Kiến nghị xem xét lại việc điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương
Trước những lo ngại giá xăng dầu tăng dẫn đến tình trạng “loạn giá”, một số ý kiến kiến nghị xem xét lại việc điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương trong thời gian vừa qua.
Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (chủ thương hiệu xe Sao Việt) cho biết, trong bối cảnh doanh nghiệp (DN) gần như kiệt quệ vì dịch bệnh, nay giá xăng dầu tăng chẳng khác nào cú đánh bồi đẩy DN đến bờ vực phá sản.
Là đơn vị vận tải hành khách tuyến Hà Nội - Lào Cai, ông Bằng cho biết, dù hoạt động du lịch đang từng bước khôi phục, nhưng DN vận tải của ông mới hoạt động lại được 30% lượng phương tiện. “Chúng tôi đang hoạt động chủ yếu là các xe cỡ nhỏ, ít giường. Đối với xe giường nằm cỡ lớn, hành khách vẫn e ngại dịch COVID-19”, ông Bằng chia sẻ.
Theo ông Bằng, chi phí xăng dầu chiếm tới 40-50% là nỗi lo rất lớn của các DN vận tải. Trong khi đó, giá vé các chặng như Hà Nội - Lào Cai không thể tăng, bởi nếu tăng giá trong thời điểm này, không khác gì “tự sát”.
“Chúng tôi không biết làm thế nào, anh em nhà xe chỉ biết nhìn nhau, cắn răng mà chấp nhận. Chúng tôi kêu nhiều nhưng không bộ, ngành nào ngó ngàng đến. Điều hành xăng dầu do Bộ Công Thương là chính. Khi việc điều hành giá xăng dầu vượt quá khả năng thì họ phải báo cáo lên Chính phủ và các bộ ngành liên quan để có động thái trả lời DN. Kể cả không làm được thì phải lắng nghe DN để có đề xuất lên Chính phủ. Bộ Công Thương phải đón đầu xu hướng xăng dầu thế giới, dự báo để khắc phục như đề xuất giảm thuế nhập khẩu, linh hoạt điều hành quỹ bình ổn...”, ông Bằng nói.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, chủ hãng xe du lịch tuyến Hà Nội- Lào Cai chia sẻ, công ty của ông đang khởi động lại các tua du lịch, và chi phí cấu thành tua cũng tăng từng ngày theo giá xăng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng: “Vận tải là huyết mạch nền kinh tế và liên quan đến nhiều ngành, đời sống nhân dân. Giá xăng, dầu chiếm 25-30% trong cơ cấu giá cước vận tải. Xăng dầu điều chỉnh giá liên tục như thế này khiến các mặt hàng tăng giá theo, chưa kể chi phí nhân công tăng lên, cước vận tải tăng lên”.
Theo ông Hùng, Hà Nội đang ở giai đoạn đỉnh dịch. Sau khi tiêm phủ vắc xin, Chính phủ mở cửa kinh tế và tung ra các gói hỗ trợ để phục hồi kinh tế, kích cầu, khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, muốn khôi phục phải có sự điều hành đồng bộ giữa các bộ, ngành.
“Vận tải hành khách đường bộ tê liệt 2 năm nay, kể cả vận chuyển hàng không, cho đến thời điểm này mới khôi phục dần. Vậy chúng ta đặt câu hỏi tại sao Chính phủ đã ban hành các gói hỗ trợ, các ngành khác cố gắng bình ổn giá thì lại để xăng dầu liên tục tăng giá. Việc tăng giá xăng, dầu càng khiến các mặt hàng tăng giá theo và người dân e ngại sử dụng phương tiện vận tải...”, ông Hùng nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận