Kịch tính như khủng hoảng thịt lợn ở Trung Quốc
Cú đảo chiều kịch tính từ tăng cao sang giảm sâu của giá thịt lợn ở Trung Quốc được giới phân tích xem là một trường hợp kinh điển của công thức “giá cao là phương thuốc tốt nhất để điều trị giá cao”. Tuy nhiên, "phương pháp điều trị” này có vẻ hơi quá đà...
Năm 2019, dịch tả lợn châu Phi đã đẩy Trung Quốc vào một cuộc khủng hoảng khan hiếm thịt lợn chưa từng có tiền lệ, khiến giá thịt lợn ở nước này leo thang chóng mặt. Nhưng chỉ hơn một năm sau, tình thế đảo chiều 180 độ: quốc gia đông dân nhất thế giới rơi vào cảnh thừa mứa thịt lợn, đến nỗi giá loại thực phẩm này cũng giảm nhanh không kém khi tăng.
Giá thịt lợn ở Trung Quốc bắt đầu nhảy vọt từ khoảng cuối tháng 5/2019, tăng từ mức xấp xỉ 25 Nhân dân tệ/kg lên đỉnh gần 60 Nhân dân tệ/kg vào cuối tháng 2/2020, tương đương tăng gấp hơn 2 lần chỉ trong vòng 9 tháng.
Tiếp đó, giá thịt giằng co ở vùng đỉnh cho tới cuối năm 2020. Trong lúc đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới, giá nhiều hàng hoá sụt giảm mạnh nhưng giá thịt lợn ở Trung Quốc hoàn toàn đi ngược xu hướng.
KHI VÒNG XOÁY GIẢM GIÁ XUẤT HIỆN
Giờ đây, giá thịt lợn ở Trung Quốc vẫn đang đi ngược xu hướng, nhưng theo một chiều hoàn toàn khác. Giá hàng hoá toàn cầu năm nay tăng mạnh vì sự phục hồi kinh tế sau cú sốc Covid-19, nhưng giá thịt lợn ở Trung Quốc lại đang lao dốc. Từ đầu năm đến nay, giá thịt lợn ở nước này đã giảm quá 50%, hiện còn dưới 20 Nhân dân tệ/kg.
Nhà nghiên cứu Li Guoxing thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc dự báo sản lượng thịt lợn của Trung Quốc có thể đạt 50 triệu tấn trong năm 2021, tăng 20% so với năm 2020.
Cú đảo chiều kịch tính từ tăng cao sang giảm sâu của giá thịt lợn ở Trung Quốc được giới phân tích xem là một trường hợp kinh điển của công thức “giá cao là phương thuốc tốt nhất để điều trị giá cao”. Tuy nhiên, "phương pháp điều trị” này có vẻ hơi quá đà.
Cách đây hai năm, giá thịt lợn lên cơn sốt ở Trung Quốc là do dịch tả lợn châu Phi khiến đàn lợn của nước này giảm hơn 40%, gây sụt giảm đột ngột nguồn cung thịt. Chính phủ Trung Quốc đã phải triển khai các biện pháp quyết liệt như đẩy mạnh nhập khẩu thịt lợn và xả kho dự trữ thịt lợn đông lạnh quốc gia để hạ sốt.
Trong năm ngoái, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2019, đạt khoảng 4,4 triệu tấn. Bên cạnh đó, giá thịt cao mang lại mức lợi nhuận hấp dẫn cho người chăn nuôi, khiến các trại lợn ồ ạt tái đàn và ra sức vỗ béo để cho ra những con lợn nặng tới 3-4 tạ, thay vì chỉ 1-2 tạ như bình thường. Trong vòng 1 năm tính đến tháng 5 vừa qua, tổng đàn lợn của Trung Quốc đã tăng 23,5%, về mức gần như bình thường.
Nguồn cung thịt lợn tăng đột ngột, đưa Trung Quốc chuyển từ khan hiếm sang thừa mứa thịt. Đầu năm nay, dịch tả lợn châu Phi lại bùng phát ở một số địa phương ở nước này, nhưng nhanh chóng bị khống chế nên hầu như không ảnh hưởng nhiều đến giá thịt.
Khi giá thịt lợn quay đầu, người chăn nuôi càng đẩy nhanh việc xuất chuồng, tạo ra một vòng xoáy giảm giá. Đặc biệt, việc những con lợn siêu to được ồ ạt bán ra, tạo một sức ép giảm cực kỳ lớn lên giá thịt. Theo dữ liệu từ ngân hàng Goldman Sachs, những con lợn nặng trên 150 kg đóng góp hơn 1/3 sản lượng thịt lợn ở Trung Quốc trong tháng 4 và tháng 5.
Nhà nghiên cứu Li Guoxing thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc dự báo sản lượng thịt lợn của Trung Quốc có thể đạt 50 triệu tấn trong năm 2021, tăng 20% so với năm 2020. “Sản lượng thịt lợn trong nước sẽ đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước trong nửa sau của năm nay”, ông Li nói.
Báo cáo Triển vọng lương thực-thực phẩm (Food Outlook) 2021 từ Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết: sản lượng thịt toàn cầu năm nay sẽ tăng 2,2%, đạt 346 triệu tấn, chủ yếu nhờ sự gia tăng sản lượng thịt lợn của Trung Quốc sau dịch tả lợn châu Phi. Trong đó, sản lượng thịt lợn toàn cầu được dự báo tăng 4,2%, đạt 114 triệu tấn, vẫn thấp hơn 5% so với mức trước khi dịch tả lợn châu Phi bắt đầu ảnh hưởng đến sản lượng thịt lợn của Trung Quốc và nhiều quốc gia khác.
Trong bối cảnh như vậy, ông Li dự báo nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc sẽ giảm mạnh trong nửa sau của năm nay, khi giá thịt lợn ở nước này về mức bình thường. Tương tự, nhà phân tích cấp cao Pan Chenjin của Rabobank dự báo nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc năm 2020 sẽ giảm 10-30% so với mức của năm 2020. Năm ngoái, Trung Quốc chiếm khoảng một nửa lượng thịt lợn được nhập khẩu trên toàn cầu, với nguồn cung cấp chính là Mỹ và Brazil.
THUA LỖ KHẮP NƠI
Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới, nên diễn biến giá thịt lợn ở nước này có ảnh hưởng lớn đến thị trường thịt lợn toàn cầu. Việc Trung Quốc giảm tốc độ nhập khẩu thịt lợn đã khiến giá mặt hàng này sụt giảm ở nhiều quốc gia trong thời gian gần đây.
Theo dữ liệu từ hãng tin Reuters, giá lợn hơi giao tháng 7 trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CME) của Mỹ vào giữa tuần trước đã giảm xuống mức 104,525 cent/pound, mức thấp nhất từ tháng 4/2019. Giá thịt lợn bán buôn ở Mỹ cũng tụt về mức đáy kể từ tháng 4/2019. Giá thịt lợn giảm sâu đang gây thua lỗ cho các nhà đóng gói thịt lợn ở nước này. Theo dữ liệu từ Công ty tư vấn tiếp thị gia súc HedgersEdge.com LLC có trụ sở ở Denver, các công ty chế biến thịt lợn ở Mỹ đang lỗ 60,23 USD mỗi con lợn.
Thua lỗ cũng là tình trạng của người chăn nuôi lợn ở Trung Quốc ở thời điểm này. Giá lợn hơi vào đầu tháng 6 chỉ khoảng dưới 16 Nhân dân tệ/kg, thấp hơn mức hoà vốn. Vì vậy, các trại lợn nhập lợn giống ở thời điểm đầu năm nay về nuôi hiện đang đối mặt với mức thua lỗ lên tới 1.000 Nhân dân tệ mỗi con lợn – truyền thông Trung Quốc cho hay.
Ông Li Yunlong, một chủ trang trại lợn, cho biết ông hiện đang lỗ 800 Nhân dân tệ tính trên mỗi con lợn xuất chuồng. “Nếu so với đầu năm, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 30%, trong khi giá lợn hơi trên thị trường giảm 60%”, ông Li nói.
Tài sản của các đại gia ngành chăn nuôi của Trung Quốc phản ánh rõ biến động giá thịt lợn ở nước này. Vào tháng 2/2020, khối tài sản ròng của tỷ phú Liu Yonghao – Chủ tịch Tập đoàn New Hope Group, trong đó có công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi New Hope Liuhe – đạt đỉnh ở mức gần 20 tỷ USD. Hiện nay, ông Liu chỉ còn chưa đầy 10 tỷ USD tài sản ròng, giảm gần một nửa chỉ sau hơn một năm, theo dữ liệu của xếp hạng tỷ phú Bloomberg Billionaires Index.
Giá trị tài sản ròng của tỷ phú Qin Yinglin – Chủ tịch Công ty chăn nuôi lợn Muyuan Foodstuff, người được mệnh danh là nông dân giàu nhất Trung Quốc – giảm từ mức hơn 37 tỷ USD vào tháng 2/2021 về 25 tỷ USD hiện nay, tương đương giảm khoảng 1/3 chỉ trong vòng 4 tháng.
Việc Trung Quốc giảm tốc độ nhập khẩu thịt lợn đã khiến giá mặt hàng này sụt giảm ở nhiều quốc gia trong thời gian gần đây.
Dù sao giá thịt lợn hạ nhiệt cũng là tin vui đối với người tiêu dùng ở Trung Quốc. Thịt lợn là một mặt hàng có tỷ trọng lớn trong chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc, nên diễn biến giá thịt lợn có ảnh hưởng không hề nhỏ đến tình hình lạm phát ở nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
ĐỘNG THÁI CỦA BẮC KINH
Tháng 12/2019, giá thịt lợn tăng mạnh khiến giá thực phẩm ở Trung Quốc tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước và CPI tăng 4,5% - mức tăng mạnh nhất 7 năm. Tuy nhiên, đến tháng 11/2020, khi giá thịt lợn bắt đầu giảm mạnh, giá thực phẩm giảm 2% và CPI giảm 0,5%, đánh dấu lần đầu tiên lạm phát ở Trung Quốc tụt về ngưỡng âm trong khoảng một thập kỷ. Tháng 5 vừa qua, CPI của Trung Quốc chỉ tăng 1,5%, một phần quan trọng do giá thịt lợn xuống thấp.
Giá thịt lợn biến động mạnh luôn là vấn đề “đau đầu” đối với Chính phủ Trung Quốc, bởi đây là mặt hàng có tầm quan trọng đặc biệt trong bữa ăn hàng ngày của người dân nước này. Theo dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), người Trung Quốc tiêu thụ khoảng 67 pound (30,2 kg) thịt lợn/người mỗi năm, so với mức khoảng 51 pound/người/năm ở Mỹ.
Trong một tuyên bố mới đây, Uỷ ban Phát triển và cải cách Quốc gia Trung Quốc (NDRC) tuyên bố sẽ nâng cao vai trò của dự trữ thịt lợn quốc gia trong việc bình ổn sản lượng và giá thịt lợn. Trung Quốc chưa bao giờ công bố khối lượng dự trữ thịt lợn, nhưng giới phân tích cho rằng con số không đủ lớn để gây ảnh hưởng quan trọng lên thị trường.
Theo NDRC, một dự trữ bổ sung tạm thời sẽ được thiết lập nhằm đóng vai trò chủ động hơn trong việc điều tiết giá thịt lợn, bằng cách mua vào khi giá thịt xuống quá thấp và bán ra khi nguồn cung thịt bị thắt chặt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận