Kích cầu "người Hà Nội đi du lịch tại Thủ đô"
Bên cạnh việc thu hút khách du lịch từ các địa phương trong cả nước đến tham quan, trải nghiệm Hà Nội thì một “cánh cửa” được đánh giá là khả quan, đó là thúc đẩy người Hà Nội đi du lịch tại Hà Nội.
Do dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát, sau một thời gian bị “dồn nén”, ngành du lịch Việt Nam đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Lượng khách quá tải tại một số điểm di tích lớn vừa qua đã phần nào thể hiện nhu cầu du lịch của du khách đang rất cao.
Trước thời cơ đó, ngành du lịch Hà Nội đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện, trong đó tập trung vào xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút khách đến với Thủ đô.
Tại hội nghị xây dựng sản du lịch kích cầu nội địa thành phố Hà Nội năm 2021 do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức ngày 18/3, rất nhiều ý tưởng và giải pháp được đưa ra nhằm hình thành hệ thống sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng của Hà Nội.
* Người Hà Nội đi du lịch tại Hà Nội
Trong bối cảnh ngành du lịch Hà Nội chưa thể đón khách quốc tế do ảnh hưởng của dịch bệnh thì du lịch nội địa là thị trường duy nhất để thúc đẩy hoạt động du lịch trong thời điểm này.
Bên cạnh việc thu hút khách du lịch từ các địa phương trong cả nước đến tham quan, trải nghiệm Hà Nội thì một “cánh cửa” được đánh giá là khả quan, đó là thúc đẩy người Hà Nội đi du lịch tại Hà Nội.
Vấn đề này khá mới mẻ nhưng thực sự là một tiềm năng. Bởi lẽ, từ trước tới nay, người ta chỉ biết tới việc đưa khách Hà Nội đi du lịch các vùng miền khác hay ra nước ngoài, mà bỏ qua việc thu hút khách Hà Nội khám phá chính nơi họ đang sống.
Trong khi đó, ngay ở vùng nội đô của Hà Nội còn rất nhiều nơi khách có thể chưa khám phá hết, ví như nghỉ dưỡng tại khách sạn hạng sang, tham quan các công trình kiến trúc cổ, thưởng lãm vùng trồng hoa khu vực Hồ Tây…
Nhiều người dân Thủ đô cũng chưa đặt chân đến vùng ngoại thành Hà Nội với tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng rất lớn, với vô số các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng, các làng cổ, làng nghề.
Bà Nguyễn Lê Hương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, cho rằng thời điểm này, ngành du lịch đang quan tâm đến chương trình Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam, Người Hà Nội đi du lịch Hà Nội.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp lữ hành, bà Nguyễn Lê Hương khẳng định, Hà Nội có nhiều tiềm năng, nếu khai thác tốt sẽ xây dựng được nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Ngay cả trong thời điểm như hiện nay doanh nghiệp du lịch vẫn có thể xây dựng sản phẩm "du lịch mùa Xuân" - đưa du khách trải nghiệm mưa Xuân, thưởng lãm hoa loa kèn, tham quan các thắng cảnh Hà Nội.
Thưởng lãm vẻ đẹp các vùng quê ở ngoại thành cũng là “chất liệu” để thu hút khách lưu trú tại Hà Nội lâu hơn. Thực tế, các doanh nghiệp lữ hành cũng rất quan tâm đến du lịch làng nghề và ngành du lịch Thủ đô cũng chuẩn bị tổ chức lễ hội quà tặng, là một hướng đi đúng bởi sẽ gắn với các làng nghề.
Đồng quan điểm này, ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội, chia sẻ, kế hoạch "Người Hà Nội đi du lịch tại Hà Nội" là sự kích hoạt nhu cầu và hành động đối với khách Hà Nội. Khu vực Ba Vì, Sóc Sơn có rất nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái, văn hóa, nghỉ dưỡng, thể thao… thích hợp với các gia đình, các nhóm khách và các cơ quan, đoàn thể.
Các doanh nghiệp lữ hành có thể tổ chức sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh để thăm nơi thờ Tứ bất tử trong 1 ngày, hay có thể gắn kết việc thăm thú Hà Nội với các địa phương lân cận nhưng có ít nhất 1 đêm lưu trú tại Hà Nội.
Ông Trương Quốc Hùng cũng cho rằng nếu tổ chức tốt thì chương trình này có thể kéo giãn khách những điểm ùn tắc khác trong dịp lễ. Khi thực hiện chương trình người Hà Nội đi du lịch tại Hà Nội hiệu quả thì sẽ kéo được khách các tỉnh về Hà Nội.
Bắt đầu từ năm ngoái, cũng từ kế hoạch kích cầu khôi phục thị trường khách nội địa sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, chương trình Người Hà Nội đi du lịch tại Hà Nội đã bắt đầu hình thành. Nhiều doanh nghiệp có những chương trình sáng tạo để thu hút khách Hà Nội tham quan, khám phá Hà Nội.
Sau những kết quả bước đầu, ngành du lịch Thủ đô đã thực sự chú trọng tới chương trình này, thay vì chỉ tập trung thu hút khách các tỉnh, thành phố khác đến với Hà Nội hay đưa người Hà Nội đi các địa phương khác.
* Ẩm thực và du lịch đêm được coi là “trụ cột”
Hà Nội vốn có thế mạnh về du lịch văn hóa, được nhiều du khách yêu thích và được ngành du lịch Thủ đô đầu tư khai thác, phát huy trong nhiều năm qua.
Song, trong thời điểm cần kích cầu mạnh như hiện nay, việc sản phẩm mới, độc đáo, có dấu ấn riêng sẽ hấp dẫn du khách hơn. Bởi vậy, cùng với việc duy trì sản phẩm truyền thống như trước kia, ngành du lịch Hà Nội đang khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng những tour tuyến, sản phẩm du lịch mới, mang dấu ấn đặc trưng.
Theo ghi nhận, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành cũng đã chủ động khai thác những tiềm năng, lợi thế của Hà Nội để tạo ra những sản phẩm sáng tạo, hấp dẫn phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, chia sẻ, các doanh nghiệp cần rà soát lại sản phẩm du lịch, cấu trúc, cơ cấu lại sản phẩm để tạo độ hấp dẫn hơn.
Ngay với thế mạnh của du lịch Hà Nội là sản phẩm du lịch văn hóa, các doanh nghiệp cũng nên tạo ra những sản phẩm riêng của mình.
Chẳng hạn, Hanoitourist phối hợp cùng Hoàng thành Thăng Long, Di tích Nhà tù Hỏa Lò xây dựng tour du lịch đêm.
Sắp tới, Hanoitourist sẽ xây dựng tour làng nghề với dấu ấn riêng trên cơ sở làm mới các tour cũ. Ông Phùng Quang Thắng cũng cho rằng các doanh nghiệp du lịch cần phối hợp với các cơ qua chức năng tập trung phát triển tour du lịch đêm, sẽ tạo ra lợi ích kép.
Bởi theo khảo sát, trong số khách tham gia hoạt động du lịch đêm thì có tới 70% khách ăn đêm, 20% uống và 10% chơi. Chính hoạt động du lịch đêm sẽ thu hút được khách rõ nhất và buộc họ phải lưu trú tại Hà Nội.
Trong khi đó, khu Phố cổ Hà Nội (quận Hoàn Kiếm) và phố Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ) có lợi thế phát triển kinh tế đêm. Đây cũng là lợi thế ít tỉnh, thành nào có được. Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội cũng khẳng định, thời điểm hiện nay, du lịch đêm, du lịch ẩm thực sẽ trở thành “cứu cánh” cho doanh nghiệp.
Bản thân các điểm đến tại Hà Nội như: Vườn Quốc gia Ba Vì, Làng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học, Làng cổ Đường Lâm, Làng nghề Bát Tràng… cũng luôn đổi mới sản phẩm phục vụ khách.
Ông Chu Ngọc Quân, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Vì, cho biết, Ban quản lý Vườn cũng tổ chức nhiều chương trình thu hút khách. Riêng tháng 2/2021, lượng khách tăng trưởng 170% so với cùng kỳ năm trước, lũy kế tháng 2/2021 tăng 126% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Chu Ngọc Quân cũng cho rằng Vườn Quốc gia Ba Vì và hồ Suối Hai nằm liền một dải, đậm đặc dấu tích văn hóa, vì vậy, ngành du lịch cần khai thác bản sắc, lợi thế tại 7 xã miền núi Ba Vì phát triển du lịch.
Đặc biệt, khu vực này có các làng người Dao làm thuốc nam nên ngành du lịch cần xây dựng điểm du lịch mang bản sắc đồng bào dân tộc, vừa phục vụ du lịch, vừa giữ gìn truyền thống văn hóa của đồng bào nơi đây.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang mong muốn các doanh nghiệp liên kết, học hỏi lẫn nhau để tạo ra những sản phẩm hấp dẫn phục vụ du khách, đảm bảo chất lượng.
Sở Du lịch Hà Nội đã thuê đơn vị tư vấn truyền thông nhằm xúc tiến, quảng bá hình ảnh Hà Nội đến với các thị trường. Sắp tới, thành phố cũng tổ chức nhiều sự kiện quy mô lớn kích cầu du lịch, thu hút khách du lịch trong nước đến với Thủ đô và khách Hà Nội đi du lịch tại Hà Nội./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận