Kịch bản tăng trưởng cho các quý còn lại năm 2022
Ở kịch bản thấp, tăng trưởng quý II đạt khoảng 5,5%; quý III đạt khoảng 7,5% và quý IV tăng 6,1%.
Ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết, căn cứ vào mức tăng trưởng quý I/2022, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% được nhận định là thách thức lớn.
Theo đó, trong quý tiếp theo của năm, Tổng cục Thống kê đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng cho các quý còn lại của năm theo 2 phương án. Mức tăng trưởng GDP của các quý sẽ có sự thay đổi nhưng không nhiều.
Theo ông Hiếu, động lực tăng trưởng trong thời gian tới sẽ tiếp tục đến từ các ngành thế mạnh như nông nghiệp, công nghiệp đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo do cầu thế giới và các thị trường đang dần khôi phục. Các hoạt động bán buôn bán lẻ dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí dần tăng cao, đặc biệt là khi Việt Nam đã có chính sách mở cửa lại du lịch.
Chính sách mở cửa lại du lịch của Việt Nam được xem là một trong những động lực tăng trưởng trong thời gian tới.
Theo bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, động lực tăng trưởng trong thời gian tới sẽ đến từ các ngành thế mạnh như: nông nghiệp, công nghiệp. Đặc biệt, là công nghiệp chế biến do cầu thế giới tăng và thị trường được khôi phục. Bán buôn, bán lẻ, vận tải, lưu trú, ăn uống, vui chơi, giải trí sẽ có lực tăng trưởng cao trong năm do suy giảm âm hơn 1 năm qua và chính sách mở cửa thị trường du lịch nhằm lấy lại sức hút khách du lịch như trước... Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ sớm khôi phục cầu sản xuất, đầu tư và tiêu dùng trong nước từ đó thúc sản xuất phát triển.
Theo đó, một trong những ưu tiên ngay từ đầu quý II tới là tiếp tục đẩy mạnh kiểm soát giá cả, thị trường và bảo đảm lưu thông hàng hóa, cũng như thúc đẩy sản xuất trong nước để tiến tới tự chủ về nguồn cung nguyên, nhiên, vật liệu trong nước, qua đó hạn chế tác động của sự tăng giá thế giới tới thị trường Việt Nam.
Điều này sẽ giúp quý III, IV năm nay có mức tăng trưởng cao, lấy lại đà tăng trưởng như trước đây. Bên cạnh đó việc triển khai các gói hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP sẽ giúp hoạt động đầu tư, tiêu dùng trong nước sớm khôi phục lại, thu nhập của người lao động tăng lên (dẫn đến chi tiêu dùng tăng) và từ đó thúc đẩy sản xuất phát triển.
Dù kinh tế có nhiều điểm sáng, nhưng áp lực lạm phát những tháng còn lại vẫn là rủi ro hiện hữu đe dọa tăng trưởng và phục hồi của kinh tế Việt Nam. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, xăng dầu là yếu tố chủ yếu làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 3 tháng đầu năm. Bình quân quý 1, giá xăng dầu trong nước tăng 48,81% so với cùng kỳ năm trước. Giá xăng dầu tác động làm CPI tăng 1,76%.
Đề cập đến các giải pháp kiểm soát lạm phát, chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm phân tích, yếu tố đầu tiên là kiểm soát nguồn cung, vì áp lực lạm phát năm nay đến từ việc thiếu hụt nguồn cung để đáp ứng cho tổng cầu, đặc biệt là cung về xăng dầu. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, nếu xăng dầu tăng 10% sẽ tác động làm lạm phát tăng 0,36%, trong khi đó từ đầu năm đến nay xăng dầu tăng 60% cho thấy áp lực rất lớn. “Do đó, trước hết phải kiểm soát nguồn cung nguyên vật liệu, đặc biệt là xăng dầu, đây là yếu tố quan trọng", ông Lâm nhấn mạnh.
Giải pháp tiếp theo là không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Đối với thị trường trong nước phải có giải pháp để cung ứng vật tư giữa các vùng miền, địa phương được đảm bảo. Đặc biệt, không để đứt gãy chuỗi cung ứng giữa thế giới với Việt Nam, đây là thách thức rất lớn. Cuối cùng, ông Lâm cho rằng cần phải điều hành chính sách tài chính, tiền tệ một cách linh hoạt, nhịp nhàng, hiệu quả nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần kiềm chế lạm phát.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận