Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo sớm triển khai gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỉ đồng
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước để triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% với quy mô 40.000 tỉ đồng thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Kiến nghị này được ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam – nêu chiều 8-2 khi Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm, động viên đội ngũ cán bộ, người lao động NHNN và ngành ngân hàng.
Ông Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ có các giải pháp để tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất – kinh doanh nhanh chóng khôi phục và phát triển. Đồng thời, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Ngành ngân hàng cũng sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thiên tai, dịch bệnh.
Ngoài ra, chủ động xây dựng các quy định triển khai nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ để hướng dẫn triển khai ngay gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỉ đồng.
Để đạt được các mục tiêu đề ra năm 2022, ông Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước để triển khai gói hỗ trợ 40.000 tỉ đồng trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo triển khai sớm, hiệu quả, đúng đối tượng, đúng mục tiêu.
Gói hỗ trợ lãi suất dự kiến triển khai trong năm 2022 và 2023 với mức hỗ trợ lãi suất 2% một năm cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19, theo nghị quyết của Quốc hội và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ.
Ngoài ra, NHNN cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo sớm tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước, tạo điều kiện cho các ngân hàng này tăng cường năng lực tài chính, phát huy vai trò chủ đạo trong việc thực hiện các chính sách, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn của Nhà nước.
Với việc xử lý nợ xấu, NHNN kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội gia hạn thời gian áp dụng nghị quyết 42 để tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025, song song với việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng một luật về xử lý nợ xấu của nền kinh tế.
Kiến nghị của ông Tú được đưa ra trong bối cảnh nuy cơ nợ xấu tăng cao do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu, mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn dẫn đến khó đảm bảo thực hiện được mục tiêu duy trì tỉ lệ nợ xấu ở mức dưới 3%.
Ngoài ra, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ trước mắt để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân cũng tiềm ẩn rủi ro nợ xấu gia tăng và rủi ro kỳ hạn thanh khoản trong trung hạn.
Bên cạnh đó, việc cung ứng vốn cho nền kinh tế, đặc biệt vốn trung dài hạn vẫn chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng trong khi nguồn vốn ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, làm gia tăng rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng.
Phản hồi các đề xuất, kiến nghị của ngành ngân hàng, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao các cơ quan xử lý theo thẩm quyền. Nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Ông cũng lưu ý NHNN tập trung giải quyết một số vấn đề như kiểm soát nợ xấu, áp lực lạm phát, kiểm soát dòng tiền vào các lĩnh vực. Đồng thời, làm tốt công tác nghiên cứu chiến lược, dự báo, phân tích, bám sát tình hình, có giải pháp phù hợp, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa nhằm góp phần giúp nền kinh tế phục hồi nhanh, phát triển bền vững.
“Đây là vấn đề hết sức chiến lược mà ngành ngân hàng phải làm tốt thì Đảng, Nhà nước, nhân dân mới có thể yên tâm”, Thủ tướng lưu ý.
Về nhiệm vụ cụ thể, ông yêu cầu ngành ngân hàng cần tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát rủi ro, kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao, hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc mua trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, triển khai quyết liệt, hiệu quả việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, không để những yếu kém nhỏ tích tụ lại thành yếu kém, sai phạm lớn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận