Kiểm soát chặt người ra, vào TP.HCM bằng mã QR
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu kiểm soát chặt người ra, vào TP.HCM bằng mã QR cá nhân tích hợp khai báo y tế, kết quả xét nghiệm, tiêm vắc-xin nhưng phải đảm bảo lưu thông hàng hóa.
TP.HCM đã trải qua 35 ngày giãn cách xã hội, tuy nhiên tình hình dịch bệnh vẫn hết sức phức tạp khi ghi nhận hàng trăm ca mỗi ngày. Tính đến tối ngày 5/7, tổng số ca nhiễm Covid-19 ghi nhận tại TP.HCM từ ngày 27/4 đến nay là 6.675 ca, vượt Bắc Giang và dẫn đầu cả nước.
Tại buổi làm việc của Ban chỉ đạo chống dịch quốc gia và lãnh đạo TP.HCM ngày 5/7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng số ca bệnh tại TP.HCM đang tăng nhanh cần thực hiện các giải pháp quyết liệt và đồng đều từ các cấp cơ sở. Trong đó, cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ người ra, vào TP.HCM nhưng phải đảm bảo lưu thông hàng hóa, không bị ách tắc.
Cùng với việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 10, Phó thủ tướng yêu cầu TP.HCM khẩn trương thống nhất với Bộ Y tế, các địa phương lân cận để có phương án kiểm soát chặt chẽ người đi đến, xe chở hàng hóa ra vào thành phố... và phải thông báo ít nhất trước 24 tiếng đồng hồ cho người dân nếu có quy định mới.
Những người thật cần thiết đến TP.HCM phải được xét nghiệm, khai báo y tế. Còn người ở thành phố (những vùng cách ly, phong tỏa) về các tỉnh thành phải được cách ly.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý về thực hiện hướng dẫn người dân khi đi lại phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Còn nhiều phản ánh ở một số địa phương, nhất là TPHCM, cho thấy việc tổ chức xét nghiệm còn chưa thuận lợi, cần chấn chỉnh tình trạng này.
Bộ Thông tin và truyền thông cùng với Bộ Y tế được yêu cầu sớm thực hiện việc tích hợp kết quả xét nghiệm, tiêm vắc-xin của người dân vào mã QR cá nhân, tạo thuận lợi cho các điểm kiểm soát người ra, vào vùng dịch.
Cũng tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Huy Dũng khẳng định về mặt công nghệ, tất cả người dân đều đã được cấp mã QR qua các ứng dụng như khai báo y tế hay Bluezone, NCOVI. Người dân chỉ cần quét điện thoại chứa mã QR khi đi qua các điểm kiểm soát.
Về việc xét nghiệm tại TP.HCM, Phó thủ tướng đề nghị thành phố cần kết hợp các công nghệ xét nghiệm, ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, “trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả nhất, không chạy theo số lượng”, phục vụ công tác truy vết, phát hiện nhanh ca nhiễm.
“Tuyệt đối không để tình trạng lấy mẫu nhiều nhưng không xét nghiệm kịp do công suất xét nghiệm không đáp ứng được hoặc không có đủ thông tin. Kết quả xét nghiệm phải đầy đủ thông tin, bao gồm cả nồng độ virus, để phục vụ công tác truy vết”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Bên cạnh đó, đối với người dân có nhu cầu đi lại, thành phố phải có phương án thông báo kết quả xét nghiệm cho người dân.
Được biết, nằm cạnh TP.HCM, tỉnh Đồng Nai đã có quy định từ ngày 5/7, người qua lại TP.HCM, Bình Dương đến các chốt kiểm dịch ở cửa ngõ Đồng Nai đều bị kiểm tra giấy xác nhận âm tính Covid-19.
Về tình hình dịch bệnh tại TP.HCM, Phó chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức cho biết, các quận, huyện tăng 40 ca/ngày/100.000 dân gồm: quận 1; 3; 7; 8; 9; Bình Tân; huyện Bình Chánh. Các quận, huyện có số ca tăng 20 - 40 ca/ngày/100.000 dân gồm: quận 5; 10; 11; Tân Bình; Tân Phú; huyện Nhà Bè và TP. Thủ Đức. Quận 6; 12; Bình Thạnh; Cần Giờ; Củ Chi; Gò Vấp; Phú Nhuận có dưới 20 ca/ngày/100.000 dân.
Qua phân tích, giai đoạn trước, các ca phát hiện qua tầm soát trong cộng đồng ở bên ngoài khu phong tỏa, cách ly chiếm đến 75%; tuy nhiên, trong những ngày gần đây, chỉ còn 17%, còn hơn 80% các ca phát hiện qua việc khám tầm soát bệnh nhân đến các bệnh viện.
“Thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 10 là một trong những yếu tố quyết định giảm sự phân tán của virus”, theo ông Đức.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, trong thời gian tới, thành phố sẽ đẩy mạnh điều tra dịch tễ, truy vết nhanh F0, cách ly tập trung F1 được thực hiện trong thời gian ngắn, ngành y tế đặt mục tiêu trong vòng 1 giờ khi phát hiện F0, phải truy vết xong các F1; tiến hành xét nghiệm lặp lại từ 1-3 ngày/lần ở những khu có nguy cơ cao.
Đồng thời, TP.HCM tăng cường quản lý giám sát phòng, chống dịch bệnh trong các khu công nghiệp khi 9/15 khu công nghiệp của thành phố đã phát sinh các ca mắc Covid-19, các ổ dịch với số lượng ngày càng lớn; đồng thời kiểm soát tốt khu lưu trú, ký túc xá, nơi công nhân thuê trọ.
Trước đó, tại cuộc họp chiều ngày 4/7 với Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo Bộ Y tế đã đánh giá TP.HCM đang gặp khó trong chiến lược xét nghiệm tầm soát diện rộng. HCDC đang quá tải, thời gian trả kết quả xét nghiệm chậm.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị thành phố tổ chức lại vấn đề xét nghiệm, lập các bộ phận xét nghiệm tại quận huyện và giao về địa phương tự điều phối.
Bộ khuyến cáo thành phố tăng sử dụng test kháng nguyên nhanh, kết hợp với xét nghiệm gộp mẫu và rút ngắn thời gian trả kết quả trong 6 giờ. Ngành y tế dự báo thời gian tới TP.HCM còn ghi nhận các ca nhiễm mới do mầm bệnh đã âm thầm lây lan trong cộng đồng, đặc biệt ở các khu nguy cơ cao như nhà máy, khu công nghiệp, chợ dân sinh.
Mới đây nhất, Công ty TNHH Nidec Sankyo với 4.000 công nhân ở khu công nghệ cao, TP. Thủ Đức, phát hiện thêm 119 ca dương tính Covid-19, nâng số ca nhiễm, nghi nhiễm tại đây lên 238.
Theo thống kê của Liên đoàn lao động TP.HCM, đến ngày 1/7 đã có gần 20.000 công nhân, lao động phải ngừng việc do Covid-19. Trong đó có gần 1.000 công nhân là F0, hơn 6.700 F1 và gần 12.000 F2.
TP.HCM có 1,6 triệu công nhân và lao động, trong đó 17 khu công nghiệp, khu chế xuất và một khu công nghệ cao tổng cộng hơn 320.000 người. Thời gian qua các nhà máy ở khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân), Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh), Tân Phú Trung (Củ Chi), Tân Thuận (quận 7)... phát hiện nhiều ca nhiễm, bị phong tỏa, ngừng sản xuất.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận