Kiếm 100 triệu đồng, gửi tiết kiệm ngay 50 triệu
Mỗi khi nhận tiền lương, tôi chuyển ngay 50 triệu đồng sang tài khoản tiết kiệm và chi tiêu phần còn lại, không phải chắt bóp đến mức mệt mỏi.
Gần đây, có nhiều tranh luận về câu chuyện tiết kiệm và chi tiêu. Tôi cũng muốn chia sẻ một chút về các quản lý chi tiêu của mình, hy vọng sẽ đóng góp thêm một vài gợi ý cho các bạn độc giả.
Vợ chồng tôi đang nuôi một con nhỏ đi học. Bản thân tôi đang đi làm, thu nhập hàng tháng duy trì ổn định được khoảng 90-100 triệu đồng. Vì hai vợ chồng tôi thống nhất tài chính riêng biệt nên tôi cũng không biết chính xác chồng kiếm được bao nhiêu tiền. Chỉ biết là mỗi tháng chồng tôi cũng đóng góp 15 triệu đồng vào quỹ chi tiêu chung của cả gia đình (bao gồm 10 triệu đưa cho vợ tự quản lý và 5 triệu đóng phí dịch vụ ở chung cư, phí gửi xe và tiền điện, nước).
Còn tôi là người lo toàn bộ tiền quần áo, ăn uống hàng ngày, học hành của con cái và thuốc men, khám bệnh của ba người trong gia đình nếu có ai bị ốm đau. Mỗi cuối tháng nhận tiền lương, tôi luôn chuyển khoản ngay 50 triệu đồng sang tài khoản tiết kiệm, đồng thời mua hai chỉ vàng để cất dành. Phần còn lại, tôi sẽ dùng để chi tiêu sinh hoạt của gia đình, biếu xén hai bên nội ngoại và đóng tiền học cho con.
Mỗi tháng, tôi thuê giúp việc đến dọn nhà bốn lần, chi phí một triệu đồng. Thỉnh thoảng, tôi lại có tiền thưởng hoặc tiền làm thêm bên ngoài. Tuy không nhiều lắm nhưng khoản này cũng đủ để gia đình tôi đi ăn nhà hàng vào ngày cuối tuần, hoặc mua sắm quần áo cho các thành viên.
Nhờ tài khoản tiết kiệm được đều nên sau một năm tôi cũng tích lũy được gần 100 triệu đồng tiền lãi ngân hàng. Số tiền này, tôi để riêng ra để cả nhà cũng nhau đi du lịch trong năm. Khi tiền tiết kiệm được nhiều, tôi sẽ chuyển sang mua đất để bảo toàn tài sản, không lo tiền bị mất giá.
Thế nên, kinh nghiệm quản lý tài chính của tôi là hãy để riêng tiền tiết kiệm ra một bên, không động đến, và chỉ chi tiêu số tiền còn lại. Đồng thời, tôi cũng chia số tiền chi tiêu hàng tháng thành các khoản riêng biệt, tránh bị tiêu lẫn, tiêu nhầm, dẫn tới bị quá tay. Với tôi, tích tiểu rồi sẽ thành đại. Có ít thì tiết kiệm ít, có nhiều thì tiết kiệm nhiều, và chi tiêu một cách ổn định, vừa phải.
Tất nhiên, tiết kiệm không có nghĩa là phải quá chắt bóp, hà tiện, không dám chi tiêu cả những thứ cơ bản. Bạn và gia đình vẫn phải ăn uống, sinh hoạt phù hợp với số tiền mà mình kiếm được, có như vậy cuộc sống mới không quá áp lực, mệt mỏi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận