Kiểm tra 27 doanh nghiệp liên quan đến vụ Asanzo
Cơ quan Hải quan đã nhận được danh sách 51 doanh nghiệp đầu vào bán hàng, linh kiện cho Asanzo do báo chí và Bộ Công an chuyển sang...
Tổng cục Hải quan cho biết, cơ quan này đã ban hành 27 quyết định kiểm tra các doanh nghiệp có liên quan trong vụ việc Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo nghi ngờ nhập sản phẩm Trung Quốc nhưng gắn nhãn Việt Nam.
Thông tin này được bà Nguyễn Thu Nhiễu, Phó cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) cho biết trong buổi họp báo về công tác đấu tranh chống gian lận xuất xứ hàng hoá của ngành hải quan tổ chức chiều 19/7.
Theo đó, bà Nhiễu cho biết, cơ quan hải quan đã nhận được danh sách 25 doanh nghiệp do báo chí phản ánh và 26 doanh nghiệp do Bộ Công an chuyển sang, là các doanh nghiệp cung cấp đầu vào bán hàng, linh kiện cho Asanzo sản xuất.
Thông qua quá trình xác minh thì có sự trùng lắp giữa 2 danh sách này, nên còn lại 31 doanh nghiệp. Trong số này có 4 doanh nghiệp đã không còn hoạt động và bị khởi tố (Công ty Sa Huỳnh), do đó Cục Kiểm tra sau thông quan đã ban hành 27 quyết định kiểm tra các doanh nghiệp còn lại.
"Trong 27 doanh nghiệp, Cục trực tiếp kiểm tra tại 13 doanh nghiệp, và giao 14 đơn vị cho Cục Hải quan Tp.HCM kiểm tra, tiếp tục làm rõ", bà Nhiễu cho biết.
Cũng theo bà Nhiễu, đến thời điểm này chưa có kết quả cuối cùng, dù một số công ty đã có kết quả sơ bộ. Còn 56 doanh nghiệp đầu ra, là đơn vị tiêu thụ hàng cho Asanzo, thì qua xác minh còn 16 doanh nghiệp đang hoạt động, số còn lại đã ngừng hoạt động.
"Quá trình xác minh, kiểm tra các doanh nghiệp này vẫn đang diễn ra, chưa có kết luận cuối cùng", bà Nhiễu nói.
Trong khi đó, ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan cũng cho biết, về vụ việc công ty Asanzo, hiện tại cơ quan Hải quan đã thành lập đoàn kiểm tra sau thông quan doanh nghiệp này và các doanh nghiệp liên quan nhập các linh kiện về bán lại cho Asanzo. Sau khi có kết quả sẽ báo cáo Bộ Tài chính, để trình Thủ tướng.
Ông Tuấn cũng cho rằng, hiện cơ sở xác định doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện nhập khẩu sau đó lắp ráp bán tại thị trường Việt Nam có đáp ứng tiêu chí xuất xứ với hàng Việt Nam hay không là không có.
Đối với trường hợp doanh nghiệp nhập nguyên chiếc bếp từ, nồi cơm điện, bàn là từ Trung Quốc, sau đó ghi nhãn mác "Made in Vietnam", ông Tuấn khẳng định, trường hợp này doanh nghiệp ghi "Made in Vietnam" là hoàn toàn sai.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận