Kịch bản mới nhất về tăng trưởng GDP năm nay
Nếu bối cảnh quốc tế thuận lợi, trong nước phát huy tốt các động lực tăng trưởng, GDP quý IV có thể tăng 9,3-10,6%. Kết quả này giúp GDP cả năm 2023 tăng trưởng 5,8-6%, như Thủ tướng đã định hướng phấn đấu.
Có thể chạm mức 6%
Đây là kịch bản tăng trưởng vừa được TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV công bố.
Ở kịch bản cơ sở, tăng trưởng GDP cả năm 2023 có thể đạt 5-5,2%, tương đương GDP quý 4 tăng trưởng 6,9-7,7%. Nếu bối cảnh quốc tế thuận lợi và trong nước phát huy tốt cả các động lực tăng trưởng truyền thống và mới, tăng trưởng GDP quý 4 có thể đạt 9,3-10,6%, giúp GDP cả năm 2023 tăng trưởng 5,8-6%.
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyên gia đề xuất chú trọng các động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới. Với động lực tăng trưởng truyền thống, cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Nếu giải ngân được 95% tổng vốn đầu tư công như chỉ đạo của Thủ tướng, đầu tư Nhà nước tăng 30%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 13,2% thì sẽ đóng góp 2% vào tăng trưởng GDP.
Ngoài ra, động lực tăng trưởng còn đến từ tiêu dùng. Theo tính toán của nhóm tác giả, tiêu dùng tăng thêm 1% sẽ giúp GDP tăng thêm 0,2%. Chuyên gia còn nhấn mạnh vào việc thúc đẩy tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế, nhất là Hà Nội và TPHCM. Hai thành phố này đóng góp khoảng 39% tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2019 và có tính lan tỏa cao, qua đó thúc đẩy liên kết vùng…
Việc phát hiện, khai thác hiệu quả những động lực tăng trưởng mới cũng hết sức quan trọng, như: kinh tế số, năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP), phát triển mạnh hơn khu vực kinh tế tư nhân, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế, đẩy mạnh liên kết vùng, tăng trưởng xanh... Theo đó, cơ quan quản lý cần đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế (nhất là các luật đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động, tổ chức tín dụng, đấu thầu).
Điểm sáng từ đầu tư công, FDI
Trong 9 tháng năm nay, các chuyên gia cũng ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, điểm sáng từ kinh tế trong nước. Trong đó, yếu tố đầu tiên được nhắc tới là việc ban hành nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cả chính sách tài khóa, tiền tệ đều có hỗ trợ tích cực. Tổng giá trị các gói hỗ trợ tài khóa gần 200.000 tỷ đồng, với giá trị thực chi khoảng 78.000 tỷ đồng.
Trong các động lực tăng trưởng, lĩnh vực dịch vụ tiếp tục giữ vai trò đầu kéo, tăng trưởng. Lạm phát cơ bản ổn định dù còn chịu áp lực gia tăng: CPI bình quân 9 tháng tăng 3,16% so cùng kỳ.
Thu hút vốn FDI tăng trưởng khá, giải ngân FDI tăng nhẹ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký ước đạt 20,21 tỷ USD. Giải ngân vốn FDI đạt 15,91 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, trở thành điểm sáng trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu dự báo giảm khoảng 4% năm 2023.
Thu hút FDI phục hồi nhờ sự gia tăng đầu tư của một số đối tác lớn như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản. Các chính sách hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho DN của Chính phủ trong thời gian qua, giúp cải thiện phần nào môi trường đầu tư - kinh doanh.
Giải ngân đầu tư công cũng là điểm sáng đáng ghi nhận. Nếu so sánh số tuyệt đối, giá trị giải ngân tăng ròng hơn 80.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Các cân đối lớn được đảm bảo, lãi suất giảm dần, tỷ giá tăng trong tầm kiểm soát. Đáng chú ý, năm nay hoạt động ngoại giao, hội nhập quốc tế tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh với các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao của các đối tác quan trọng (như chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Singapore, Tổng thống Hoa Kỳ). Thông qua các cuộc gặp cấp cao, Việt Nam và các đối tác tiếp tục thắt chặt và nâng tầm quan hệ, tăng cường hợp tác ngoại giao, kinh tế, thương mại và đầu tư, góp phần quan trọng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam. Đặc biệt, từ ngày 10/9, Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận