menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Thúy Anh

Kiểm toán nhà Nước: Giao đất chỉ định cho nhà đầu tư BT là trái Luật

Chiều 5/7/2019, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã họp báo công bố Kết quả kiểm toán năm 2018. Trong đó, đáng lưu ý là cơ quan này vẫn tiếp tục phát hiện ra sai sót, tồn tại trong đầu tư công và thực hiện các dự án BOT - BT.

Đầu tư công dàn trải và phân tán

Báo cáo về kết quả kiểm toán năm 2018 đối với niên độ ngân sách năm 2017, ông Trần Khánh Hòa - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN) cho biết, KTNN đã kiến nghị xử lý 92.499 tỷ đồng, trong đó tăng thu 19.858 tỷ đồng, giảm chi NSNN 23.722 tỷ đồng.

Theo KTNN kết quả kiểm toán, chi ngân sách 2017 có chuyển biến tích cực với số chi ít hơn số được giao. Nhưng nợ công tiếp tục gia tăng so với năm 2016 (tăng 7,13%, số tiền 204.413 tỷ đồng).

Dư nợ công đến 31/12/2017 là 3.073.294 tỷ đồng, bằng 61,37% GDP (nợ Chính phủ 2.587.372 tỷ đồng, bằng 51,67% GDP; nợ được Chính phủ bảo lãnh 455.923 tỷ đồng, bằng 9,1% GDP; nợ Chính quyền địa phương 29.999 tỷ đồng, bằng 0,6% GDP), trong giới hạn cho phép của Quốc hội (65% GDP).

Về đầu tư công, KTNN chỉ ra còn nhiều sai sót, tồn tại trong quản lý chi đầu tư từ khâu thẩm định, phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư dự án; tổ chức đấu thầu, thực hiện dự án; nghiệm thu, thanh và quyết toán... Qua kiểm toán 2.067 dự án, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 5.218 tỷ đồng.

Phó tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên cho biết, việc chưa xác định rõ nguồn, khả năng cân đối vốn khi quyết định đầu tư; xác định tổng mức đầu tư không chính xác, phải điều chỉnh nhiều lần, giá trị lớn trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó công tác nghiệm thu, thanh toán tại hầu hết các dự án còn nhiều sai sót.

Vốn đầu tư công chậm giải ngân đang là vấn đề mà Chính phủ đã liên tục nhắc nhở. Và một trong những nguyên nhân, theo KTNN bắt nguồn từ việc giao vốn và phân bổ vốn.

“Vốn đầu tư được phân bổ chậm, dàn trải, phân tán. Giao vốn thì lắt nhắt và không đủ. Ngay cà Chương trình mục tiêu cũng không được bố trí đủ vốn. Đơn cử như dự án phát triển thủy sản 2016-2020 chỉ được 16%”, theo ông Tiên.

KTNN cũng chỉ ra điểm rất bất cập là có những dự án không được phân bổ, giao đủ vốn thì lại có tình trạng chưa xác định nguồn vốn đã bố trí vốn, khả năng cần đối vốn chưa xác định được cũng đã phân bổ vốn.

“Cần tránh tình trạng kế hoạch đặt ra mà bố trí vốn không đúng không đủ, vốn phân bổ vừa dàn trải, vừa phân tán lại phân bổ lắt nhắt nhiều lần trong năm, gần hết năm mới phân bổ vốn khiến các bộ ngành chủ đầu tư không kịp làm các thủ tục đầu tư. Để hoàn thành thủ tục hiện này mất từ 3-6 tháng”, ông Tiên phát biểu.

Dự án BOT - BT sai phạm gì?

Cũng theo ông Trần Khánh Hòa, kết quả kiểm toán 08 dự án BOT trong năm 2018 cho thấy hầu hết các dự án thực hiện chỉ định Nhà đầu tư, chỉ định nhà thầu thi công; xác định sai, tăng tổng mức đầu tư; phê duyệt dự án có sử dụng vốn hỗ trợ từ nguồn TPCP không đúng nội dung được sử dụng theo Nghị quyết số 65/2013/QH13 ngày 15/11/2013 của Quốc hội; chưa quy định khung giá vé đối với dự án đầu tư của công trình giao thông; nghiệm thu, thanh toán sai...

KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 07/08 dự án là 16,2 năm so với phương án tài chính ban đầu (Năm 2017 trở về trước, KTNN đã kiến nghị giảm 227,4 năm của 67 dự án).

Kết quả kiểm toán 07 dự án BT cho thấy việc giao đất chỉ định cho nhà đầu tư là trái với quy định của Luật Đất đai; Tạm tính tiền sử dụng đất để xác định giá trị đối ứng khi giao đất cho dự án BT tại thời điểm thực hiện dự án BT, đồng thời xác định giá đất theo phương pháp thặng dư cho phép tính chi phí dự phòng trong chi phí phát triển còn bất hợp lý, không sát hoặc phụ thuộc yếu tố chủ quan dẫn đến giá đất thấp, không sát giá thị trường làm thất thoát lớn tài sản, NSNN.

Bên cạnh đó, các dự án BT thực chất là sử dụng nguồn lực NSNN thuộc nhiệm vụ chi ngân sách của các cấp chính quyền nhưng không quy định phải là dự án cần thiết, thực sự cấp bách là chưa phù hợp với các quy định hiện hành.

Hầu hết các dự án chỉ định thầu, làm giảm tính cạnh tranh, thiết kế dự toán không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt; Các dự án BT thực hiện chủ yếu bằng vốn vay, làm tăng chi phí đầu tư dự án, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện.

“Đây là lỗ hổng lớn nhất làm thất thoát tài sản, NSNN. Kết quả kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính 2.938 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý tài chính lên đến 29% giá trị được kiểm toán (Năm 2017 trở về trước, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 4.515 tỷ đồng tại 30 dự án)," ông Hòa thông tin thêm

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả