Kiểm toán Nhà nước băn khoăn thu - chi ngân sách 2021
Dự toán thu tiền sử dụng đất và từ dầu thô năm được Kiểm toán Nhà nước chú ý, trong khi dự toán chi đầu tư phát triển còn băn khoăn ở lập kế hoạch
Kiểm toán Nhà nước vừa có ý kiến về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020, dự toán NSNN và phân bổ ngân sách Trung ương (NSTW) năm 2021, gửi đến Quốc hội.
Những vấn đề của ngân sách năm 2020, dự toán 2021 và kế hoạch tài chính 5 năm tới cũng được báo cáo Quốc hội, chiều 20/10.
Dự toán thu tiền sử dụng đất 2021 bằng 92,1% so với ước thực hiện năm 2020, trong khi khoản này nhiều năm đều vượt cao so với dự toán giao.
Liên quan đến các khoản thu về nhà đất, năm 2020, theo báo cáo của Kiểm toán, ước thực hiện tăng 26,7 nghìn tỷ đồng (+21,4%), trong đó chủ yếu là do ước tăng thu tiền sử dụng đất (Chính phủ ước thu cả năm vượt 25,1 nghìn tỷ đồng, tăng 26,2% so với dự toán), tiền thuê đất, thuê mặt nước (ước thực hiện tăng 2.413 tỷ đồng, tăng 9,5% so với dự toán).
Tuy nhiên, theo Kiểm toán Nhà nước, Chính phủ cần phân tích kỹ khả năng thực hiện dự toán do qua kết quả kiểm toán 9 tháng đầu năm 2020 cho thấy còn một số địa phương miễn giảm tiền thuê đất chưa phù hợp quy định và chưa điều chỉnh đơn giá tiền thuê đất khi hết thời gian ổn định thuê đất...
Dự toán thu tiền sử dụng đất năm 2021 bằng 92,1% so với ước thực hiện năm 2020 khiến Kiểm toán Nhà nước băn khoăn, vì khoản thu này nhiều năm đều vượt cao so với dự toán giao. Cụ thể, năm 2018 là 172,1%: 147,8 nghìn tỷ đồng/85,9 nghìn tỷ đồng; năm 2019 là 129,9%: 116,9 nghìn tỷ đồng/90 nghìn tỷ đồng; năm 2020 dự kiến ước thực hiện 126% so với dự toán giao: 121 nghìn tỷ đồng/95,9 nghìn tỷ đồng.
Một khoản thu khác cũng khiến Kiểm toán Nhà nước còn băn khoăn, đó là dầu thô.
Dự toán thu dầu thô năm tới được lập trên cơ sở sản lượng khai thác trong nước 8 triệu tấn, giá dự toán 45 USD/thùng. Song thực tế sản lượng các năm qua đều tăng so với kế hoạch.
Dự toán thu từ dầu thô là 23,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,7% tổng thu cân đối NSNN, giảm 9,3 nghìn tỷ đồng so với ước thực hiện năm 2020, bằng 71,4% so với dự toán năm 2020.
Dự toán được lập trên cơ sở sản lượng khai thác trong nước 8 triệu tấn, giá dự toán 45 USD/thùng. Song thực tế sản lượng các năm qua đều tăng so với kế hoạch, do đó Kiểm toán nhà nước đề nghị Chính phủ đánh giá bổ sung cơ sở dự báo về kế hoạch khai thác dầu thô đồng thời quá trình tổ chức thực hiện cần bám sát tình hình dự báo về giá dầu của các tổ chức quốc tế.
Trong cơ cấu thu nội địa, Kiểm toán nhà nước nêu, thu từ 3 khu vực kinh tế (khu vực doanh nghiệp nhà nước; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; khu vực kinh tế ngoài quốc doanh) là các khoản thu chiếm tỷ trọng lớn và dự toán năm 2021 dự kiến tăng từ 6,7% đến 10,1% so với ước thực hiện năm 2020. Tuy nhiên Chính phủ cần phân tích đánh giá kỹ tình hình bối cảnh kinh tế cũng như tác động của cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với 3 khu vực kinh tế này, Kiểm toán Nhà nước có ý kiến.
Ngoài thu, Kiểm toán nhà nước cũng có ý kiến về dự toán chi ngân sách năm sau.
Chẳng hạn, dự toán chi đầu tư phát triển năm 2021 là 477,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 28,3% tổng chi NSNN, tăng 6,7 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2020. Tuy nhiên, báo cáo lập dự toán chi đầu tư phát triển năm 2021 của nhiều bộ, cơ quan trung ương tăng cao từ 40%-126% so với dự toán năm 2020; lập kế hoạch vốn chưa bám sát quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn NSNN giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08/7/2020.
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, Chính phủ dự kiến tỷ lệ bội chi năm 2021 khoảng 4% GDP điều chỉnh (tương ứng khoảng 5% nếu tính theo quy mô GDP chưa điều chỉnh), số bội chi NSNN là 343,67 nghìn tỷ đồng, tăng 108,87 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2020; nợ công dự kiến khoảng 46,1% GDP điều chỉnh và nợ Chính phủ 41,9% GDP điều chỉnh (tương ứng khoảng 59,6% và 53,2% nếu tính theo quy mô GDP chưa điều chỉnh).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận