menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Ngọc Bảo

Kiên Giang đặt mục tiêu sản xuất 116.200 tấn tôm nuôi năm 2023

Năm 2023, tỉnh Kiên Giang phấn đấu đạt sản lượng tôm nuôi trên địa bàn đạt 116.200 tấn trở lên, tăng 7.700 tấn so kế hoạch năm 2022.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Quảng Trọng Thao cho biết, ngành thủy sản xây dựng khung lịch thời vụ thả giống nuôi tôm nước lợ năm 2023 và khuyến cáo nông dân tuân thủ khung lịch thời vụ này nhằm hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực của thời tiết, dịch bệnh đến nuôi tôm của tỉnh.

Đồng thời, vận động nông dân và cơ sở nuôi tôm thường xuyên theo dõi thông tin thời tiết, môi trường và dịch bệnh để kịp thời ứng phó khi có tình huống bất lợi xảy ra. Chủ động áp dụng công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao năng suất vụ nuôi và chất lượng sản phẩm.

Theo lịch thời vụ nuôi tôm năm 2023, đối với nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng thâm canh và bán thâm canh thả giống từ tháng 1 - 12/2023 khi độ mặn phù hợp, kiểm soát được nguồn nước và thực hiện tốt việc cải tạo, tiêu diệt mầm bệnh giữa các vụ nuôi.

Tiếp đến, nuôi tôm sú luân canh trồng lú vùng U Minh Thượng thả giống từ tháng 1 - 4/2023, thu hoạch dứt điểm vào tháng 8/2023; vùng ven sông Cái Lớn thuộc Tây sông Hậu thả giống tôm sú từ tháng 01 - 3/2023, thu hoạch dứt điểm vào tháng 8/2023; các huyện Kiên Lương, Giang Thành, Hòn Đất và thành phố Hà Tiên thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên thả giống tôm sú từ tháng 3 - 4/2023, thu hoạch dứt điểm trong tháng 8/2023.

Cùng với đó, nuôi tôm quảng canh cải tiến, tôm - rừng thả giống từ tháng 1 - 12/2023, căn cứ vào điều kiện thời tiết và độ mặn từng vùng lựa chọn thời điểm thả nuôi thích hợp, khuyến khích nông dân nuôi theo hình thức “thu tỉa - thả bù”, bố trí ao ương, vèo tôm giống giai đoạn đầu từ 3 - 4 tuần, sau đó chuyển tôm sang ao nuôi, định kỳ 1 - 1,5 tháng thả giống một lần và thu hoạch khi tôm đạt kích cỡ phù hợp. Đối với tôm càng xanh nuôi xen canh với trồng lúa, thả giống từ tháng 2 – 7/2023, thu hoạch sau 5 - 6 tháng nuôi, bố trí ao ương, vèo tôm giống thời gia 2 tháng trước khi thả ra ruộng lúa.

Để nuôi tôm nước lợ an toàn và hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc tăng cường thanh tra, kiểm tra điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống, chất lượng thức ăn tôm, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh để đảm bảo nguồn giống sạch bệnh, chất lượng tốt cung ứng cho nông dân và cơ sở nuôi tôm.

Cùng với đó, tập trung kiểm dịch tôm giống vận chuyển, chẩn đoán xét nghiệm bệnh, chủ động nguồn hóa chất khử trùng, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm, kịp thời áp dụng các biện pháp xử lý, khống chế không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Ngoài ra, phối hợp với cơ quan có liên quan, các địa phương vận hành hệ thống công trình thủy lợi điều tiết nước phục vụ cho nuôi tôm, vận hành hệ thống quan trắc môi trường nước tự động, cung cấp thông tin phục vụ nuôi trồng thủy sản.

Tỉnh cũng tiếp tục chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển các mô hình tôm - lúa, nuôi tôm càng xanh xen tôm sú và tôm - cua kết hợp đạt chuẩn chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, ASC… ở các huyện vùng sản xuất U Minh Thượng, Tứ giác Long Xuyên và huyện Gò Quao, nhất là tăng thêm diện tích, sản lượng tôm càng xanh, cua trong mô hình nuôi kết hợp.

Kiên Giang khuyến khích triển khai nhân rộng mô hình nuôi tôm công nghiệp 2 - 3 giai đoạn, đồng thời tiếp tục ổn định phát triển nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp đối với tổ chức, hộ gia đình chưa có điều kiện chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.

Kiên Giang đặt mục tiêu sản xuất 116.200 tấn tôm nuôi năm 2023
Tỉnh Kiên Giang tiếp tục chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển các mô hình tôm-lúa, nuôi tôm càng xanh xen tôm sú và tôm-cua kết hợp đạt chuẩn chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, ASC. Ảnh: báo Nông nghiệp Việt Nam

Bên cạnh đó, để phát triển nuôi tôm theo hướng sản xuất hàng hóa, an toàn, bền vững và hiệu quả, ngành Thủy sản tỉnh tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ con giống, vật tư đầu vào, nuôi thương phẩm đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm; trong đó, doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi sản xuất. Ngành thủy sản tỉnh thành lập và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất như: Tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tại các vùng nuôi tôm nước lợ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, trong phát triển nuôi tôm nước lợ, tỉnh chú trọng đầu tư phát triển mạnh nuôi tôm công nghiệp – bán công nghiệp. Phát triển loại hình nuôi này ứng dụng công nghệ mới, năng suất cao, tiết kiệm nước, giảm giá thành sản xuất, bảo vệ môi trường và an toàn dịch bệnh. Tỉnh xây dựng, hình thành các vùng nuôi tôm công nghệ cao tại các huyện Giang Thành, Kiên Lương và thành phố Hà Tiên. Tỉnh hỗ trợ xây dựng hoàn thiện khu phức hợp sản xuất tôm ứng dụng công nghệ cao, khép kín toàn chuỗi giá trị, cung ứng đủ các dịch vụ tại chỗ như: Tài chính, lao động, công nghệ, kho bãi, vật tư, nhà máy chế biến, sàn giao dịch, kiểm soát và chứng nhận chất lượng sản phẩm tại huyện Kiên Lương.

Ngoài ra, ngành thủy sản tỉnh liên kết, kết nối với các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh, các doanh nghiệp nghiên cứu khoa học, công nghệ để nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ trong phát triển nuôi tôm. Phát triển mạnh mô hình nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP, nuôi tôm sinh thái và các tiêu chuẩn quốc tế khác theo yêu cầu thị trường xuất khẩu; sử dụng mã vạch, mã số truy xuất nguồn gốc sản phẩm nuôi, vùng nuôi. Ngành thủy sản từng bước đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý sản phẩm tôm nuôi đặc trưng từng vùng sinh thái trên địa bàn tỉnh.

Thêm vào đó, tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng, nhất là hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, giao thông, lưới điện phục vụ nuôi trồng thủy sản các vùng trọng điểm Tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng. Ngành chức năng tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường vùng nuôi tôm; đồng thời, nâng cao năng lực quản lý, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển nuôi tôm về số lượng và chất lượng.

Trước mắt, tỉnh tập trung thực hiện hiệu quả chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tạo nguồn nhân lực phục vụ nuôi tôm tại địa phương, chú trọng đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác… Tỉnh đầu tư chế biến, xuất khẩu thủy sản gắn với xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động kinh tế ngoại thương, chế biến xuất khẩu.

Trong năm 2022, tỉnh Kiên Giang thả nuôi tôm nước lợ, với tổng diện tích 143.352 ha, đạt 101,75% kế hoạch, tăng 4,32% soi năm 2021, gồm các loại hình nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp, nuôi quảng canh - quảng canh cải tiến, tôm - lúa, tôm - rừng. Sản lượng tôm nuôi hơn 111.600 tấn, tăng 2,86% so kế hoạch và tăng 7,18% (tương đương tăng 3.100 tấn) so với năm 2021.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại