Kí sinh trùng, thị trường và nhà đầu tư chân chính
Mấy hôm nay, tôi nghe người ta nhắc nhiều đến cụm từ “nhà đầu tư chân chính”. Tôi muốn hỏi, nhà đầu tư (NĐT) như thế nào là chân chính? Hỏi như thế chắc có người bảo thừa vì có thể người ta hiểu rằng một NĐT (chứng khoán) bằng phân tích, đánh giá để đưa ra quyết định mua bán nhằm tìm kiếm lợi nhuận là chân chính? Mua bán, lời lỗ do may rủi, hên xui, hay-dở là chân chính hay cờ bạc!? Rất khó phân định!
Và nếu nói rằng Thị trường chứng khoán (TTCK) chỉ cần NĐT chân chính kiểu như vậy thì thực sự không thể hình dung ra thị trường của chúng ta sẽ ra sao(!?) Bởi vì nói đến thị trường (chứng khoán) thì có vô vàn kiểu/chiến lược/chiêu trò để tìm kiếm lợi nhuận.
Cho nên theo tôi chân chính nên được hiểu là đúng pháp luật. Và nếu luật pháp (về TTCK) đủ tốt để hai tập hợp “chân chính” và “đúng pháp luật” chồng khít lên nhau thì chế định luật pháp điều tiết hành vi đầu tư trên TTCK sẽ “auto” bảo vệ các NĐT chân chính chứ không cần đến những chiến dịch thanh trừng, sàn lọc rầm rộ như vừa qua!
Như vậy, khuôn khổ pháp lý điều tiết thị trường suốt mấy chục năm qua, bao gồm cả công tác thực thi, kiểm soát, hậu kiểm thời gian quan đều không đủ tốt nên khiến cho các NĐT không chân chính có đất sống trong một thời gian dài. Thừa nước đục thả câu, chả lẽ hơn hai chục năm qua mà nước vẫn đục!?
Người ta chỉ cần sửa một cái mái hiên, tráng khoảng sân trước nhà thì ngay lập tức đã có rất nhiều đoàn thanh-kiểm tra đến làm việc. Một người thế chấp căn nhà đang ở, có đầy đủ giấy tờ để đi vay cũng phải thực hiện một bộ hồ sơ phức tạp đến mức nếu không có nhân viên tín dụng ngân hàng hỗ trợ thì chắc chắn không làm nổi với hàng tá kê khai và giải trình.
Vậy thì những hành vi xé rào vừa qua là do luật pháp có lỗ hổng, các cơ quan canh cửa để lọt lưới hay là cả hai?
Nếu pháp luật đủ tốt, thì chỉ đơn giản là sống và đầu tư theo pháp luật chứ không còn khái niệm chân chính hay không chân chính. Khi đó, ai chiến thắng được thị trường bằng bất cứ cách nào miễn đúng luật thì giàu có và ngược lại.
Cách đây ít lâu, có vị Chủ tịch cho rằng các NĐT lướt sóng chứng khoán là kí sinh trùng (không chân chính) và ngay lập tức bị ném đá. Tôi cho rằng Ngài Chủ Tịch trong một phút bốc đồng đã lỡ lời, người ta còn gọi là “vạ miệng”. Chúng ta không nên chỉ trích người khác chỉ vì người ta gặp tai nạn, dù cho có những NĐT cảm thấy bị xúc phạm. Quả thực là không nên giận Ông ta chỉ vì Ông ta đã hiểu sai toàn bộ bản chất của thị trường theo nghĩa rộng và ở đây là TTCK.
Nếu quả như Ngài Chủ Tịch nói, rằng Ông chỉ cần những NĐT chân chính kiểu cùng hội cùng thuyền, cùng với công ty nằm gai mếm mật vượt qua gian khó, vẫn giữ ôm khư khư cổ phiếu cho dù ngoài kia thị trường sóng to, sóng nhỏ, sóng lên sóng xuống, sóng dài sóng ngắn!
Nếu quả như vậy thì công ty của Ngài IPO để lên sàn làm gì? Chi bằng cứ giữ là công ty cổ phần nội bộ thì ắt Ngài đã đạt thành sở nguyện. Không có cảm giác bị những NĐT không chân chính bâu vào hút máu (theo cách nói của Ngài Chủ Tịch).
Cái đáng lo hơn đáng giận chính là chỗ đó, Ông ta hoàn toàn không hiểu hết nét đẹp mấy trăm năm của TTCK.
Trong kinh tế chắc có lẽ không có từ nào đẹp và cũng đáng sợ hơn “thị trường”, market - cái chợ. Dân gian có câu “trai khôn chọn vợ chợ đông”, có lẽ cũng ngụ ý chợ là một xã hội thu nhỏ, bao nhiêu hỉ nộ ái ố, thắng thua, hơn thiệt, được mất cả thảy đều có và thể hiện ra ở đó. Ai khéo léo, khôn ngoan thì tồn tại vươn lên. Ngược lại, bất cứ sai lầm hay thất bại nào đều bị trừng phạt và “thầy giáo” thị trường sẽ thu học phí rất đắt. Đơn giản như vậy thôi, điều đó còn được gọi là quyền lực thị trường.
Tôi tin vào sự tuyệt đối của quyền lực thị trường. Có người sẽ cho rằng quyền lực Nhà nước sẽ áp đảo thị trường. Tôi cho rằng điều đó đôi khi chỉ đúng trong ngắn hạn. Về lâu dài, chống lại thị trường sẽ làm phát sinh rất nhiều phí tổn, kể cả con người. Bạn hãy thử ngẫm lại bằng diễn biến lịch sử kinh tế của chúng ta mà xem. Rất nhiều tình huống đã minh chứng rõ cho điều này.
Vì vậy, tôi cũng ủng hộ tự do thị trường. Nói đúng hơn là tận dụng tối đa cơ chế tự điều tiết và cân bằng của thị trường. Đương nhiên, sự can thiệp của Nhà nước là cần thiết để đảm bảo các cú sốc kinh tế không bị đẩy đi quá xa và cơ chế tự cân bằng diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn. Bàn tay hữu hình “bốc thuốc” để thị trường nhanh chóng phục hồi hoặc ngày càng khoẻ mạnh, Nhà nước không làm thay thị trường. Điều đó kém hiệu quả và đắt đỏ.
Hình phạt của thị trường cũng nặng nề và đáng sợ hơn cả hình phạt của Nhà Nước nhưng nó không làm tổn hại đến thị trường, đó là điểm mấu chốt. Vai trò của Nhà Nước chính là bảo vệ thị trường khỏi cơ chế “tự huỷ” khi các hình phạt đó bị thao túng, bóp méo hoặc bị đẩy đi xa.
Cho nên, chừng nào Nhà nước còn làm thay thị trường, quyền lực thị trường bị làm cho suy yếu hay thậm chí bị mất đi. Các Chủ tịch vẫn nhìn NĐT lướt sóng cổ phiếu công ty mình bằng cái nhìn ác cảm mà quên rằng khi họ nắm giữ cổ phiếu mà hoàn toàn không quan tâm, không can dự vào các chiến lược và tình hình sức khoẻ công ty đó là do họ đã tin tưởng hoàn toàn và uỷ quyền tuyệt đối, trao vào tay Ngài Chủ Tịch đồng vốn chắt chiu, mồ hôi nước mắt để Ngài toàn quyền định đoạt. Họ chỉ khác là hơn Ngài Chủ Tịch ở chỗ: hiểu được vẻ đẹp của thị trường!
Chừng nào những điều này còn tồn tại thì chúng ta lại tiếp tục tìm kiếm NĐT chân chính trên TTCK, như trăng đáy nước, như sao trên trời!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận