thiệu một số công trình tôn giáo nổi bật trên khắp thế giới.
Nhà nguyện Birch Moss / Văn phòng Kiến trúc Kengo Kuma and Associates/ Karuizawa, Nhật Bản
KTS người Nhật Bản Kengo Kuma đã thiết kế một nhà nguyện nhỏ nằm ẩn mình tại khu vườn ở Bảo tàng Nghệ thuật Mới Karuizawa. Các dầm thép được giấu bên trong các thân cây bạch dương được đặt ngẫu nhiên để hỗ trợ phần mái dốc bằng kính. Các băng ghế được làm từ thủy tinh và acrylic. Tác phẩm sắp đặt hình trái tim của nghệ sĩ đương đại người Pháp Jean-Michel Othoniel được đặt gần lối tiếp cận của công trình.
Nhà nguyện gỗ / KTS John Pawson / Unterliezheim, Đức
Đây là một phần của dự án Sieben Kapellen (bao gồm 7 nhà nguyện). KTS John Pawson đã thiết kế nhà thờ này cho Quỹ Siegfried and Elfriede Denzel ở Rừng Bavarian, Đức. Một không gian nghỉ ngơi, tĩnh lặng, suy ngẫm. Nhà thờ như một vật thể được tìm thấy trên khu đất chuyển tiếp giữa khu rừng và bãi đất trống. Thay vì một cấu trúc thông thường, công trình hiện lên như một đống gỗ xếp chồng lên nhau. Bên trong, không gian tối, cao và hẹp nhằm giữ cho mức độ ánh sáng ở mức thấp, làm mọi thứ tập trung vào một cây thánh giá trên cao được ốp thủy tinh màu. Nguồn sáng mạnh mẽ duy nhất đến từ một cửa sổ thấp, có view nhìn ra ngôi làng gần đó.
Nhà nguyện Saint Mary’s / Văn phòng Kiến trúc Mark Cavagnero Associates / Albany, Hoa Kỳ
Công trình với chức năng phục vụ giới trẻ trong khu vực. Học sinh, sinh viên có thể tới đây để sinh hoạt, nghỉ ngơi, học tập giữa một không gian yên tĩnh và tràn ngập ánh sáng, gần gũi với thiên nhiên, loại bỏ đi những áp lực từ trường học bên ngoài. Công trình sử dụng chủ yếu các gam màu dịu nhẹ, sự trung thực đến từ chính vật liệu: xi măng trắng, kính, đá vôi Alabama và gỗ sồi. Phần cửa sổ kính lớn vừa mang biểu tượng tôn giáo vừa lấy được ánh sáng tự nhiên.
Ngôi chùa Buphwajungsa / Văn phòng Kiến trúc YKH Associates / Seoul
Công trình là phần mở rộng của ngôi chùa Phật giáo chính ở Cheonan, Hàn Quốc. Lấy cảm hứng từ các ngôi chùa Phật giáo ở Myanmar, bên trong chùa có tượng Phật cao 5m được bao quanh bởi các module bằng gỗ chứa 10.000 bức tượng Phật. Phần mặt đứng bên ngoài bằng đá có khắc 48 chữ Hán của kinh Pháp Hoa.
Trung tâm Cơ đốc giáo Huaxing / Văn phòng Kiến trúc Inuce / Phúc Châu, Trung Quốc
Nhà nguyện Huaxing ở Phúc Châu ban đầu được xây dựng vào năm 1938, trải qua nhiều thập kỷ phát triển đô thị và thay đổi chính trị của quốc gia đông dân nhất thế giới này. Đầu tiên là các yêu cầu về không gian mâu thuẫn với chiều cao của cơ quan quản lý di sản. Đặc điểm biệt lập, được bao quanh bởi một tập hợp các tòa nhà cao và thấp, hiện đại và truyền thống, phương Đông và phương Tây – công rtinhf yêu cầu cách tiếp cận sáng tạo về mối quan hệ với xung quanh. Thiết kế cuối cùng đã thuyết phục khách hàng và các cơ quan chức năng, vì nó làm hài hòa sự mất cân bằng và đóng vai trò như một người hòa giải đô thị: Gấp các đường viền và điều chỉnh sự phát triển theo chiều dọc của nó trong một chuyển động lên xuống liên tục, một khối lớn được thu nhỏ lại thành các mảnh, cho phép liên hệ theo tỷ lệ và hình khối với một nhà thờ nhỏ bé ngay bên cạnh.
Nhà nguyện Sacromonte / Văn phòng Kiến trúc MAPA Architects / Maldonado, Uruguay
Đặt ra câu hỏi về bản chất của Kiến trúc tôn giáo trong thế kỷ 21. Nó tạo ra một sự “căng thẳng dịu dàng” và để lại cho khách tham quan “nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời”. Nhà nguyện được sinh ra trong một nhà máy ở Bồ Đào Nha, trước khi được chuyển và lắp ráp tại một nơi ẩn dật trên sườn đồi. Nhà nguyện nằm giữa khu vực tự nhiên bao gồm đầm phá, đồi núi trập trùng và vườn nho.
Phần mái dốc được làm từ gỗ ghép thanh, được kết nối bằng các thanh thép ở 2 đầu. Bên dưới, sàn thép đan lưới tạo chỗ đứng vững chắc cho du khách. Hộp kim loại đen mờ nhẹ nhàng phá vỡ tỷ lệ, vừa lấy ánh sáng tự nhiên vào bên trong. Vào cuối ngày, mặt trời lặn trên cây thánh giá bằng gỗ mỏng ngay bên ngoài nhà nguyện, củng cố mối liên kết giữa thiên nhiên và tôn giáo.
Nhà Nguyện Capela do Monte / KTS Álvaro Siza / Bồ Đào Nha
KTS Álvaro Siza đã thiết kế nhà nguyện Capela do Monte nằm trên sườn đồi ở trung tâm của Trung tâm Monte de Chameca, vùng Algarve, Bồ Đào Nha. Đây vừa là nơi nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, nông nghiệp, tâm linh vừa là nơi tổ chức hội nghị. Nhà nguyện nằm ở điểm cao nhất của địa điểm tổ chức khóa tu, cách các bãi biển gần đó và cách các di tích lịch sử của bờ biển Algarve một đoạn ngắn.
Không có nguồn điện, hệ thống sưởi hoặc nước, công trình dựa vào hệ thống thông gió tự nhiên và phần gạch, đá vôi và ngói cách nhiệt giúp nhà nguyện luôn mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Nội thất nhẹ nhàng, tối giản và đều do kiến trúc sư thiết kế riêng, bao gồm thánh giá, bàn thờ, băng ghế dự bị của nhà nguyện. Ngoài ra, những bức tranh tường bằng gạch có các khoảnh khắc trong cuộc đời của Chúa Giê-su, cũng do Álvaro Siza trực tiếp vẽ, tô điểm cho các bức tường của lối vào, nơi được tôn thêm bởi ánh sáng mở ở phía trên.
Nhà nguyện làng Skorba / Văn phòng Kiến trúc Enota / Slovenia
Skorba, một ngôi làng nhỏ gần thị trấn lâu đời nhất của Slovenia, sự phát triển quá mức đã làm mất đi bố cục cộng đồng và sau đó một đề xuất xây dựng một nhà nguyện mới trong làng được người dân chấp thuận. Nhà nguyện mới và trung tâm làng đã trở nên sống động hơn, khi dân làng kết nối với nhau nhiều hơn xung quanh công trình tôn giáo này.
Công trình sử dụng xi măng trắng, cấu trúc nâng lên rồi hội tụ lại ở trung tâm tạo ra sự đoàn kết, ấm cúng. Không gian làm lễ chính được che chở bên dưới một mái dốc, tạo ấn tượng về một mái nhà ảo và hoàn thiện hình thức của cấu trúc.
Nhà thờ Clifton / Văn phòng Kiến trúc Purcell / Bristol
Nhà thờ Bristol’s Clifton, một công trình quan trọng trong dòng chảy của chủ nghĩa thô mộc, đã được hoạt động trở lại, sau khoảng thời gian cải tạo lại với chi phí hơn 3 triệu Euro. Được xây dựng lần đầu từ năm 1969 – 1973 theo thiết kế của KTS Ron Weeks thuộc Văn phòng Percy Thomas.
Nơi làm lễ có sức chứa 1.000 người, có hai cửa sổ kính màu được làm từ 8.000 mảnh kính riêng lẻ. Mặc dù được ca ngợi vào thời điểm đó vì thiết kế tối giản và mặt bằng hình lục giác khác thường, Nhà thờ Clifton chưa bao giờ hoàn toàn kín nước và 45 năm rỉ nước đã gây ra thiệt hại đáng kể. Do tính chất lịch sử của tòa nhà được xếp hạng bảo tồn Cấp II * theo hệ thống đánh giá của Vương Quốc Anh, các KTS đã phải thay mới toàn bộ phần bao che trên mái để đảm bảo không bị rò rỉ nước.
Nhà nguyện ban mai / Văn phòng kiến trúc Flores Prats / Venice Architecture Biennale 2018
Nhà nguyện hiện lên như một bức tường song song với một con đường, với một cánh cửa mời gọi du khách bước vào khu rừng bên trong, công trình nằm về hướng Đông, là một nơi vào buổi sáng sớm, nơi ánh sáng mặt trời đầu tiên có thể nhìn thấy thông qua một tia sáng xuyên qua một lỗ tròn trên tường của nó, tạo ra không gian có ánh nắng, có bóng mát từ các tán cây, có sự yên tĩnh và bình yên.
Nhà nguyện được ví như một công trình khai quật trong một bức tường, vì nhìn từ bên ngoài giống như một bức tường lớn, dày. Có một căn phòng có bề dày mở ra một bên, là nơi để ngồi được che chắn khỏi nắng và mưa. Nó là một công trình nhỏ gọn với một bề mặt liên tục, để tránh thể hiện các chi tiết của công trình, thay vào đó ưu tiên các khía cạnh nguyên thuỷ, vững chắc của nó. Sự thô mộc về hình thức, khiến nó như một mảnh vỡ bị lãng quên từ một công trình lớn hơn nào đó.
Nhà thờ Saint-Jacques-de-la-Lande / KTS Álvaro Siza Vieira/ Brittany, Pháp
Nhà thờ đầu tiên được xây dựng ở Brittany vào thế kỷ 21, Saint-Jacques-de-la-Lande được thiết kế bởi kiến trúc sư người Bồ Đào Nha Álvaro Siza Vieira.
Nhà thờ có hai nhà nguyện, phòng làm lễ và khu vực dành cho giáo đoàn và được xây dựng bằng bê tông trắng. Saint-Jacques-de-la-Lande có sức chứa lên đến 126 người trên tầng hai của tòa nhà – tầng đầu tiên có chức năng công cộng và hành chính.
Một khối hình vuông nằm lơ lửng trên khối nhà thờ hình trụ tạo điều kiện cho ánh sáng tiếp cận, và chứa thiết bị chiếu sáng và thông gió bên trong. Nằm trong một khu phố địa phương ở phía nam Rennes, Saint-Jacques-de-la-Lande được thiết kế để hòa nhập vào vị trí đô thị và lặp lại hình dạng và kích thước của các ngôi nhà dân cư xung quanh.
Nhà nguyện Nossa Senhora de Fatima / Văn phòng kiến trúc Plano Humano Arquitectos / Idanha-a-Nova, Bồ Đào Nha
Khi được yêu cầu thiết kế nhà nguyện cho Trại hoạt động của Hướng đạo sinh Quốc gia cho Hội nghị toàn quốc lần thứ XXIII của Hướng đạo sinh Công giáo Bồ Đào Nha, Các kiến trúc sư của văn phòng Plano Humano Arquitectos đã xem xét lại trải nghiệm về việc từng làm hướng đạo sinh để lấy cảm hứng thiết kế. Thiết kế có phần mái có đầu hồi cao để phản ánh hình thức của căn lều và tạo ra một không gian mở để tương tác với tự nhiên, sự đơn giản, cởi mở phù hợp lối sống khám phá thiên nhiên của hướng đạo sinh.
Với chiều dài 12m, nhà nguyện được bao quanh bởi một hàng rào gỗ giản dị, phân định không gian nhưng vẫn mở cho du khách và lối vào của nó được đánh dấu bằng một chiếc chuông. Nằm trên một cao nguyên với tầm nhìn toàn cảnh trong một khu đất trống, nó luôn giao tiếp với thiên nhiên – hướng của công trình đón cả lúc mặt trời mọc và lặn, như tiếp nhận hết tinh hoa của đất trời.
Nhà nguyện Casnate / Văn phòng kiến trúc Mario Filippetto Architetto / Bernate, Como, Ý
Công trình nằm trên đỉnh đồi tuyệt đẹp ở Casnate con Bernate, được xây dựng để đáp lại việc một nhà nguyện có từ thế kỷ XVIII đã bị hư hại do quá trình làm đường KTS Mario Filippetto thiết kế công trình này nhằm bày tỏ lòng kính trọng. Nhà nguyện mới có thiết kế tối giản, hiện đại, đã được xoay 45 độ để nhấn mạnh sự góc cạnh của nó, trong khi các đường dốc kết hợp để tạo ra một giếng trời kết nối với lối vào.
Filippetto đã đảo ngược mối quan hệ giữa ánh sáng và vật liệu trong quá trình thiết kế để tạo ra hình thức điêu khắc và sử dụng màu trắng tinh khiết để duy trì tính chất tổng thể của không gian: một lối đi rải sỏi trắng trung tâm dẫn thẳng đến một bàn thờ bằng đá cẩm thạch trắng, đã được chạm khắc với các biểu tượng thiên thể của một nhà điêu khắc địa phương. Bên ngoài nhà nguyện, các ghế đá được bố trí tạo cảnh quan cho không gian xung quanh để các thành viên của cộng đồng dành thời gian tại khuôn viên của nhà nguyện.
Nhà thờ Công giáo Suzuka / Văn phòng Kiến trúc ALPHAVILLE / Mie, Nhật Bản
Được hoàn thành vào năm 2017 tại thành phố Suzuka, nhà thờ kỳ quặc này nằm ở giao lộ giữa đường cao tốc và tuyến đường thời Edo cổ đại nối Tokyo với Osaka. Các lớp mái được làm bằng thép mạ kẽm và được xếp chồng lên nhau, càng lúc càng tăng dần âm vang của cảnh quan núi đồi xung quanh.
Công trình được thiết kế nhằm đáp ứng sự phát triển của cộng đồng Công giáo ở Suzuka, một thành phố được biết đến là trụ sở chính của hãng Honda. Nhà thờ được nâng lên một sàn, làm không gian bên dưới được kết nối với toàn bộ khu đất để tối đa hóa diện tích cho bãi đậu xe. Do có cấu trúc mái giật cấp nên ánh sáng tự nhiên luôn tràn ngập bên trong. Công trình sử dụng vách ngăn trượt, có thể mở ra nhằm tối đa hóa không gian.
Ngôi chùa Waterside Buddhist Shrine / Văn phòng kiến trúc ARCHSTUDIO / Tangshan, Hebei, Trung Quốc
Các kiến trúc sư đã nghiên cứu về Thiền và Phật giáo để tích hợp vào công trình này. Một nơi yên tĩnh để thiền định, được đặt bên dưới mặt đất và chảy song song với một con sông nhỏ, được thiết kế để không phải chặt cái cây nào và giúp mọi người hiểu và cùng tồn tại với thiên nhiên. Năm không gian với các chức năng khác nhau – bao gồm một lối vào, phòng thiền đường, phòng trà, phòng khách và phòng tắm.
Được lọc qua các tán cây, ánh sáng mặt trời chiếu xuống thiền đường qua giếng trời. Những bóng đổ của lá cây được đổ nhẹ nhàng lên các bức tường bê tông. Các kết cấu và màu sắc bổ sung cho nhau, đồ nội thất được thiết kế riêng, làm từ gỗ màu xám nhạt; sàn bên trong bằng gạch nung sáng màu, bên ngoài lát đá cuội trắng mịn bằng xi măng.
Nhà nguyện Minh Thánh Chúa / KTS Pablo M Millán / Seville
Là một phần mở rộng của Giáo xứ ở trung tâm của Seville, nhà nguyện là nơi chứa ánh sáng, được thiết kế bởi KTS Pablo Millán như cuộc gặp gỡ thân mật với chúa trong một không gian nhỏ hẹp đầy ánh sáng.
Hệ thống đèn âm trần, phối hợp với tường trắng và đá hoa cương sáng ốp từ sàn lên tường mang đến độ sáng cho không gian, đồng thời phục vụ cho nhà thờ liền kề như một nguồn cung cấp ánh sáng. Chủ nghĩa tối giản cực độ đề cập đến phong cách kiến trúc của dòng Phanxicô, không có trang trí, mang đến sự tôn nghiêm dù ở không gian nhỏ.
Nhà nguyện Tô Châu / Văn phòng kiến trúc Neri & Hu / Trung Quốc
Cơ đốc giáo đã có mặt ở Trung Quốc từ thế kỷ XIV, thông qua người Nga Chính thống giáo và những người truyền giáo từ Ma Cao. Nhà nguyện ở thị trấn tơ lụa Tô Châu lại có bề ngoài khác lạ. Bao gồm khối lập phương màu trắng dọc theo những bức tường như mê cung bằng gạch cổ được đặt ở các góc vuông góc. Lớp ngoài cùng ở mặt đứng là lớp kim loại đục lỗ, bên trong là rất nhiều cửa sổ đặt ngẫu nhiên ở các tầng. Lớp tấm ốp kim loại vừa đảm bảo tính riêng tư vừa lấy được ánh sáng tự nhiên vào bên trong công trình.
Nhà tưởng niệm Belarus / Văn phòng kiến trúc Spheron Architects/ London
Tọa lạc tại công viên Woodside, phía Bắc London, nhà nguyện nhỏ nhắn này được thiết kế dành cho cộng đồng người Belarus ở hải ngoại, dành để tưởng nhớ các nạn nhân của thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986. Chỉ với 69 m2 và có sức chứa 40 người ở khu làm lễ. Các kiến trúc sư đã đến Belarus để nghiên cứu các nhà thờ gỗ truyền thống và các tòa nhà bị bỏ hoang kể từ sau thảm họa Chernobyl, để lấy cảm hứng cho thiết kế của mình.
Những yếu tố như chóp vòm và mái lợp bằng ván gỗ sẽ có thể dễ dàng nhận ra đối với những người Belarus đến thăm nơi đây, được đặt trong khu đất có nhiều cây cối, một trung tâm văn hóa cho cộng đồng Belarus ở Vương quốc Anh. Đây là nhà thờ bằng gỗ đầu tiên được xây dựng ở London kể từ trận Đại hỏa hoạn năm 1666.
Nhà nguyện El Señor de la Misericordia / Văn phòng kiến trúc Moneo Brock/ Mexico
Được thiết kế bởi KTS Moneo Brock, nhà thờ giáo xứ mang tính bước ngoặt này nằm ở Monterrey, Mexico, ở quảng trường trung tâm của thị trấn đô thị mới được bao quanh bởi cảnh núi non ấn tượng. Bao gồm một sự va chạm trừu tượng của các mặt phẳng, tòa tháp cao nhất lên đến 43m, thể hiện chức năng là một trung tâm tôn giáo, xã hội và giáo dục của thị trấn.
Sử dụng ngôn ngữ kiến trúc đương đại và được lấy cảm hứng từ các thiết kế giáo hội truyền thống, công ty đã xem xét các nguyên mẫu đền thờ Cơ đốc giáo ban đầu và phong cách của các nhà thờ đầu tiên được xây dựng ở Tây Nam nước Mỹ bởi Friar Junípero. Gian giữa hình chữ nhật, chạy dọc từ Bắc xuống Nam dọc theo trục dài của nó. Moneo Brock đã tích hợp các chi tiết nổi bật bên trong nội thất, bao gồm ba cửa sổ kính màu và một đặc điểm thiết kế phía trên bàn thờ, nơi bức tường được cắt thành hình chữ thập Latinh và được chiếu sáng từ phía trên bằng giếng trời, toả ánh sáng dịu nhẹ xuống bên dưới.
Nhà thờ Hồi giáo Jumaa / John McAslan + Partners / Qatar
Với ngôn ngữ kiến trúc đương đại về một nhà thờ Hồi giáo truyền thống Qatar và vẫn tuân theo các nguyên tắc của kiến trúc Hồi giáo, nằm trong Khu di sản Msheireb, một trung tâm của quyền lực tôn giáo và chính trị, thiết kế công trình chú ý tạo ra một môi trường bình an cho việc cầu nguyện, xem xét hướng nắng, bóng râm, thông gió tự nhiên trong thiết kế.
Được xây dựng bằng bê tông và lớp phủ đá vôi có nguồn gốc trong khu vực, mặt bằng hình vuông đôi và hình khối hoàn hảo của nhà thờ Hồi giáo đã được nghĩ ra theo tỷ lệ của kiến trúc Hồi giáo cổ điển, nơi việc sử dụng hình học và hoa văn đóng một vai trò trong hoạt động tôn giáo. Một mái đục lỗ trong sảnh cầu nguyện tạo ra một mô hình ánh sáng ban ngày khắp không gian. Tháp đá thon dần về phía trên một cách tinh tế, đòi hỏi phương pháp cắt đá công phu. Ở đây có thể nhìn thấy nó qua những cánh cổng kim loại, có hoa văn thiết kế Hồi giáo truyền thống bao quanh sân trong và hành lang.
Nhà thờ Nostra Signora della Misericordia / Baranzate, Italy
Công trình này đã được trùng tu lại, ban đầu là quần thể kiến trúc của nhà thờ Kính Nostra Signora della Misericordia (Đức Mẹ Nhân từ) ở Baranzate. Với kế hoạch giữ lại hình dáng ban đầu của tòa nhà trong khi vẫn cập nhật và điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu ngày nay và nhu cầu của cộng đồng địa phương.
Ban đầu được thiết kế bởi Angelo Mangiarotti, Bruno Morassutti, Aldo Favini và hoàn thành vào năm 1958, nhà thờ là một ví dụ nổi bật về kỹ thuật kết cấu, với việc tiên phong sử dụng kết cấu bê tông dự ứng lực và tấm ốp bằng thép và kính. Nhà thờ này là một trong những tòa nhà bê tông đầu tiên ở châu Âu thời hậu chiến. Kể từ khi xây dựng, nó dần dần rơi vào tình trạng hư hỏng và nhiệt độ bên trong quá cao. Công việc trùng tu hoàn thành vào năm 2015 do SBG Architetti, Milan đảm nhận, dưới sự hướng dẫn của các kiến trúc sư ban đầu. Mặc dù kết cấu bê tông vẫn còn, nhưng tất cả các bức tường và sàn bên ngoài phải được xây dựng lại và gia cố kết cấu sàn. Các vấn đề môi trường và việc sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng như máy bơm nhiệt địa nhiệt và hệ thống cửa sổ kính bốn lớp được chú ý cẩn thận. Để tái tạo hiệu ứng của mặt tiền ban đầu với vật liệu cách nhiệt bằng nhựa của nó, các tấm kính nhiều lớp mới đã được thiết kế để bắt chước mẫu ban đầu. Khung sắt của tấm ốp đã được thay thế bằng một phiên bản thép không gỉ.
Công trình có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng, tạo ra nguồn năng lượng tích cực. Cuối cùng, sau hơn 10 năm, cộng đồng tôn giáo một lần nữa có thể sử dụng tòa nhà như dự định của các kiến trúc sư ban đầu.
Nhà thờ Kericho / Văn phòng kiến trúc John McAslan + Partners / Kenya
Giáo phận Kericho nằm ở vùng cao nguyên của Kenya, ở phía Tây của Thung lũng Great Rift, cách thủ đô Nairobi khoảng 250 km về phía Tây Nam. Với tầm nhìn tuyệt đẹp ra thung lũng xung quanh, ngôi làng bậc thang và những ngọn đồi phía xa, nhà nguyện mới được xây dựng, nhằm tạo ra hình ảnh đại diện cho giáo đoàn Công giáo La Mã.
Một trong những thách thức là “khám phá ra ngôn ngữ Kenya trong thiết kế, bắt nguồn từ bối cảnh của nó và kiến trúc truyền thống của giáo hội Công giáo La Mã”, KTS Aidan Potter cho biết. Điều này đã được giải quyết bằng cách chèn một khối lượng lớn hình vòm tăng dần bên dưới mái nhà lát gạch đất sét. Theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, ánh sáng được truyền khắp không gian.
Nhà thờ St Elie / Văn phòng kiến trúc Maroun Lahoud/Lebanon
Được hoàn thành vào năm 2016 và nằm ngay phía nam Beirut, trong thung lũng Shouf trù phú của Lebanon, nhà thờ St Elie ôm trọn di sản vật chất xung quanh nó. St. Elie’s là một công trình hiện đại dựa trên các nhà thờ Maronite truyền thống được tìm thấy trên khắp Lebanon và việc ốp đá trắng của nó mang lại sự tương phản nổi bật với cây xanh phong phú của khu vực. Nằm trong khung cảnh bậc thang, nơi thờ Maronite mới này tập trung xung quanh hai khối vuông nằm trên đỉnh một đế trũng.
Nhà thờ tràn ngập ánh sáng tự nhiên qua các cửa sổ hình thánh giá được chạm khắc trực tiếp vào đá của nhà thờ và thông qua các cửa sổ được xếp đơn giản nằm phía trên bàn thờ và dọc theo các bên của cấu trúc.
Nhà nguyện Cầu vồng / Coordination Asia and Logon Urban Architecture Design / Trung Quốc
Được hoàn thành vào năm 2015 và nằm trong sân của bảo tàng Thủy tinh Thượng Hải, nhà nguyện Cầu vồng là công trình đầu tiên thuộc loại hình này – một nhà nguyện trong bảo tàng. Các cửa sổ kính vạn hoa mang lại chiều cao không gian nhỏ, trong khi bản thân các cấu trúc – hình tròn bằng kính và hình vuông cấu trúc bao quanh nó – ám chỉ chủ nghĩa biểu tượng của Trung Quốc: hình tròn tượng trưng cho sự viên mãn và thống nhất, hình vuông là trung thực và đức hạnh. không gian rộng 390m2 được bao bọc bởi những tấm kính sống động.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận