Kịch bản khả quan nhất tại G20: Mỹ - Trung đồng ý đàm phán tiếp
Giới phân tích cho rằng cuộc gặp cấp cao giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20 ở Nhật Bản sẽ không mang lại thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại, thay vào đó, kịch bản khả quan nhất là hai bên sẽ đồng ý đàm phán tiếp.
Hôm 18-6, Mỹ và Trung Quốc đã chính thức xác nhận hai nhà lãnh đạo đứng đầu của họ sẽ gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh của nhóm G20 tại Osaka, Nhật Bản diễn ra vào ngày 28 và 29-6.
Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo trên Twitter rằng ông và Chủ tịch Tập sẽ gặp nhau ở Nhật Bản vào tuần sau. Ông viết: “Đã có cuộc trao đổi điện thoại rất tốt với Chủ tịch Tập của Trung Quốc. Chúng tôi sẽ có cuộc gặp mở rộng vào tuần sau ở G20 tại Nhật Bản. Các nhóm của chúng tôi sẽ bắt đầu tiến hành đàm phán trước thềm cuộc gặp”.
Trong bản tin ngắn gọn nói về cuộc điện thoại này, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) nhấn mạnh ông Tập đồng ý trao đổi điện thoại theo đề nghị của ông Trump.
“Tôi sẵn sàng gặp Tổng thống Mỹ tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka để trao đổi ý kiến về các vấn đề cơ bản của sự phát triển mối quan hệ Mỹ-Trung. Về vấn đề kinh tế và thương mại, hai bên cần phải giải quyết các vấn đề thông qua đối thoại ngang bằng với điểm quan trọng là lưu ý đến mối quan tâm hợp lý của nhau”, bản tin của CCTV trích dẫn lời của ông Tập.
Hôm 19-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cũng chỉ nói rằng hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung sẽ thảo luận về phương hướng tổng thể của mối quan hệ song phương.
Claire Reade, cựu trợ lý Đại diện Thương mại Mỹ, cho rằng cách mô tả kế hoạch cuộc gặp mang tính chung chung của Bắc Kinh nhằm để chứng tỏ rằng Trung Quốc không quá sốt sắng tìm kiếm một thỏa thuận đình chiến thương mại tại G20.
“Ngôn ngữ từ phía truyền thông Trung Quốc dường như có ẩn ý biến Mỹ thành đối tượng đang tìm đến Trung Quốc để mong ngăn chặn các căng thẳng giữa hai nước và Trung Quốc ân cần tiếp nhận thông điệp này”, Reade, hiện là luật sư cấp cao ở Công ty luật Arnold & Porter ở Washington, nói.
Khi đàm phán thương mại Mỹ-Trung đổ bể cách đây hơn một tháng, các quan chức thương mại của Mỹ cáo buộc Bắc Kinh rút lại các cam kết đã được hai bên nhất trí trong một bản dự thảo thỏa thuận thương mại. Một quan chức của Nhà Trắng cho biết trong một dấu hiệu cho thấy hai bên đang gấp rút chuẩn bị cho cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung ở G20, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang đã có mặt ở Washington vào cuối tuần trước để thảo luận với các quan chức Nhà Trắng.
Mặc dù Tổng thống Trump nhiều lần đề cập đến kế hoạch gặp ông Tập tại G20 nhưng Bắc Kinh không xác nhận kế hoạch này cho đến hôm 18-6. Claire Read cho rằng đó là một chiến thuật trì hoãn điển hình của Trung Quốc. Bà nói rằng việc trì hoãn xác nhận một cuộc gặp có thể khiến bên yêu cầu tổ chức cuộc gặp cảm thấy “như thể họ vừa giành chiến thắng” khi phía bên kia đồng ý gặp.
Bà nói bằng cách khiến Mỹ phải tiêu tốn nhiều năng lượng để thuyết phục cuộc gặp, Bắc Kinh có thể báo trước cho Mỹ rằng sẽ có nhiều khó khăn trong việc “giải quyết vấn đề thực sự”.
Nhận định về cuộc gặp, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ, Larry Kudlow, nói: “Rất khó để nói Washington và Bắc Kinh đã tiến gần đến một thỏa thuận thương mại hay chưa. Tôi không muốn suy đoán. Cả hai nhà lãnh đạo sẽ trao đổi. Đó là những gì tôi biết. Và như tôi đã nói, nhóm đàm phán của chúng tôi kiên quyết yêu cầu Trung Quốc các thay đổi cấu trúc”.
Tờ South China Morning Post dẫn một nguồn tin cho biết cuộc gặp Donald Trump - Tập Cận Bình tại G20 có thể diễn ra dưới dạng đàm phán trực tiếp qua bữa ăn tối. Nguồn tin này nói: “Cuộc gặp này chủ yếu lặp lại hình thức của cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung bên lề hội nghị G20 ở Argentina vào tháng 12 năm ngoái”.
Cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung bên lề G20 được xác nhận trong ngày đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer ra điều trần trước Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ về kế hoạch áp thuế với 300 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc chưa bị đánh thuế. Tại cuộc điều trần, ông nói rằng các đòn thuế không đủ để buộc Trung Quốc thay đổi các thực hành thương mại bất công nhưng “không còn sự lựa chọn nào khác”.
Trong cuộc trao đổi gần đây với hãng tin CNBC, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steve Mnuchin, nói rằng ông Trump “hoàn toàn vui vẻ” áp thuế thêm với hàng hóa Trung Quốc nếu cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung ở G20 không diễn ra suôn sẻ.
Trong khi đó, vào tuần trước, Bộ trưởng Thương mại Mỹ, Wilbur Ross, dự báo Mỹ-Trung sẽ không đạt được “một thỏa thuận cuối cùng” để chấm dứt thương mại nếu hai nhà lãnh đạo của hai nước ngồi lại với nhau ở G20. Ông Ross nói rằng kịch bản khả quan nhất là cuộc thảo luận giữa họ sẽ dẫn đến một dạng thỏa thuận nào đó về lộ trình hướng về phía trước.
Cựu chuyên gia đàm phán thương mại của chính phủ Mỹ, Stephen Olson, hiện là nhà nghiên cứu ở Quỹ Hinrich tại Hồng Kông, không tin cả hai nước sẽ đạt được kết quả đột phá tại Osaka vì bất cứ cuộc đàm phán nào để điều chỉnh các vấn đề hệ thống ở Trung Quốc cũng sẽ phải mất nhiều năm trời.
“Kết quả khả dĩ nhất mà chúng tôi kỳ vọng là một quyết định chính thức khởi động lại các cuộc đàm phán thương mại”, ông cho biết.
Hôm 19-6, trong một báo cáo đánh giá nhanh về triển vọng cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung ở G20, các nhà phân tích ở Ngân hàng ING (Hà Lan) cũng nhận định cuộc gặp này sẽ không mang lại một thỏa thuận thương mại. Họ cho rằng cả hai bên sẽ lặp lại lập trường của riêng họ đối với các điều khoản trong bản dự thảo thỏa thuận trước đó.
Trong cuộc gặp, Tổng thống Trump có thể nêu các dữ liệu kinh tế yếu ớt của Trung Quốc trong thời gian gần đây để thuyết phục ông Tập nhất trí thỏa thuận thương mại. Trong khi đó, ông Tập có thể sử dụng cơ hội này để chứng tỏ với ông Trump rằng chừng nào hai bên còn duy trì đàm phán, điều này sẽ giúp ích cho nền kinh tế Mỹ và cuộc vận động tranh cử tổng thống của ông.
Do hiện nay Mỹ-Trung vẫn còn bất đồng quá lớn, đặc biệt là về vấn đề cải cách doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc nên các nhà phân tích của Ngân hàng ING cho rằng, hai bên chỉ có thể thảo luận về việc hoãn áp dụng thêm các đòn thuế nhằm vào hàng hóa của nhau. Mỹ đang yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ chính sách trợ cấp cho các công ty nhà nước và ngành công nghệ nhưng Bắc Kinh xem đây là vấn đề thuộc về chủ quyền.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận