24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Mỹ Hoa
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Kiến nghị cho phép xã hội hóa về lưới điện truyền tải

Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng xem xét trình Quốc hội ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, trong đó, cho phép áp dụng các quy định về xã hội hóa đối với lưới điện truyền tải.

Thực tế, chưa cần đợi đến khi Bộ Công Thương có kiến nghị về xã hội hóa lưới điện, một số doanh nghiệp tư nhân và các địa phương đã có động thái muốn tham gia vào hoạt động này.

Bộ Công Thương vừa có văn bản số 2321 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ xây dựng Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Nghị quyết của UBTVQH về giải thích Luật Điện lực, nội dung Nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải.

Theo đó, trong báo cáo vừa gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương cho rằng trong thời gian Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đang xây dựng, chưa được ban hành và có hiệu lực, để có thể thực hiện đầu tư các dự án truyền tải điện theo phương thức xã hội hóa, Thủ tướng cần xem xét, kiến nghị Ủy ban Thường vụ QH ban hành Nghị quyết giải thích nội dung về độc quyền nhà nước trong hoạt động truyền tải điện tại Luật Điện lực theo hướng nhà nước chỉ độc quyền trong quản lý, vận hành lưới điện truyền tải (tức không bao gồm hoạt động đầu tư - PV).

Đồng thời, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng xem xét trình Quốc hội ban hành Luật PPP, trong đó cho phép áp dụng các quy định về xã hội hóa đối với lưới điện truyền tải. Khi đó, việc đề xuất đầu tư tư nhân lưới điện truyền tải sẽ được áp dụng theo quy định của luật này.

Tuy vậy, bộ này cũng cho rằng đối với hệ thống truyền tải có tính chất xương sống, huyết mạch cần cân nhắc có cho phép đầu tư tư nhân hay không. Lý do để bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh quốc gia. Còn với các trường hợp đầu tư lưới truyền tải nhằm phục vụ đấu nối nhà máy, cụm nhà máy điện của một hay nhiều chủ đầu tư, có thể áp dụng quy định về thỏa thuận đấu nối.

Xung quanh câu chuyện xã hội hóa lưới điện truyền tải, tại phiên chất vấn đầu tiên của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV ngày 6/11/2019, đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) từng đặt liên tiếp các câu hỏi: "Một trong những điểm nghẽn cơ bản trong phát triển năng lượng tái tạo là thiếu hạ tầng truyền tải điện trong khi nước ta còn rất thiếu thốn điện. Giải pháp căn cơ và dài hạn cho việc thiếu hệ thống truyền tải điện là gì? Nguồn vốn nhà nước có hạn thì có cơ chế cho tư nhân đầu tư không?".

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thời điểm đó đã bày tỏ sự đồng tình rằng, hiện có điểm nghẽn là điều kiện hạn chế nguồn lực Nhà nước và của EVN. Nếu thiếu nguồn đầu tư cho cả hệ thống truyền tải và các trạm biến áp thì sẽ tiếp tục hạn chế việc giải tỏa công suất.

“Về lâu dài cần điều chỉnh luật hoặc văn bản hướng dẫn pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép vận dụng cơ chế trong Luật Điện lực, cho phép xã hội hóa về truyền tải điện”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Thực tế, chưa cần đợi đến khi Bộ Công Thương có kiến nghị về xã hội hóa lưới điện, một số doanh nghiệp tư nhân và các địa phương đã có động thái muốn tham gia vào hoạt động này. Chẳng hạn, Tập đoàn Trung Nam từng được tỉnh Ninh Thuận chọn là nhà đầu tư lưới điện, dự kiến chi ra khoảng 600-700 tỉ đồng làm đường dây truyền tải 500 KV Thuận Nam - Vĩnh Tân.

Bởi trước đó,hàng loạt các dự án phát triển nguồn điện mặt trời ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đã được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trong tháng 6/2019 để kịp hưởng chính sách giá mua ưu đãi của Nhà nước là 9,35 cent/kWh.Thế nhưng, hệ thống lưới truyền tải điện ở đây lại không được thiết kế song hành, bổ sung kịp thời để đáp ứng sự gia tăng của nguồn - đã dẫn đến tình trạng quá tải, có điện từ nơi cung mà không đến được với nơi cần.

Ông Nguyễn Hữu Vinh - Tổng giám đốc Tập đoàn Hà Đô tại Ninh Thuận cho rằng, trước tình hình như tỉnh Ninh Thuận bây giờ, lưới điện đang bị quá tải, nếu trong thời gian tới, điện mặt trời khu vực này tiếp tục phát triển thì có thể tình trạng quá tải sẽ nặng nề hơn. Tuy nhiên, nếu theo phương án xã hội hóa thì tôi nghĩ sẽ góp phần giải quyết được các điểm nghẽn đó.

"Chúng tôi sẵn sàng đầu tư, cho chúng tôi đầu tư đến đâu thì chúng tôi đầu tư đến đó, trên cơ sở hạch toán của chúng tôi, thấy có lợi thì chúng tôi làm. Về vận hành thì tôi đề nghị là vẫn giao cho EVN quản lý, phải để cho EVN quản lý, đặc biệt liên quan đến an ninh năng lượng, không nên cho xã hội hóa việc đó" - vị này nói.

Nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này cho rằng cần thiết phải hoàn thiện khung pháp lý trước khi đưa ra các quyết định có cho phép tư nhân đầu tư vào hệ thống truyền tải điện nay không, đầu tư đến đâu và ở mức độ nào. Và để công bằng trong việc xã hội hóa thì phải đấu thầu.

Thế nhưng, trong Luật đấu thầu hiện chưa có quy định nào liên quan đến việc đấu thầu công trình hạ tầng truyền tải điện. Nếu áp dụng các dự án truyền tải điện theo Luật đấu thầu chung như với các dự án khác thì sẽ rất khó khăn để thực hiện. Đúng là rất khác với việc quản lý, vận hành các hệ thống sản xuất thông thường, hệ thống điện cần phải được thống nhất quản lý từ khâu sản xuất, truyền tải, phân phối đến tiêu dùng. Bởi, chỉ cần một trục trặc nhỏ cũng ảnh hưởng ngay đến toàn bộ hệ thống.

Trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng điện vẫn không ngừng tăng cao, nguồn điện được sản xuất chủ yếu từ các nguồn năng lượng hóa thạch, không tái tạo được. Than, dầu và khí đang ngày càng trở nên cạn kiệt, khan hiếm. Nguồn điện từ năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời đang được xem là tiềm năng bổ sung cho nguồn điện tại Việt Nam. Muốn khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng này là bài toán đặt ra là phải giải quyết được những vướng mắc hiện có để phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả