menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Mai Thị Trương

Kịch bản nào cho đàm phán thương mại Mỹ - Nhật sắp tới?

Nhật Bản và Mỹ đang đẩy nhanh tiến trình đàm phán để có thể sớm đạt được thỏa thuận thương mại tự do song phương. Vậy, kịch bản nào cho thỏa thuận thương mại này?

Trong cuộc họp báo tại Tokyo vào ngày 26/5, Tổng thống Donald Trump nói: "Tôi cho rằng chúng tôi (Mỹ và Nhật Bản) sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại mang tính chất khôn ngoan. Và tháng 8 tới có lẽ là thời điểm thích hợp để công bố một số điều liên quan đến thỏa thuận này."

Theo giới quan sát, việc lựa chọn thời điểm công bố thông tin vào tháng 8 sẽ có ba ý nghĩa. Đầu tiên, thời điểm tháng 8 là sớm hơn nhiều so với thời hạn sáu tháng cho các cuộc đàm phán thương mại mà Tổng thống Trump đã tuyên bố trước đó vào tháng Năm.

Mặt khác, tháng 8 là thời điểm mà cuộc bầu cử Thượng viện của Nhật Bản đã kết thúc. Cuối cùng, việc lựa chọn thời điểm tháng 8 để công bố đã làm dấy lên suy đoán rằng một thỏa thuận bí mật giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe đã được thông qua, trong đó ông Trump sẽ đợi cho đến sau cuộc bầu cử Thượng viện vào ngày 21/7 mới công bố kết quả đàm phán.

Điều này được cho là sẽ tạo điều kiện thuận lợi để giúp Thủ tướng Abe có thể ghi điểm tốt trong cuộc bầu cử. Đổi lại điều này, phía Nhật Bản được cho là đã có những nhượng bộ đáng kể đối với Mỹ.

Kịch bản nào cho đàm phán thương mại Mỹ - Nhật sắp tới?

Vấn đề liên quan đến mức thuế áp cho ôtô xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ đanggây tranh cãi và khó giải quyết nhất.

Tại cuộc bầu cử Thượng viện vừa qua, với liên minh đảng LDP-Komeito cầm quyền đã duy trì đa số số ghế tại Thượng viện, nhưng lại chưa đạt đến mức hai phần ba – điều kiện cần để có thể sửa đổi hiến pháp, nhiều nhà quan sát càng có lý do để suy đoán rằng một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản sẽ được công bố vào tháng Tám tới đây. Tuy nhiên, khả năng hai bên đạt được triển vọng cho một thỏa thuận thương mại toàn diện là rất thấp.

Lý do lớn nhất là thời gian 3 tháng (kể từ tháng 5 cho tới thời điểm dự kiến công bố là tháng 8) là quá ngắn để hai bên có thể giải quyết các vấn đề chính: Thuế quan của Nhật Bản đối với các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ; Thuế quan của Mỹ đối với xe Nhật Bản - ôtô, xe tải, xe máy - và phụ tùng ôtô; và xuất khẩu ô tô của Nhật Bản sang Mỹ.

Có một thực tế rằng, Mỹ đã rút khỏi CPTPP, do đó các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ bao gồm thịt bò, thịt lợn và lúa mì tiếp tục phải đối mặt với mức thuế cao ở Nhật Bản, chẳng hạn thịt bò Mỹ có mức thuế 38,5% khi vào Nhật Bản.

Trong khi thịt bò mà các nước như Úc, Canada và New Zealand - thành viên của Hiệp định CPTPP xuất khẩu sang Nhật Bản chỉ phải chịu mức thuế 26,6% kể từ Tháng Tư. Trong bối cảnh đó, Mỹ sẽ nỗ lực để tìm cách bảo đảm mức thuế mà quốc gia này phải chịu chỉ ở mức ngang bằng với nước CPTPP.

Nhật Bản dường như sẵn sàng nương theo các yêu cầu của Mỹ nếu mức thuế nông nghiệp mà Washington đề xuất không thấp hơn mức mà Nhật Bản đã đồng ý áp dụng cho các nước thành viên của CPTPP. Tuy nhiên, đổi lại, Nhật Bản sẽ đàm phán để Mỹ giảm thuế 2,5% đối với ô tô và 25% thuế đối với xe tải mà Mỹ đã đồng ý theo các điều khoản của CPTPP.

Và cho dù chính quyền Trump, vốn chỉ trích nặng nề CPTPP, có sẵn sàng đồng ý với điều này hay không thì về bản chất câu chuyện quan hệ thương mại giữa hai quốc gia vẫn chưa thể được giải quyết một cách dứt điểm.

Đòn bẩy của Nhật Bản là sự hấp dẫn của một thị trường lớn đối với các sản phẩm nông nghiệp – lĩnh vực mà Hoa Kỳ đang ngày càng thua các nước CPTPP, cũng như các nước châu Âu do Hiệp định Đối tác Kinh tế EU-Nhật Bản có hiệu lực vào ngày 1/2 năm nay. Nhưng Hoa Kỳ thậm chí còn có đòn bẩy mạnh hơn bởi vì thị trường xứ cờ hoa vốn rất quan trọng đối với các nhà sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô Nhật Bản.

Xuất khẩu ô tô của Nhật Bản sang Mỹ là vấn đề gây tranh cãi và khó giải quyết nhất. Chỉ tính riêng trong năm 2018, Nhật Bản đã xuất khẩu hơn 56 tỷ USD xe cơ giới và các phụ tùng sang Mỹ. Con số này chiếm một phần đáng kể trong thâm hụt thương mại song phương trị giá 68 tỷ USD giữa Mỹ với Nhật Bản.

Trong bối cảnh đó, Mỹ tìm cách giảm nhập khẩu ô tô của Nhật Bản, có lẽ thông qua việc hạn chế xuất khẩu tự nguyện mà Nhật Bản thực hiện từ năm 1981 đến 1994. Lẽ dĩ nhiên, Nhật Bản đã hết sức phản đối việc này, thay vào đó, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã khôn ngoan khi đề nghị tăng đầu tư của các công ty ôtô Nhật Bản vào Mỹ, từ đó tạo ra việc làm cho công nhân Mỹ.

Đối với việc này, chính quyền Trump đã lên tiếng ám chỉ về khả năng viện dẫn Đoạn 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại năm 1960, cho phép Mỹ áp đặt, trên cơ sở an ninh quốc gia và thuế quan lên tới 25% đối với ôtô nhập khẩu vào Mỹ.

Mặc dù vậy việc Mỹ có thực sự viện dẫn điều khoản này hay không và các mức thuế quan mà Washington có thể áp dụng vẫn là điều chưa thể đoán định. Thế nhưng chắc chắn kết quả của cuộc đàm phán tới đây sẽ phức tạp và không dễ để có thể đoán định.

Trước “giờ G”, Nhật Bản đã tuyên bố rằng họ muốn kết thúc các cuộc đàm phán như là một "thỏa thuận trọn gói" liên quan đến cả ba lĩnh vực đang được đàm phán. Mặt khác, Mỹ thích cách tiếp cận theo giai đoạn - có lẽ đó chính là lý do của gợi ý thời điểm tháng Tám của Tổng thống Trump.

Đứng trước cuộc bầu cử Tổng thống tới đây, Tổng thống Trump gần như chắc chắn sẽ muốn "thành công" trong các cuộc đàm phán thương mại như một lý do hoàn toàn thuyết phục để người dân Mỹ bỏ phiếu cho ông trong nhiệm kỳ sắp tới.

Mặc dù đàm phán thương mại Mỹ - Nhật Bản không có khả năng trở thành cuộc chiến tranh thương mại như giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng chắn chắn các vấn đề thương mại khúc mắc giữa hai cường quốc sẽ chưa thể được giải quyết nhanh chóng và đơn giản vào tháng 8 tới đây.

Điều này không loại trừ khả năng hai nước sẽ cố gắng đạt một "thỏa thuận tạm thời" về nông nghiệp. Và rõ ràng, với tính chất phức tạp của các vấn đề, theo giới quan sát, sớm nhất phải đến năm 2020 thì Washington và Tokyo mới có thể đạt được một thỏa thuận thương mại song phương toàn diện.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả