24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Thu Miên
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Công ty ALC I

Kiểm toán viên của Công ty TNHH Deloitte Việt Nam bày tỏ sự nghi ngờ với khả năng hoạt động liên tục của Công ty Cho thuê tài chính I – Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (ALC I).

Nặng gánh vì công ty con, công ty liên kết

Ý kiến này được kiểm toán viên nêu ra tại báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) công bố.

Cụ thể, Công ty Cho thuê tài chính I – Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (ALC I) đã ghi nhận khoản lỗ luỹ kế lên tới 665 tỉ đồng, còn vốn chủ sở hữu âm 389 tỉ đồng tính tới 30-6-2020. Ngoài ra, khoản nợ phải trả đã quá hạn thanh toán của ALC I là 451 tỉ đồng – chủ yếu là nợ lãi phải trả cho Agribank – trị giá 430 tỉ đồng.

Dù doanh nghiệp này đã thực hiện đàm phán với các đối tác về việc thực hiện thanh toán và cơ cấu nợ, nhưng nợ lãi phải trả vẫn chiếm tới 71,9% tổng nợ phải trả.

“Những điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của ALC I”, kiểm toán viên của Deloitte Việt Nam kết luận.

Bên cạnh ALC I, Công ty CP Du lịch Thương mại Nông nghiệp Việt Nam (Agritour) – một doanh nghiệp do Agribank nắm giữ 23% cổ phần – cũng ghi nhận kết quả kinh doanh thua lỗ nhiều năm.

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Agritour giai đoạn 2017-2019 lần lượt là âm 67,3 triệu đồng, âm 1,42 tỉ đồng, âm 2,29 tỉ đồng.

Doanh nghiệp cũng rơi vào tình trạng cạn tiền mặt giá trị khoản mục tiền và tương đương tiền ở thời điểm cuối năm 2019 chỉ còn hơn 600 triệu đồng. Nguyên nhân được xác định là do lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh của Agritour âm 1,52 tỉ đồng, trong khi lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư chỉ đạt hơn 900 triệu đồng – không đủ để bù đắp cho kết quả lưu chuyển tiền thuần trong kỳ.

Theo lý giải của Agribank, nguồn thu của Agritour chủ yếu tới từ mảng kinh doanh thương mại xuất nhập khẩu và kinh doanh khách sạn. Nhưng việc Khách sạn Mỹ Lệ xuống cấp trầm trọng khiến lượng khách tiếp đón giảm dần, trong khi Agritour vẫn phải trả các chi phí vận hành. Năm 2019, tiền chi khác cho hoạt động kinh doanh của Agritour tăng hơn 19 tỉ đồng so với năm 2018, từ 10,7 tỉ đồng lên 29,7 tỉ đồng – một phần nguyên nhân khiến dòng tiền kinh doanh năm 2019 của doanh nghiệp âm.

Đáng chú ý, hơn 500 tỉ đồng của Agritour đã bị Công ty cổ phần Tập đoàn Quốc tế Năm Sao - cổ đông lớn nắm giữ 51,03% vốn điều lệ của doanh nghiệp - chiếm dụng nhiều năm chưa thể thu thu hồi.
Agribank đã có bốn lần thực hiện bán đấu giá cổ phần đang sở hữu tại Agritour nhưng không thành công.

Một tổ chức tín dụng khác cũng gặp khó khăn khi xử lý khoản nợ của Agritour là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Theo đó, Công ty Đấu giá Hợp danh Trường Thịnh sẽ đấu giá khoản nợ của Agritour vay tại BIDV - Chi nhánh Hàm Nghi với tổng dư nợ là hơn 438,9 tỉ đồng tính đến 3-10-2019, gồm: 331,9 tỉ đồng và dư nợ gốc và 107 tỉ đồng dư nợ lãi.

Mức giá khởi điểm là 368,73 tỉ đồng. Tài sản bảo đảm của khoản nợ trên là quyền sử dụng đất với diện tích 8.146,5 mét vuông - thuộc thửa đất số 50, tờ bản đồ số 51 tại Phường 2, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Thời hạn sử dụng đất đến tháng 12-2045, mục đích sử dụng là đất chuyên dùng, nguồn gốc sử dụng là giao đất có thu tiền sử dụng đất.

Trước đó, Công ty Trường Thịnh cũng từng thông báo đấu giá khoản nợ của Agritour tại BIDV với giá khởi điểm là 408,564 tỉ đồng nhưng không thành công.

Lợi nhuận suy giảm khi công tác thu hồi nợ “đi lùi”

Kết quả kinh doanh sáu tháng đầu năm 2020 ghi nhận những dấu hiệu thiếu tích cực khi thu nhập lãi thuần của Agribank sụt giảm 5% so với cùng kỳ năm 2019, chỉ đạt mức 20.272 tỉ đồng. Còn lãi từ hoạt động khác của Agribank – hoạt động thu hồi nợ đã xử lý - giảm 27,9% so với cùng kỳ năm 2019, xuống mức 2.694 tỉ đồng.
Trong bối cảnh đó, tổng chi phí hoạt động của ngân hàng tăng 10,8% lên 12.182 tỉ đồng. Còn chi phí dự phòng rủi to tín dụng giảm 24,9% so với cùng kỳ năm 2019, xuống còn 6.534 tỉ đồng.

Kết quả, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 6.947 tỉ đồng, giảm 10,9% so với cùng kỳ năm 2019. Tương tự, lợi nhuận sau thuế giảm 9,9%, xuống mức 5.556 tỉ đồng.

Tổng tài sản của Agribank ở mức 1,468 triệu tỉ đồng tính tới 30-6-2020, tăng 1,1% so với thời điểm đầu năm 2020. Trong đó, giá trị cho vay khách hàng ở mức 1,136 triệu tỉ đồng, tăng 1,2%. Còn tiền gửi của khách hàng ở mức 1,321 triệu tỉ đồng, tăng trưởng 4,1% so với thời điểm đầu năm.

Về chất lượng tín dụng, Agribank ghi nhận tổng dư nợ trị giá 1.135 triệu tỉ đồng tính tới 30-6-2020. Trong đó, có 24.463 tỉ đồng là nợ xấu, tăng 39,5% so với thời điểm đầu năm 2020.

Riêng nợ nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn – ở mức 17.285 tỉ đồng, tăng 39,4% so với đầu năm và chiếm 70,7% tổng nợ xấu. Vì vậy, tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay của ngân hàng này đã tăng từ mức 1,56% lên 2,15% sau nửa năm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả