Kịch bản nào cho VN-Index 2 tháng cuối năm?
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tuần đầu tháng 11 đầy biến động khi VN-Index đã mất mốc 1.000 điểm vào phiên 04/11.
Thống kê cho thấy, trong 22 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ số VN-Index có 10 lần tăng điểm vào tháng 11, còn số lần giảm là 12. Hầu hết những lần điều chỉnh vào tháng 11 thường có biến động khá mạnh với nhiều năm giảm trên 5% như 2007, 2008, 2009, 2011, 2014 và 2015, thậm chí vào năm 2009, mức giảm của VN-Index trong tháng 11 còn lên tới hơn 14%.
Năm 2022, thị trường chứng kiến những pha giảm điểm mạnh từ đỉnh thời đại trên 1.500 về tới vùng dưới 1.000. Những rủi ro trên khiến thị trường chứng khoán giảm sức hấp dẫn mặc dù các chỉ số định giá cơ bản của VN- Index đang giảm về vùng thấp như năm 2020. Niềm tin thị trường vẫn đang bị thử thách nghiêm trọng trước những tin đồn và thời gian không có thông tin hỗ trợ: tỷ giá, lãi suất, thanh khoản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và những vấn đề quốc tế như lãi suất, lạm phát và an ninh thế giới.
Sau nhịp giảm 33% từ đỉnh, định giá thị trường đã lùi về ngang với vùng đáy lịch sử với P/E trailing của VN-Index chỉ ở mức 10,5x. Tuy nhiên, trong bối cảnh EPS có khả năng giảm, định giá thị trường sẽ trở nên đắt đỏ hơn và P/E 10,x ở thời điểm hiện tại không còn quá hấp dẫn. Động lực tăng trưởng của thị trường sẽ chỉ thực sự rõ ràng hơn khi tình hình thị trường trái phiếu dần ổn định và dòng tiền quay trở lại.
Từ giờ tới hết năm 2022, theo kịch bản tiêu cực, thị trường nhiều khả năng sẽ thủng đáy 986 điểm khi các tin xấu về vĩ mô vẫn tiếp tục ra và không có thông tin hỗ trợ. Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần tăng lãi suất điều hành trong thời gian gần đây. Khi lãi suất tăng, lợi nhuận của các doanh nghiệp trong tương lai sẽ bị bào mòn đáng kể bởi chi phí lãi vay tăng cao, nhất là nhóm có nợ ròng lớn.
Trong những tháng tiếp theo, tâm lý dần ổn định và lực cầu bắt đáy hình thành VN-Index sẽ đi ngang tạo nền quanh mức 1.000 điểm. Về dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có nhiều điều để kỳ vọng. Đó là nền kinh tế vĩ mô ổn định và phục hồi mạnh mẽ hậu đại dịch của Việt Nam vẫn đang mở ra triển vọng tăng trưởng cho thị trường tài chính nói chung và kênh đầu tư chứng khoán nói riêng.
Giai đoạn tới nhà đầu tư nên tích lũy thận trọng tại một số nhóm ngành có thể hưởng lợi bởi quyết định tăng lãi suất điều hành, bao gồm nhóm có giá đã điều chỉnh đủ hấp dẫn, nhóm vay nợ ít và nhóm có tỷ lệ nắm giữ tiền mặt cao, nhóm nguyên vật liệu, xuất khẩu, du lịch.
Nhà đầu tư cần theo dõi thêm các thông tin, diễn biến cập nhật về tình hình thế giới, quan điểm điều hành của các ngân hàng trung ương và khả năng Trung Quốc mở cửa sớm nền kinh tế trong giai đoạn sắp tới.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận