menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thúy Hạnh

Kiên quyết xử lý chủ đầu tư "om" quỹ bảo trì chung cư

Sở Xây dựng Hà Nội vừa có đề xuất gửi UBND TP về việc công khai danh sách chủ đầu tư cố tình "om" quỹ bảo trì và không giao dự án đầu tư cho các đơn vị này.

Theo số liệu của Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 833 chung cư thương mại hoàn thành đưa vào sửa dụng.

Hàng trăm toà nhà còn tranh chấp

Tuy nhiên, trong đó chỉ có 399 dự án, chưa đầy 50% số lượng chung cư được chủ đầu tư bàn giao đầy đủ quỹ bảo trì; 490 ban quản trị được bàn giao diện tích chung, 513 ban quản trị được bàn giao nhà sinh hoạt cộng đồng.

Bên cạnh đó, thời gian qua Sở đã kiểm tra 79 chung cư, lập hồ sơ vi phạm 13 trường hợp, yêu cầu 25 chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì cho ban quản trị, cưỡng chế bàn giao quỹ tại một dự án của Vinaconex 3, ủy quyền cho UBND quận, huyện ban hành cưỡng chế kinh phí bảo trì đối với 5 chủ đầu tư.

Đại diện Sở Xây dựng cũng cho biết, pháp luật về vấn đề quản lý nhà chung cư cũng như quỹ bảo trì đã rất rõ ràng, minh bạch, Sở cũng đã đôn đốc các địa phương xây dựng kế hoạch tập huấn và tổ chức tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư đã cố tình phớt lờ quy định, dẫn tới các sai phạm cũng như tranh chấp với cư dân trong thời gian qua. Do đó, để kịp thời khắc phục các hạn chế, bất cập trong quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư cần thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị điều tra truy trách nhiệm các tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, có biện pháp xử lý đủ sức răn đe, tăng cường giải pháp cưỡng chế buộc chủ đầu tư thực hiện đúng quy định về quản lý, vận hành nhà chung cư. "Cần công khai danh sách các chủ đầu tư cố tình vi phạm, kiên quyết không giao các dự án đầu tư đối với các doanh nghiệp nằm trong danh sách vi phạm" - Sở Xây dựng nêu rõ.

Đặc biệt, mới đây UBND quận Bắc Từ Liêm cũng đã đề xuất UBND TP xem xét, không giao chủ đầu tư các dự án nhà ở tiếp theo đối với CTCP Đầu tư xây dựng số 2 - Vinaconex 2 vì om quỹ bảo trì tại Dự án Chung cư nhà B, tổ Xuân Lộc 4, phường Xuân Đỉnh.

Kiện toàn hệ thống pháp luật

Theo tìm hiểu của phóng viên, vấn đề quản lý vận hành nhà chung cư, quỹ bảo trì chung cư thời gian gần đây đang trở thành đề tài rất nóng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến khắp các tòa chung cư trên địa bàn thủ đô luôn "rực đỏ" vì cư dân căng băng rôn phản đối, biểu tình.

Đơn cử như tại dự án Chung cư Athena Complex Xuân Phương, dù ban quản trị đã lập được hơn 1 năm tuy nhiên chủ đầu tư năm lần bảy lượt hứa bàn giao quỹ bảo trì, đến nay vẫn chưa trả đủ. Hay thậm chí như trường hợp chung cư Hòa Bình Green City, dù đã cho dân về ở 5 năm nay nhưng quỹ bảo trì đến nay vẫn bặt vô âm tín sau nhiều lần TP yêu cầu bàn giao.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Nguyên Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng), hầu hết các nước đều quy định các nhà chung cư cần phải có một quỹ bảo trì, sửa chữa, thay thế các phần kết cấu trang thiết bị thuộc sở hữu chung trong nhà chung cư, chỉ có điều kinh phí đóng góp như thế nào là có sự khác nhau. Thu trước thời điểm bán căn hộ hiện có Việt Nam và Trung Quốc áp dụng. Trích từ tiền phí dịch vụ hàng tháng có Singapore, Hàn Quốc, một số quốc gia thì nộp khi phát sinh công việc bảo trì.

"Tuy nhiên, đóng góp bằng cách này, cách khác vào Quỹ bảo trì chung cư thì cũng đòi hỏi kiện toàn một hệ thống quy định pháp luật chặt chẽ hơn về Ban quản trị chung cư và người có trách nhiệm làm chủ tài khoản của Quỹ bảo trì, tránh việc một hai cá nhân trục lợi Quỹ bảo trì chung cư gây hậu quả không tốt" - Ông Hà bày tỏ quan điểm.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp trước đó, Luật sư Nguyễn Đức Chánh - Giám đốc Công ty Luật DC Counsel cho rằng, mức phạt tiền cao nhất hiện tại là 150 triệu đồng với các chủ đầu tư om quỹ bảo trì chưa đủ sức răn đe và chưa xét đến tổng số tiền phí bảo trì chung cư nhiều hay ít.

Bởi thực tế, chung cư nhỏ thì tiền phí bảo trì chỉ vài tỷ đồng, nhưng với chung cư quy mô vài ngàn căn hộ thì số tiền này rất lớn. Do vậy cần có những biện pháp mạnh hơn để răn đe cũng như bảo đảm quyền lợi của cư dân.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả