Kiến nghị ngân sách nhà nước thanh toán toàn bộ phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19 có cả bệnh nền
Chính phủ kiến nghị cho phép sử dụng ngân sách nhà nước thanh toán toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 22/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 02 năm 2019-2020.
Tỷ lệ bao phủ gần 91% dân số
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tính đến 31/12/2020, số người tham gia bảo hiểm y tế là 87,96 triệu người,đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số.
Năm 2020, có 2.612 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, tăng 6,8% so với năm 2019; số cơ sở công lập tăng 4% so với năm 2019, ngoài công lập tăng 12,6%. Chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, năng lực y tế cơ sở được nâng lên; phát huy vai trò quan trọng trong giám sát, xét nghiệm, cách ly, tiêm chủng, điều trị, nhất là quản lý, chăm sóc F0 tại nhà giúp giảm bệnh nặng, góp phần giảm tử vong.
Bên cạnh đó, ngành y tế thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin như hồ sơ sức khỏe cá nhân kết hợp với bệnh án điện tử; khám chữa bệnh từ xa kết nối hơn 1.500 cơ sở y tế trên toàn quốc, 100% các huyện được kết nối, hỗ trợ chuyên môn; ban hành các quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc; do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tạm thời chưa thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh theo lộ trình tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành giá để không tác động người dân, doanh nghiệp...
Bên cạnh các kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện đã xuất hiện một số tồn tại, hạn chế như một số quy định về thanh toán, quyết toán chi phí khám chữa bệnh còn chưa thực sự rõ ràng, đầy đủ dẫn đến việc chưa thống nhất trong quá trình giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Vẫn còn chênh lệch chênh lệch về chất lượng giữa các tuyến, các vùng, đặc biệt là giữa tuyến y tế cơ sở với tuyến trên nên chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân.
Về tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020, Bộ trưởng cho biết tổng số thu quỹ bảo hiểm y tế lớn hơn tổng số chi quỹ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, trong quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế vẫn còn khó khăn trong công tác thu quỹ bảo hiểm y tế do dịch Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, các tỉnh, thành phố cũng gặp khó khăn trong bố trí ngân sách địa phương để hỗ trợ thêm mức đóng bảo hiểm y tế cho một số đối tượng theo quy định; các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, người dân gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh...
Cùng với đó là còn có những vướng mắc trong tạm ứng kinh phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; thẩm định và thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; thanh toán kinh phí tồn đọng. Thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với bệnh nhân Covid-19 gặp nhiều khó khăn do không thể bóc tách chi phí điều trị bệnh Covid-19 do ngân sách nhà nước chi trả và chi phí khám chữa bệnh nào điều trị bệnh nền hoặc bệnh khác do quỹ bảo hiểm y tế chi trả…
Do đó, Chính phủ xin kiến nghị với Quốc hội tiếp tục tăng cường giám sát việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho các cơ sở y tế, thực hiện giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, nợ tiền đóng, chậm đóng, trốn đóng, lạm dụng, trục lợi bảo hiểm y tế để đảm bảo trong tổ chức thực hiện tuân thủ đúng quy định của Luật bảo hiểm y tế.
Cho phép sử dụng ngân sách nhà nước thanh toán toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19, bao gồm cả chi phí khám chữa bệnh Covid-19 và các bệnh nền; Ban hành nghị quyết quy định việc đóng bảo hiểm y tế trong thời gian người lao động phải nghỉ việc, tạm hoãn hoặc dừng hợp đồng lao động không hưởng lương do dịch bệnh.
Về kết quả thực hiện thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 02 năm 2019-2020, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết một số kết quả nổi bật như: Số người tham gia bảo hiểm y tế đạt vượt mức chỉ tiêu được giao, số người tham gia bảo hiểm y tế là 87,97 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số, vượt 10,85% so với chỉ tiêu được giao. Y tế cơ sở từng bước được củng cố và mở rộng.
Trong thời gian qua, đã có tổng số 460 trạm y tế xã được xây mới, cải tạo sửa chữa. Tình trạng quá tải bệnh viện đang từng bước được giải quyết, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh; kết quả tỷ lệ người bệnh hài lòng tăng qua từng năm: năm 2019 tỷ lệ người bệnh hài lòng 83%, năm 2020 là 84,6%. Hệ thống bác sỹ gia đình được quan tâm phát triển. Công tác thanh tra, kiểm tra cũng được đẩy mạnh nhằm ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật.
Chính phủ kiến nghị với Quốc hội nghiên cứu, xem xét việc sửa đổi Nghị quyết số 68 để phù hợp với các Nghị quyết của Đảng về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Bố trí nguồn lực cho phát triển hệ thống y tế cơ sở; Tăng cường giám sát việc thực hiện các chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế nhằm mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế, thực hiện đúng quy định về giám định, tạm ứng, thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo đảm sử dụng quỹ bảo hiểm y tế có hiệu quả.
8/12 chỉ tiêu, nhiệm vụ đã hoàn thành
Báo cáo thẩm tra về việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, đối với việc thực hiện Nghị quyết, sau 8 năm thực hiện, 8 chỉ tiêu, nhiệm vụ đã hoàn thành, đạt yêu cầu.
Theo đó, về chỉ tiêu đến năm 2015 đạt ít nhất 75% dân số tham gia bảo hiểm y tế và đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế, chỉ tiêu này hoàn thành từ năm 2016, trước 4 năm so với quy định.
Tuy nhiên, nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình chỉ đạt tỷ lệ bao phủ 76,5% tổng số người thuộc diện tham gia.
Đối với nội dung quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020, Ủy ban Xã hội chỉ ra rằng, bên cạnh một số thành tích nổi bật vẫn còn một tồn tại, hạn chế như: Mức đóng bảo hiểm y tế của một số nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế thấp, chỉ bằng 4,5% mức lương cơ sở, vẫn còn tình trạng ngân sách nhà nước chậm chuyển kinh phí đóng bảo hiểm y tế cho đối tượng được ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ tại một số địa phương; chưa giải quyết triệt để tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế từ phía cơ sở KCB, người bệnh và cả cán bộ thực hiện bảo hiểm y tế.
Ủy ban Xã hội kiến nghị Chính phủ cần sớm tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 68/2013/QH13 làm cơ sở để đưa ra đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết phù hợp với tình hình mới; sớm trình Quốc hội dự án Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) và Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi); chỉ đạo hoàn thiện văn bản dưới luật để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Đồng thời, Chính phủ cần chỉ đạo chỉ đạo Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các Bộ, ngành hữu quan và chính quyền địa phương thực hiện nghiêm các chính sách, pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm y tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận