Kiện ngân hàng SCB và công ty chứng khoán vì 'bị dụ mua trái phiếu'
Bà Phạm Đoan, 44 tuổi, cho rằng bị ngân hàng "dụ gửi tiền tiết kiệm linh hoạt" nhưng thực tế là lừa ký hợp đồng mua trái phiếu qua công ty chứng khoán, nên khởi kiện.
Vụ kiện Tranh chấp hợp đồng mua bán trái phiếu giữa bà Đoan với đồng bị đơn là Công ty Cổ phần chứng khoán Tân Việt và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) đã được TAND quận 1 thụ lý. Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông được xác định có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Nguyên đơn yêu cầu toà tuyên 4 hợp đồng ký kết với Công ty Tân Việt là vô hiệu; buộc công ty này liên đới với SCB trả lại hơn 800 triệu đồng cho mình.
Trong đơn khởi kiện, bà Đoan cho biết là người buôn bán nhỏ ngoài chợ, thu nhập không ổn định. Nhiều năm trước, bà có mở tài khoản tại SCB, mỗi khi tích góp được ít tiền, bà đều mang đến ngân hàng này để gửi dưới hình thức mở sổ tiết kiệm hoặc mua chứng chỉ tiền gửi.
Hồi tháng 8/2022, như thường lệ, bà đến SCB (phòng giao dịch trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh) để mua chứng chỉ tiền gửi, với mục đích để dành tiền lo cho con sắp vào đại học, tiền lãi mua quà bánh cho mẹ già. Tuy nhiên, nhân viên thông báo không còn chứng chỉ tiền gửi và giới thiệu sản phẩm khác của SCB.
Nhân viên tư vấn rằng sản phẩm này giống chứng chỉ tiền gửi nhưng hay hơn, tiện lợi hơn, lãi suất cao hơn (8%), sau 31 ngày khách hàng có thể rút ra bất kỳ lúc nào và vẫn được nhận lãi. Sản phẩm được rất nhiều người ưa chuộng, mua trong thời gian dài. Đồng thời, nhân viên còn đưa cho bà Đoan xem bảng liệt kê về lãi suất tương ứng với số tiền sẽ nhận được tại từng thời điểm.
Bà Đoan thấy giống với các chứng chỉ tiền gửi đã từng mua. Bà nói với nhân viên SCB đây là số tiền dành dụm, tích góp cả đời của mình và người mẹ đã gần 80 tuổi. "Chúng tôi rất khó khăn mới kiếm được số tiền này nên tôi chỉ muốn gửi một cách an toàn. Nhân viên nói tôi cứ an tâm mà không giải thích gì thêm", bà Đoan trình bày trong đơn.
Đương sự này giải thích thêm, vì đã gắn bó với SCB trong thời gian dài và không am hiểu về thị trường tài chính nên tin tưởng, nghĩ sản phẩm được tư vấn có giá trị như chứng chỉ tiền gửi. Theo hướng dẫn của nhân viên ngân hàng, bà ký 4 hợp đồng với tổng số tiền hơn 800 triệu đồng.
Nhân viên SCB sau đó làm thủ tục tất toán chuyển toàn bộ số tiền trong các sổ tiết kiệm và chứng chỉ tiền gửi của bà trước đó sang mua sản phẩm "tiết kiệm linh hoạt". Họ yêu cầu bà ký một số giấy tờ và hẹn 7-10 ngày sau nhận chứng từ. Sau khi nhận được hồ sơ, bà nhiều lần được ngân hàng nhắn tin thông báo về việc được thanh toán tiền lãi từ sản phẩm này.
Đến ngày 7/10/2022, bà Đoan thấy mạng xã hội đăng người dân xếp hàng tập trung tại trụ sở, chi nhánh và các phòng giao dịch của SCB rút tiền nên cũng hoang mang. Sau khi gặp nhân viên ngân hàng và hỏi về sản phẩm mình đã mua, bà mới biết đó không phải là chứng chỉ tiền gửi mà là trái phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông.
Đến lúc này, bà mới biết hợp đồng mình ký với ngân hàng là mua trái phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông qua Công ty Tân Việt. Bà khẳng định bản thân không có ý định mua trái phiếu thông qua SCB và cũng không biết gì về trái phiếu, nên không có ý định giao dịch với Công ty Tân Việt hay An Đông.
Bà Đoan cho biết, về sau SCB có gửi thư ngỏ cho khách hàng với nội dung thời gian qua ngân hàng có hợp tác với một số công ty chứng khoán để giới thiệu khách hàng có nhu cầu mua, bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty chứng khoán. Tuy nhiên, trên thực tế, SCB đã đưa ra những thông tin gian dối, gây nhầm lẫn để những người thiếu hiểu biết như bà tin tưởng mua trái phiếu trong khi cứ nghĩ mình đang gửi tiết kiệm.
"Việc tôi ký kết và thực hiện các giao dịch mua trái phiếu theo các hợp đồng nêu trên là do bị lừa dối và nhầm lẫn", bà Đoan khẳng định. Trong các hợp đồng về việc mua bán trái phiếu bà thực hiện tại SCB cũng không thể hiện thông tin bên bán là Công ty Cổ phần Đầu tư An Đông mà là Công ty Tân Việt, do Chi nhánh Công ty Tân Việt tại TP HCM đóng dấu.
Bà Đoan cho rằng, việc Công ty Tân Việt ký kết các hợp đồng bán trái phiếu cho mình là không đúng thẩm quyền bởi công ty này không phải là bên sở hữu trái phiếu. Bà nhiều lần làm việc với lãnh đạo phòng giao dịch nhưng chỉ nhận được câu trả lời "chờ các cơ quan chức năng giải quyết".
Sau khi nhận được thông báo thụ lý vụ án của TAND quận 1, Công ty chứng khoán Tân Việt đã uỷ quyền cho ông Trần Duy Hưng (Phó Phòng pháp chế) và ông Lê Đắc An (Giám đốc Quản trị rủi ro) thay mặt Tổng giám đốc - người đại diện theo pháp luật, tham gia vụ án.
Về nội dung bà Đoan nêu, phía Công ty Tân Việt cho biết chưa nhận được đơn kiện và các tài liệu do nguyên đơn cung cấp, nên chưa thể đưa ra ý kiến của mình đối với các yêu cầu của bà Đoan cũng như yêu cầu phản tố.
Phía Tân Việt cũng có đơn đề nghị toà cho gia hạn với lý do công ty đang tập trung mọi nguồn lực để giải quyết các thắc mắc, xử lý khiếu nại của các nhà đầu tư trái phiếu, cũng như cấp hồ sơ, giấy tờ liên quan đến các vụ án mà C03 (Bộ Công an) đã khởi tố.
Hiện, phía SCB chưa có phản hồi về vụ kiện.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông trực thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Hồi tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP Group) bị bắt về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với cáo buộc gian dối trong phát hành và mua bán trái phiếu, chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của người dân. Các bị can Trương Huệ Vân (34 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor); Nguyễn Phương Hồng (38 tuổi, trợ lý Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát); Hồ Bửu Phương (50 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Tân Việt, cựu Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cũng bị bắt tạm giam về cùng tội danh. Hiện vụ án vẫn trong quá trình điều tra. Ngân hàng Sài Gòn - SCB vốn được hợp nhất bởi ba ngân hàng: SCB, Đệ Nhất (FCB) và Việt Nam Tín Nghĩa (TNB). Nhà băng này có tổng tài sản lớn nhất trong nhóm ngân hàng tư nhân và nằm trong nhóm 5 ngân hàng có quy mô tài sản lớn nhất thị trường. Tính đến 30/9, SCB có hơn 4.100 cổ đông, gồm 7 cổ đông ngoại sở hữu 27,9%, 11 cổ đông tổ chức trong nước giữ 15,7% và cá nhân trong nước còn lại nắm hơn 56,11% vốn điều lệ. Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ duy trì hoạt động ổn định liên tục cho SCB và luôn đảm bảo an toàn cho tiền gửi của người dân. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận