Kiểm toán điểm tên địa phương sử dụng ngân sách sai quy định
Đà Nẵng và Hải Phòng là địa phương được Kiểm toán Nhà nước nhắc tới nhiều lần do sử dụng ngân sách do Trung ương giao và thực hiện miễn, giảm tiền thuê đất không đúng quy định.
Nhiều địa phương cho thuê đất không đúng quy định
Ý kiến của Kiểm toán Nhà nước về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2020 cho thấy, Chính phủ ước thực hiện thu 1,323 triệu tỷ đồng trong năm nay - giảm 189.200 tỉ đồng so với dự toán được giao và giảm 14,7% so với số thu thực hiện năm 2019.
Thu nội địa ước đạt 1.115 triệu đồng - hụt thu 148.500 tỉ đồng đồng, tương ứng mức giảm 11,7% so với dự toán giao. Nhưng điểm sáng là một số khoản thu khoản thu về nhà, đất; xổ số kiến thiết, thu hồi vốn, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu chi NHNN đều vượt dự toán giao với mức tăng lần lượt 26.700 tỉ đồng, 1.300 tỉ đồng, 8.200 tỉ đồng – tương ứng tỷ lệ tăng lần lượt là 21,4%, 4,1%, 6,9%.
Tương tự, khoản thu về nhà đất ước tăng 26.700 tỉ đồng do ước tăng thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước.
Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước vẫn đề nghị Chính phủ phân tích kỹ khả năng thực hiện dự toán do hai địa phương là Bà Rịa – Vũng Tàu và Đà Nẵng thực hiện miễn giảm tiền thuê đất chưa phù hợp quy định và chưa điều chỉnh đơn giá tiền thuê đất khi hết thời gian ổn định thuê đất, theo kết quả kiểm toán chín tháng đầu năm 2020. Tình trạng tương tựng cũng xuất hiện tại các địa phương, gồm: Lâm Đồng, Lạng Sơn, Hải Dương, Trà Vinh.
Thậm chí, Đà Nẵng tiếp tục được cơ quan kiểm toán nhắc tới khi đã miễn tiền thuê đất cho doanh nghiệp trong bối cảnh họ chậm làm thủ tục miễn và sử dụng đất nhưng chưa có quyết định thuê đất, hợp đồng thuê đất. Hai địa phương khác cũng để xảy ra tình trạng này là Hải Phòng và Gia Lai.
Còn Long An chưa thực hiện kê khai đầy đủ, kịp thời tiền thuê đất phải nộp một lần đối với đất đã cho thuê lại theo hình thức thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê trước ngày 1-7-2014 theo quy định. Cuối cùng, Bến Tre đã cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất đối với đất sử dụng cho thương mại, dịch vụ chưa đúng theo quy định, theo Kiểm toán Nhà nước.
Với nguồn thu hồi vốn ngân sách đầu tư tại các tổ chức kinh tế, ước thực hiện chín tháng đầu của năm 2020 chỉ đạt 15,2% số dự toán là dự toán thu 45.000 tỉ đồng khi mới có bảy doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa.
Với nguồn thu cổ tức, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi NHNN, số ước thực hiện cả năm là 81.300 tỉ đồng - vượt 7.900 tỉ đồng so với dự toán. Nhưng do nguồn thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước dự kiến hụt thu khoảng 21,8% - trong bối nhiều doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ - nên Kiểm toán Nhà nước vẫn kiến nghị Chính phủ cần đánh giá sát hơn về số ước thực hiện năm nay.
Với nguồn thu từ dầu thô, ước thực hiện giảm 32,5 nghìn tỷ đồng – giảm 7,7% so với dự toán và giảm 42,2% so với số thu đã thực hiện năm 2019. Trong đó, giá dầu dự kiến bình quân cả năm 45 USD một thùng - giảm 15 USD một thùng so với giá dự toán - với sản lượng thanh toán cả năm ước đạt 9,4 triệu tấn, vượt 380 nghìn tấn so với kế hoạch.
“Đề nghị Chính phủ cân nhắc giá dầu dự kiến trong những tháng cuối năm cũng như việc ước sản lượng thanh toán cả năm vượt so với dự toán”, Kiểm toán Nhà nước nêu ý kiến.
Với nguồn nhu viện trợ, số thực hiện sáu chín tháng đầu của năm 2020 ước đạt 828 tỷ đồng - bằng 16,6% dự toán. Do vậy, cơ quan kiểm toán cho rằng Chính phủ cần có phân tích, đánh giá sát hơn về khó khăn, thuận lợi trong quá trình thực hiện dự toán.
Về nợ thuế, dù cơ quan thuế đã có nhiều tích cực trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý thu hồi nợ đọng thuế song kết quả kiểm toán kết quả ngân sách địa phương tính đến 30-9-2020 vẫn cho thấy, ba địa phương là Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Bình, Lạng Sơn chưa báo cáo đầy đủ nợ đọng thuế, thực hiện chưa triệt để các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định. Thêm vào đó, số nợ thuế qua kiểm toán phát hiện tăng thêm tính đến 31-12-2019 lên tới 1.920 nghìn tỉ đồng, gồm: 1.378 tỉ đồng phát hiện tại Đà Nẵng; tỉnh Bắc Ninh 373 tỷ đồng; Lạng Sơn 93 tỷ đồng; Hà Tĩnh 38 tỷ đồng; Lâm Đồng 35 tỷ đồng.
Sử dụng tiền tăng thu sử dụng đất cho chi thường xuyên
Cũng trong chín tháng của năm 2019, cơ quan kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính - giảm chi ngân sách nhà nước 10.700 tỉ đồng tính đến 30-9-2020.
Lý giải kiến nghị này, Kiểm toán Nhà nước cho biết, một số bộ, cơ quan trung ương chưa thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước về xử lý số dư kinh phí và số dư dự toán chuyển năm sau, gồm: Bộ Giao thông vận tải với giá trị 1.224,047 tỉ đồng; Toà án Nhân dân Tối cao với giá trị 3,272 tỉ đồng; Bộ Xây dựng với giá trị 17,190 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, một số địa phương giao dự toán chi sự nghiệp giáo dục đào tạo và dạy nghề thấp hơn dự toán Trung ương giao, điển hình là Hải Phòng chỉ giao 3.736,5 tỷ đồng trong tổng số 4.553,4 tỉ đồng được Trung ương giao. Con số này tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Lâm Đồng là 2.134 tỉ đồng trên 2.380 tỉ đồng và 3.741,3 tỉ đồng trên 3.744 tỉ đồng.
Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, Hải Phòng cũng được Kiểm toán Nhà nước nhắc tới khi chỉ giao 74 tỉ đồng trên tổng số 97 tỉ đồng được Trung ương giao.
Một số địa phương sử dụng sai nguồn, gồm: Long An - 209 tỉ đồng; Lâm Đồng - 99,2 tỉ đồng; Trà Vinh - 20,4 tỉ đồng; Ninh Bình - 17,3 tỉ đồng. Trong đó ba địa phương đã sử dụng nguồn tăng thu, thu sử dụng đất để bổ sung chi thường xuyên là Long An, Hà Tĩnh, Ninh Bình với giá trị lần lượt là 209 tỉ đồng, 6,7 tỉ đồng, 2,9 tỉ đồng.
Ngoài ra, còn trường hợp kéo dài kế hoạch vốn đầu tư từ năm 2018 sang năm 2020 không đúng quy định như Hải Phòng kéo dài kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ với giá trị 135,6 tỉ đồng vốn, Cao Bằng kéo dài kế hoạch vốn ngân sách trung ương với giá trị 92,2 tỉ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận