Kiểm toán Nhà nước 'thu về' hơn 60.000 tỷ đồng
Kiểm toán Nhà nước cho biết, năm 2020 đã thực hiện 174 cuộc kiểm toán, tổ chức thành 188 đoàn kiểm toán với kết quả xử lý tài chính đạt 60.035 tỷ đồng.
Báo cáo tổng kết ngành kiểm toán năm 2020 cho biết, năm 2020, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã thực hiện 174 cuộc kiểm toán (158 cuộc theo phân giao kế hoạch đầu năm, bổ sung 22 cuộc và 6 cuộc điều chỉnh giảm theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ và đề nghị của các đơn vị có liên quan) tổ chức thành 188 đoàn kiểm toán.
Tổng hợp kết quả xử lý tài chính đến 4/1/2021 là 60.035 tỷ đồng, trong đó tăng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 4.965 tỷ đồng, giảm chi NSNN 13.836 tỷ đồng, kiến nghị khác là 41.234 tỷ đồng.
Ngoài ra, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 119 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách tránh thất thoát, lãng phí; kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với nhiều tập thể và cá nhân.
Kiểm toán cũng đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán.
Trong đó, có nhiều kiến nghị quan trọng nhằm chấn chỉnh những hạn chế, bất cập, như: Cơ chế quản lý và sử dụng nguồn tích lũy tài chính công đoàn, thực hiện hợp đồng BT, BOT; công tác quản lý thuế, đất đai, tài nguyên khoáng sản; cơ chế quản lý, hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, tổ chức tín dụng...
Đến 31/12/2020, KTNN đã chuyển cơ quan CSĐT để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán, đã cung cấp 131 bộ tài liệu cho các cơ quan của Quốc hội và các cơ quannhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác kiểm tra, điều tra, giám sát.
5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán gồm: Chuyển hồ sơ đến Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng (C03) của Bộ Công an về hành vi trốn thuế thu nhập cá nhân của ông Nguyễn Tài - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ kho vận PTL; Hành vi có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu tại Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; chuyển hồ sơ cho Công an thành phố Đà Nẵng vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng 2.375m2 đất tại phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng của Doanh nghiệp Đa Phước để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; gửi hồ sơ cho CSĐT Công an tỉnh Bình Phước để điều tra hành vi vi phạm trong quản lý và sử dụng hóa đơn của Công ty TNHH MTV Cao su Bảo Long và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Thành Phước (2 vụ việc).
Ngoài ra, KTNN cho biết, công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán (KSCLKT) tiếp tục được chú trọng: Để thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán, phòng chống tham nhũng trong nội bộ KTNN. Ngay từ đầu năm, Tổng KTNN đã ban hành Kế hoạch KSCLKT năm 2020.
Theo đó, trong năm, KTNN đã thực hiện KSCLKT trực tiếp 8 cuộc kiểm toán; kiểm soát việc tổ chức KSCLKT của 5 kiểm toán trưởng; KSCLKT đột xuất 5 cuộc kiểm toán gồm: Dự án xây dựng đường giao thông liên kết các vùng phát triển kinh tế - xã hội phía Đông tỉnh Hà Giang, giáp ranh tỉnh Cao Bằng; Dự án đầu tư, cải tạo nâng cấp quốc lộ 12 đoạn km22 - km66, tỉnh Lai Châu; Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai V vùng thủ đô Hà Nội; Dự án đường đến trung tâm xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang; Ngân sách địa phương năm 2019 tỉnh Tiền Giang; Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam; Quân khu VII; Ngân sách địa phương năm 2019 tỉnh Đồng Nai.
KTNN cũng thực hiện kiểm tra hồ sơ sau khi phát hành báo cáo kiểm toán (BCKT) 4 cuộc. Việc thực hiện tốt công tác KSCLKT đã góp phần giảm thiểu và khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong hoạt động kiểm toán và nâng cao chất lượng kiểm toán.
Trong năm 2021, KTNN sẽ thực hiện 181 cuộc kiểm toán thuộc KHKT năm 2021 ban hành theo Quyết định số 1688/QĐ-KTNN ngày 25/11/2020. Đại diện KTNN cho biết sẽ phấn đấu đảm bảo tiến độ, kết quả, hiệu quả và chất lượng trên tinh thần đổi mới toàn diện phương pháp quản lý hoạt động kiểm toán, cải cách hành chính, phát triển và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán.
Đồng thời, tiếp tục nâng cao đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử, trách nhiệm và lòng tự trọng nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên nhà nước; chấp hành, tuân thủ tuyệt đối quy định về quy tắc ứng xử của kiểm toán viên nhà nước, quy chế tổ chức và hoạt động của đoàn KTNN; nâng cao vai trò, trách nhiệm KSCLKT, thanh tra, kiểm tra của từng cấp quản lý, đảm bảo tuân thủ nghiêm quy định của Luật KTNN; tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xử lý sai phạm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận