Kiểm toán Nhà nước "điểm tên" hàng loạt ngân hàng
Đó là một trong những nội dung đáng lưu ý trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) gửi Quốc hội mới đây. Không chỉ là quản lý vốn, KTNN còn chỉ ra một loạt tồn tại trong hoạt động đầu tư, phân loại nhóm nợ của một số ngân hàng, công ty có vốn Nhà nước trong năm 2020.
Cụ thể, KTNN đã có báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2021. Theo đó, kết quả kiểm toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và 9 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm của KTNN cho thấy: Năm 2020, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần kiểm soát lạm phát ở mức 3,23%, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối; nhiều lần điều chỉnh giảm lãi suất. Các tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm được kiểm toán đảm bảo các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động, kinh doanh có lãi, tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 2% (trừ PGB 2,49%).
Tuy nhiên, theo KTNN, mức giảm lãi suất cho vay bình quân chậm hơn mức giảm lãi suất tiền gửi bình quân khiến chênh lệch lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi duy trì ở mức cao. Một số ngân hàng phân loại nợ chưa phù hợp như: PGB không điều chỉnh giảm dư nợ nhóm 1 là 622,46 tỷ đồng; tăng dư nợ nhóm 2 là 132,43 tỷ đồng, nhóm 3 là 275,02 tỷ đồng, nhóm 4 là 13,18 tỷ đồng, nhóm 5 là 201,83 tỷ đồng; Ngân hàng HTX không điều chỉnh giảm dư nợ nhóm 1 là 245,8 tỷ đồng; tăng dư nợ nhóm 2 là 0,46 tỷ đồng, nhóm 3 là 16,02 tỷ đồng, nhóm 4 là 26,96 tỷ đồng, nhóm 5 là 202,36 tỷ đồng).
Kết quả kiểm toán điều chỉnh nhóm nợ tại PGB giảm dư nợ nhóm 1 là 45,49 tỷ đồng; tăng dư nợ nhóm 2 là 34,07 tỷ đồng, nhóm 3 là 9,62 tỷ đồng, nhóm 4 là 0,35 tỷ đồng, nhóm 5 là 1,45 tỷ đồng… Cùng đó, KTNN cũng nêu rõ, một số ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chưa chính xác như: PGB 114,46 tỷ đồng, Vietinbank 769,48 tỷ đồng, Ngân hàng HTX 240,99 tỷ đồng. Kết quả kiểm toán điều chỉnh tăng chi phí dự phòng tại PGB 4,21 tỷ đồng, Ngân hàng HTX 6,34 tỷ đồng; giảm chi phí dự phòng tại Ngân hàng Chính sách xã hội 5,14 tỷ đồng.
Tại báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2021 của KTNN gửi Quốc hội, KTNN cho biết, năm 2020, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, nhưng 15/16 tập đoàn, tổng công ty, công ty được kiểm toán sản xuất kinh doanh có lãi. Tuy nhiên, việc quản lý sử dụng vốn, tài sản của các doanh nghiệp được kiểm toán còn một số hạn chế, tồn tại. Một số đơn vị chưa xây dựng quy chế quản lý tiền, định mức tồn quỹ tiền mặt/tiền gửi ngân hàng, kế hoạch sử dụng dòng tiền hoặc quản lý dòng tiền chưa hiệu quả.
Tại PVGAS, công ty mẹ chưa cân đối dòng tiền từ các hợp đồng tiền gửi đến ngày đáo hạn khi xây dựng kế hoạch dòng tiền tháng/quý. Công ty mẹ, CTCP Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam, CTCP CNG Việt Nam để số dư tiền gửi không kỳ hạn vượt định mức, chuyển tiếp cùng kỳ hạn nhiều hợp đồng tiền gửi từ 3 đến 9 tháng. CTCP Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam và CTCP Kinh doanh LPG Việt Nam chưa chào lãi suất đến các tổ chức tín dụng khi gửi tiền.
Đồng thời, KTNN cũng chỉ ra một số công trình xây lắp hoàn thành nhiều năm chưa được nghiệm thu, quyết toán. Tại HUD, CTCP Đầu tư và Xây dựng HUD 3 là 46,64 tỷ đồng (Công trình Hệ thống thoát nước Bắc Ninh 15,98 tỷ đồng, Công trình Phần thô nhà công vụ cơ khí Quang Trung 24,73 tỷ đồng, Công trình Hạ tầng cụm KCN Đồng Mai 0,32 tỷ đồng, Công trình Kết cấu và hoàn thiện hỗn hợp tòa nhà HH1 Chúc Sơn 5,61 tỷ đồng)…
Một số đơn vị không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn (Công ty mẹ - Vinachem); mất cân đối tài chính (VNS: Công ty mẹ, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty TNHH MTV Thép tấm lá Phú Mỹ - VNSteel) hoặc bị đưa vào diện giám sát tài chính đặc biệt (Công ty CP Thép tấm Miền Nam, Công ty TNHH MTV Thép tấm lá Phú Mỹ - VNSteel, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty TNHH Tư vấn MDC - VNSteel, Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung, Công ty CP Thép tấm lá Thống Nhất, Công ty CP Tân Thành Mỹ, Công ty TNHH Natsteelvina).
Một số đơn vị đầu tư không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. Công ty mẹ - HUD, tỷ lệ cổ tức, lợi nhuận dự kiến được chia trên vốn đầu tư 4,34%, trong đó tỷ lệ cổ tức được chia từ 3 công ty con là 2-5%, 4 công ty con có lợi nhuận thấp không chia cổ tức, 1 công ty con có kết quả kinh doanh lỗ. Tại VNPT, Công ty mẹ gửi số tiền lớn nhiều kỳ hạn ngắn liên tiếp (gửi 10.700 tỷ đồng kỳ hạn 6, 7, 8 tháng và tiếp tục gửi kỳ hạn 4, 5, 6 tháng; gửi 960 tỷ đồng 2 lần kỳ hạn 06 tháng…), VNPT Vinaphone chưa gửi có kỳ hạn tiền chênh lệch thu chi hàng ngày. Công ty mẹ - VNS duy trì số dư tiền gửi không kỳ hạn ở mức cao (trên 63 tỷ đồng/ngày, giai đoạn từ ngày 12/10/2020 đến 28/12/2020 trên 152 tỷ đồng/ngày), chưa chào lãi suất đến các tổ chức tín dụng khi gửi tiền…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận