24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Cao Đức Giang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

KIDO Foods trở lại đường đua

Cổ phiếu KDF của Công ty cổ phần Thực phẩm đông lạnh KIDO (KIDO Foods) ghi nhận mức tăng ấn tượng hơn 60% từ đầu năm đến nay. Cơ sở tăng giá của cổ phiếu là kết quả kinh doanh tích cực trở lại sau năm 2018 không như kỳ vọng.

6 tháng, KDF hoàn thành 79% kế hoạch cả năm

Ngay từ quý I - mùa thấp điểm, KDF đã báo cáo cổ đông kết quả kinh doanh tích cực, giảm bớt phần nào nỗi lo âu của giới đầu tư đối với một năm kinh doanh không hiệu quả trước đó. Doanh thu quý I/2019 của KDF đạt 266 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2018 nhờ sự tăng trưởng tích cực của ngành kem (tăng 37,4%), qua đó bù đắp cho sự sụt giảm của ngành sữa chua vì áp lực cạnh tranh gay gắt trong ngành. Nhờ doanh số tăng nên giá vốn trên mỗi đơn vị sản phẩm giảm, lợi nhuận gộp đạt 151 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ. Trong quý II, KDF đạt doanh thu 500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 95 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Công ty đạt 119 tỷ đồng lợi nhuận, hoàn thành 79% kế hoạch cả năm.

Điểm đáng lưu ý nhất trong kết quả kinh doanh của KDF chính là biên lợi nhuận gộp được cải thiện dần từ quý IV/2018 đến nay, đặc biệt là quý II/2019 vừa qua, biên lợi nhuận gộp đạt 62%, cao nhất trong 6 quý gần nhất. Kết quả này đang đặt ra cho cổ đông niềm hy vọng mới, KDF sẽ đạt và vượt kế hoạch kinh doanh năm 2019.

Theo chia sẻ từ lãnh đạo Công ty, để đạt được kết quả này, KDF đã kịp thời đưa ra các quyết sách kinh doanh trong bối cảnh thị trường có diễn biến bất lợi, đồng thời có những chiến thuật để duy trì được thị phần dẫn đầu trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt.

KIDO Foods trở lại đường đua

Năm ngoái, theo dự báo của Euromonitor, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) sẽ có mức tăng trưởng khoảng 6-7%. Bản thân doanh nghiệp trong ngành này là KDF cũng nhìn nhận, thị trường FMCG sẽ tăng trưởng tốt, do đó đã triển khai các hoạt động nhằm chuẩn bị cho chiến lược mở rộng ngành hàng. Thực tế thì xu hướng tăng trưởng giảm diễn ra từ cuối năm 2017, khi quý III/2017 tăng 6,9% nhưng đến quý IV chỉ còn tăng 1,3%. Quý I/2018, ngành FMCG tăng trưởng âm, trung bình cả năm tăng trưởng 1,9% - cách rất xa so với các dự báo trước đó.

Bên cạnh đó, ngành kem có nhiều thương hiệu nước ngoài ồ ạt vào thị trường Việt Nam và phát triển nhanh chóng bằng các cửa hàng kem ở những trung tâm thương mại lớn trên toàn quốc. Sự cạnh tranh từ các đối thủ lâu năm trên thị trường tiếp tục quyết liệt và năm 2018 có sự gia nhập thương hiệu mới là TH true ice cream. Ngoài ra, thời tiết mưa bão nhiều cũng không thuận lợi cho ngành.

Trong khi đó, đối với sản phẩm sữa chua hộp, cuộc đua khuyến mãi tiếp tục tăng nhiệt và mặt hàng sữa chua bịch gặp thách thức với vấn đề hàng nhái ở các cơ sở địa phương.

Riêng với ngành thực phẩm lạnh, theo KDF, giá thịt lợn biến động đột ngột, có những thời điểm tăng 2 - 3 lần, nhưng sức mua trên thị trường sụt giảm nên doanh nghiệp trong ngành không đạt kết quả kinh doanh như kỳ vọng.

Trước tình hình thị trường khó khăn, Hội đồng quản trị KDF đã đưa ra các đối sách, thay đổi chiến lược kinh doanh ngay từ giữa năm 2018. Bà Trần Thị Thùy Linh, Phó tổng giám đốc KDF chia sẻ, Công ty chủ động hoãn lại kế hoạch ra mắt các sản phẩm mới khi nhận thấy những bất lợi từ thị trường và tình hình giá nguyên liệu tăng mạnh. Đồng thời, KDF duy trì và đẩy mạnh các sản phẩm chủ chốt, chủ yếu trên các kênh bán hàng hiện đại.

Cụ thể, đối với ngành kem, KDF cắt giảm đầu tư mới, tập trung cho sản phẩm cốt lõi, ra mắt sản phẩm mới có chọn lọc; sắp xếp sản xuất phù hợp giữa 2 nhà máy hai miền Nam - Bắc khi vào mùa kinh doanh thấp điểm nhằm giảm định phí trong sản xuất; kiểm soát chặt chẽ những chi phí không mang lại hiệu quả lợi nhuận.

Với sữa chua, phương châm của KDF là “giữ vững nóc nhà”. Theo đó, Công ty quyết định đứng ngoài cuộc đua giảm giá và khuyến mãi trên thị trường để bảo toàn lợi nhuận và tạm hoãn tung ra sản phẩm mới.

Còn ngành hàng lạnh, Công ty duy trì các sản phẩm hiện hữu trên các kênh bán hàng hiện đại; chờ đợi thời cơ thích hợp để ra mắt các sản phẩm mới.

Kết quả đạt được đã phần nào chứng minh định hướng cũng như những thay đổi chính sách kịp thời của Hội đồng quản trị KDF là đúng đắn và hiệu quả. Điều này còn cho thấy mức độ chuyển mình, thích nghi và bứt tốc của KDF.

Tập trung sản phẩm có biên lợi nhuận cao

Ông Trần Kim Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị KDF cho biết, ngành lạnh là một ngành cần đầu tư lớn mới có doanh thu, những khoản đầu tư cần thiết là xe lạnh, kho lạnh, thiết bị, hệ thống lạnh… Năm 2018, KDF triển khai hàng loạt dự án đầu tư cho ngành lạnh, nhưng diễn biến thị trường không thuận lợi nên Công ty đã chủ động giảm đầu tư, tập trung phát triển sản phẩm cốt lõi, có lợi thế. Với kết quả kinh doanh cải thiện trong nửa đầu năm 2019, KDF đã vững tin hơn về khả năng thực hiện kế hoạch mà Đại hội đồng cổ đông giao phó.

Năm 2019, ngành lạnh bị tác động từ các yếu tố lương tối thiểu, giá xăng dầu, điện… đều tăng. Nguyên liệu chính của ngành là bột sữa cũng đã tăng giá 30%. Dù vậy, KDF tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng của ngành kem (dự báo của Euromonitor là tăng trưởng kép 7% trong giai đoạn 2017 - 2022). Ngoài ra, mức chi tiêu bình quân của người Việt Nam cho thực phẩm lạnh hiện chỉ đạt 2 USD/người, thấp hơn nhiều so với hầu hết các nước trong khu vực như Singapore là 18 USD/người, Malaysia là 6 USD/người…, trong khi Việt Nam có nền kinh tế tăng trưởng, tốc độ đô thị hóa tăng, thu nhập bình quân đầu người tăng, là những điều kiện tốt cho ngành tăng trưởng.

Bản thân KDF qua 16 năm hình thành và phát triển đã tích lũy nội lực vững vàng với sự am hiểu ngành, quản trị tốt, hệ thống phân phối ngành hàng lạnh với 70.000 điểm bán trên toàn quốc, 50.000 tủ kem, xuất hiện trên 3.500 cửa hàng tiện lợi. Nhanh nhạy và năng động, KDF cũng đã nắm bắt được xu hướng mở rộng kênh bán hàng hiện đại khi tốc độ tăng trưởng của các cửa hàng tiện ích và minimart ngày càng gia tăng. Celano và Merino là hai nhãn hàng có mức độ nhận diện cao và được người tiêu dùng Việt yêu thích nhất hiện nay của KDF.

Mục tiêu của KDF là trở thành công ty thực phẩm đông lạnh số 1 tại Việt Nam. Theo đó, Công ty đề ra chiến lược cho ngành kem tập trung vào nhóm sản phẩm kem cốt lõi, vòng quay bán hàng nhanh, biên lợi nhuận cao, với 4 phân khúc. Phân khúc phổ thông, trung cấp đều có nhãn hàng là Merino, mục tiêu dẫn đầu hai phân khúc này thông qua việc cải tiến chất lượng, ưu tiên hướng đến sản phẩm có hương vị truyền thống, phù hợp khẩu vị vùng miền, thay đổi bao bì bắt mắt hơn. Phân khúc cận cao cấp và cao cấp có nhãn hàng là Celano. Chiến lược của KDF với 2 phân khúc này là đẩy mạnh sản phẩm cao cấp, cải thiện chất lượng ngon hơn và tương đương sản phẩm ngoại nhập. Trong năm 2018, KDF đã thành công với kem cá, có chất lượng không thua kém kem nhập khẩu của nhiều thương hiệu lớn. Đồng thời, KDF hướng đến xu hướng tiêu dùng của giới trẻ hiện nay, để đón đầu trào lưu mới.

Sản phẩm sữa chua sẽ được KDF cơ cấu lại danh mục sản phẩm, thâm nhập lại thị trường. Thực phẩm lạnh thì chỉ chờ điều kiện thị trường cải thiện sẽ nhanh chóng mở rộng quy mô kinh doanh.

Năm 2019, KDF tự tin với kế hoạch doanh thu 1.464 tỷ đồng, tăng hơn 16% và lợi nhuận trước thuế 150 tỷ đồng, tăng 376% so với năm 2018; cổ tức dự kiến 12%.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả