24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Bich
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Kiểm soát rủi ro cho vay tiêu dùng

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2016/TT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính.

Đây đang được xem là động thái mới nhằm kiểm soát rủi ro trong hoạt động cho vay tiêu dùng.

Dự thảo Thông tư quy định rõ các hình thức giải ngân cho vay tiêu dùng của công ty tài chính bao gồm 2 hình thức. Đó là, giải ngân thông qua bên thụ hưởng.

Kiểm soát rủi ro cho vay tiêu dùng

Quy định này nhằm tách bạch hoạt động cho vay tiêu dùng giải ngân thông qua bên thụ hưởng và cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay. Ảnh minh họa: TTXVN

Với hình thức này, công ty tài chính giải ngân bằng tiền mặt cho bên thụ hưởng (bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ) hoặc chuyển số tiền giải ngân vào tài khoản thanh toán của bên thụ hưởng trên cơ sở hàng hóa, dịch vụ đã cung ứng cho khách hàng để tiêu dùng và theo thỏa thuận tại hợp đồng cho vay tiêu dùng.

Thứ hai là giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay. Cụ thể, công ty tài chính giải ngân bằng tiền mặt cho khách hàng vay hoặc chuyển số tiền giải ngân vào tài khoản thanh toán của khách hàng vay theo thỏa thuận tại hợp đồng cho vay tiêu dùng.


Ngân hàng Nhà nước khẳng định, quy định này nhằm tách bạch hoạt động cho vay tiêu dùng giải ngân thông qua bên thụ hưởng và cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay, tạo cơ sở kiểm soát việc cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay.


Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, căn cứ thực trạng cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tại Việt Nam, cho vay giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay có rủi ro cao, khó kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay.

Vì vậy để đảm bảo cho vay tiêu dùng phát triển bền vững, lành mạnh, hiệu quả, cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay nên hướng đến khách hàng đã vay tại công ty tài chính và có lịch sử trả nợ tốt.

Trên cơ sở đó, dự thảo Thông tư quy định công ty tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4a Thông tư này đối với khách hàng đã và đang vay tại công ty tài chính đó, được đánh giá có lịch sử trả nợ tốt theo quy định nội bộ của công ty tài chính và không có nợ xấu theo kết quả phân loại nhóm nợ của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam đến thời điểm gần nhất tính từ thời điểm ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.


Dự thảo Thông tư cũng nêu rõ, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4a Thông tư này không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính.


Như vậy, với dự thảo này, hoạt động cho vay tiêu dùng tại các công ty tài chính sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn, hình thức cho vay bằng tiền mặt cũng sẽ bị hạn chế.

Nhiều phân tích cho rằng, việc đưa ra các quy định mới này là cần thiết để hướng đến chất lượng tín dụng và hình thành khuôn khổ kiểm soát rủi ro cho công ty tài chính.

Bởi đây là loại hình vay tín chấp, thủ tục nhanh và không cần chứng minh mục đích vay, là phân khúc dễ phát triển dư nợ, nhưng rủi ro cao và khó kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng khẳng định, động thái sửa đổi Thông tư về cho vay tiêu dùng là tốt, trong dự thảo cũng có rất nhiều điểm tiến bộ, khả thi và phù hợp với tình hình thực tiễn.

Xét ở góc độ mục đích sửa đổi Thông tư, những điểm mới trong dự thảo này mang ý nghĩa hạn chế giải ngân bằng tiền mặt nhằm giảm rủi ro cho tổ chức tín dụng, công ty tài chính đồng thời cũng hạn chế việc sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế.

Quy định này hỗ trợ trong việc quản lý rủi ro tín dụng trên toàn lãnh thổ và trên toàn hệ thống cho vay tín dụng.

Theo nhận định của Công ty chứng khoán Vietcombank, với dự thảo này Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra thông điệp khá rõ ràng rằng nhà điều hành đang trong quá trình nỗ lực đẩy lùi tín dụng đen nhưng không vì vậy mà các công ty tài chính tiêu dùng có thể nới lỏng chế độ quản trị rủi ro tín dụng.

Các công ty tài chính phải tuân thủ các quy định an toàn của hệ thống ngân hàng để đảm bảo tăng trưởng trong dài hạn.

Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng với dự thảo này nhà điều hành nên cân nhắc thêm khi hạn chế giải ngân trực tiếp cho khách hàng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích, trong một nền kinh tế, GDP chịu tác động tích cực bởi chỉ số tiêu dùng. Nếu cho vay tiêu dùng phát triển, sẽ hỗ trợ vấn đề phát triển nền kinh tế. Vì vậy, nếu hạn chế cho vay, giải ngân bằng tiền mặt sẽ giảm tín dụng tiêu dùng.

Vị chuyên gia này dẫn chứng, thực tế, có một số nhu cầu tiêu dùng của người dân cần giải ngân bằng tiền mặt. Giả sử người dân đi vay tiền để thanh toán viện phí.

Nếu vay tại công ty tài chính nhưng bản thân công ty tài chính bị khống chế 30% giải ngân tiền mặt nên không thể giải ngân được thì khách hàng sẽ phải đi vay "tín dụng đen" để phục vụ cho chi phí nóng.

Chính vì thế, việc giới hạn giải ngân về tiền mặt sẽ không hỗ trợ giải quyết "tín dụng đen" nếu có trần khống chế 30%. Do vậy, một số nhu cầu về tiêu dùng phải để cho khách hàng tùy chọn cách sử dụng. Họ có thể dùng thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng hoặc bằng tiền mặt. Và đó là quyền lựa chọn của khách hàng.

"Dù dự thảo đưa ra các điểm nhằm hạn chế rủi ro và kiểm soát mục đích sử dụng của khách hàng nhưng khi bước vào nền kinh tế thị trường, nên để cho tổ chức tín dụng tự điều chỉnh và quyết định. Bởi họ mới chính là người trực tiếp chịu rủi ro nếu không xét tới nhu cầu, khả năng trả nợ của khách hàng", TS. Nguyễn Trí Hiếu khẳng định.


Đại diện một công ty tài chính cho biết, hiện tại đa số các công ty tài chính vẫn chủ yếu giải ngân qua tài khoản ngân hàng hoặc cho bên bán hàng. Bên cạnh đó còn có thêm giải pháp giải ngân qua ví điện tử như Momo. Chính vì vậy, vấn đề hạn chế giải ngân bằng tiền mặt theo dự thảo Thông tư có thể khắc phục được.


Tuy nhiên, vị này cũng cho biết, muốn phát triển khách hàng mới, đặc biệt là phân khúc khách hàng chưa có giao dịch chính thức qua tổ chức tín dụng cấp phép, tức chưa có thông tin tài khoản riêng thì quy định này sẽ không hợp lý. Đây chính là điểm bất cập bởi phân khúc khách hàng này hiện chiếm thị phần rộng lớn.


TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cũng nhận định, các quy định về giải ngân trực tiếp mà dự thảo đưa ra mới chỉ là biện pháp mang tính chất tình thế. Về lâu dài, cơ quan chức năng nên để thị trường quyết định, các công ty tài chính tiêu dùng tự quyết định trên cơ sở "khẩu vị" rủi ro của mình cũng như theo quy luật cung cầu. Nhưng trước mắt, việc có một số biện pháp định hướng, kiểm soát, góp phần phát triển lành mạnh thị trường cho vay tiêu dùng được xem là cần thiết./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả