Khuyến khích đầu tư casino và 370 triệu USD vốn FDI vào Đồng Nai
Khuyến khích đầu tư casino để hút khách du lịch; Khởi công Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng vào tháng 10/2020; Ngã rẽ mới tại Dự án BOT cao tốc Vân Đồn - Móng Cái; 4 tháng đầu năm 2020 tỉnh Đồng Nai thu hút vốn FDI gần 370 triệu USD.
HĐND tỉnh Nghệ An thống nhất chủ trương đầu tư 3 dự án công
Ngày 14/5, kỳ họp thứ 14 - HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 – 2021 đã thông qua 3 dự án quan trọng sẽ triểm khai tại một số địa bàn như Quỳnh Lưu và Nam Đàn có tổng mức đầu tư 68 tỷ đồng.
Theo đó, 3 dự án về đê biển, đê sông tại 2 huyện Quỳnh Lưu và Nam Đàn, gồm: dự án đê biển xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu (giai đoạn 2) thuộc công trình thuộc nhóm C do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Quy mô đầu tư bao gồm gia cố tuyến đê phía biển tại xã Quỳnh Thọ dài hơn 1.100m bằng bê tông và sửa chữa, nâng cấp các công trình trên tuyến.
Tổng mức đầu tư dự án là 20 tỷ đồng và nguồn từ điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 theo Nghị quyết số 797/NQ-UBTVQH14, ngày 24/10/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đối với dự án đê biển Bãi Ngang, huyện Quỳnh Lưu (giai đoạn 2) thuộc công trình nhóm C do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, quy mô đầu tư bao gồm nâng cấp 2 tuyến đường thi công kết hợp cứu hộ, cứu nạn với tổng chiều dài gần 2.000m bằng bê tông và sửa chữa, nâng cấp các công trình trên tuyến; gia cố phần mặt đê dài gần 2.500m bằng bê tông và sửa chữa, nâng cấp các công trình trên tuyến.
Tổng vốn đầu tư dư án 33 tỷ đồng. Cơ cấu vốn gồm 20 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng Quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 theo Nghị quyết số 797/NQ-UBTVQH14, ngày 24/10/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 13 tỷ đồng nguồn ngân sách tỉnh đối ứng từ nguồn vượt thu ngân sách tỉnh năm 2019 và nguồn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2021, năm 2022.
Dự án đê Nam Trung (thuộc xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn) thuộc công trình thuộc nhóm C do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Quy mô đầu tư bao gồm nâng cấp, gia cố tuyến đê với chiều dài khoảng 2 km và sửa chữa, nâng cấp các công trình trên tuyến. Tổng mức đầu tư dự án là 15 tỷ đồng; nguồn vốn từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2019. Mục tiêu đầu tư của các dự án nhằm bảo vệ an toàn về người, tài sản, đồng thời tạo điều kiện cho người dân các địa phương có dự án ổn định cuộc sống cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Khuyến khích đầu tư casino để hút khách du lịch
Để kích cầu du lịch, một trong những giải pháp được đề xuất là phát triển các dịch vụ casino, vui chơi có thưởng trong các khách sạn, khu du lịch ở Việt Nam. Để phát triển dịch vụ này, có thể xem xét thành lập Hội đồng quốc gia về hoạt động vui chơi có thưởng.
Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) trong văn bản gửi lên Chính phủ “hiến kế” các biện pháp phục hồi kinh tế đã đề xuất việc phát triển các dịch vụ casino, vui chơi có thưởng.
Theo GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội, trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo về việc nhanh chóng phục hồi và phát triển du lịch trong nước và chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để khôi phục lại hoạt động du lịch quốc tế khi một số nước đã dập tắt dịch, việc phát triển du lịch vui chơi có thưởng trên cơ sở tiềm năng sẵn có với hệ thống giải pháp đồng bộ.
Lý giải của VAFIE, hoạt động casino, vui chơi có thưởng hiện được thực hiện ở 43 khách sạn lớn nhỏ và các khu nghỉ dưỡng có casino. Từ khi ban hành khung khổ pháp lý đầy đủ, thị trường casino, trò chơi điện tử có thưởng tăng trưởng đều qua các năm, quy mô thị trường hiện nay gấp 2 lần so với trước khi ban hành Nghị định.
Tuy vậy, hiệu quả kinh tế - xã hội của lĩnh vực này chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng đã được tạo ra. Nguyên nhân chủ yếu là do đây là lĩnh vực nhạy cảm, nên chưa có sự thống nhất về quan điểm, nhận thức trong thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.
Chưa kể, luật pháp chung còn chưa tiếp cận được thông lệ quốc tế để điều chỉnh có hiệu quả hoạt động vui chơi có thưởng.
Và quan trọng không kém, là lĩnh vực casino, vui chơi có thưởng do Bộ Tài chính quản lý, nhưng nguồn lực có hạn nên dẫn tới chậm trễ trong việc thẩm định và cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, điều chỉnh hoạt động, theo dõi hướng dẫn, thanh tra kiểm tra để phát hiện kịp thời các vấn đề cần giải quyết…
Từ kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt từ Australia, Singapore - đất nước đã sử dụng hành lang pháp lý một cách có hiệu quả để gặt hái những lợi ích của ngành cờ bạc trong khi giảm thiểu tác hại của nó ở mức thấp nhất, VAFIE cho rằng, cần hoàn thiện thể chế cũng như hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Cụ thể, về thể chế, theo VAFIE, cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, luật pháp có liên quan đến hoạt động vui chơi giải trí có thưởng theo hướng tiếp cận thông lệ tiên tiến của quốc tế để bảo đảm hành lang pháp lý ổn định, công khai, minh bạch nhằm khuyến khích tổ chức, cá nhân người Việt Nam và nhà đầu tư nước ngoài đầu tư và kinh doanh có hiệu quả, thu hút nhiều hơn khách du lịch quốc tế.
Về quản lý Nhà nước, theo VAFIE, có hai mô hình là thành lập Hội đồng Quốc gia về hoạt động vui chơi có thưởng (theo mô hình của Singapore) hoặc cho phép UBND tỉnh, thành phố cấp phép, quản lý và giám sát hoạt động giải trí vui chơi có thưởng (mô hình của Australia).
“Trong điều kiện của nước ta hiện nay để quản lý hoạt động vui chơi có thưởng đúng hướng và thống nhất trên toàn quốc thì nên chọn mô hình thứ nhất”, VAFIE bày tỏ quan điểm.
Cụ thể, về mô hình thứ nhất, VAFIE cho rằng, có thể thành lập Hội đồng quốc gia về hoạt động vui chơi có đặt tại Văn phòng Chính phủ do một Phó thủ tướng làm Chủ tịch Hội đồng, có thành viên là đại diện các Bộ, ngành và Hiệp hội nghề nghiệp có liên quan đến lĩnh vực này, có các bộ phận giúp việc gồm chuyên gia pháp lý, tâm lý, xã hội học.
Hội đồng này có chức năng tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ từ việc hoàn thiện thể chế, chính sách, lập pháp đến tổ chức quản lý hoạt động vui chơi có thưởng: thẩm định và cấp phép cho các dự án đầu tư và kinh doanh, hướng dẫn việc thực hiện đúng pháp luật, theo dõi, kiểm tra, thanh tra để xử lý kịp thời các vấn đề nảy sinh nhằm giảm thiểu các vấn đề tiêu cực về kinh tế xã hội.
Dự án Bến số 3 - cảng Chân Mây 846 tỷ đồng liệu có hoàn thành đúng hạn?
Dự án Đầu tư xây dựng Bến số 3 - cảng Chân Mây (Dự án Bến số 3) tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chấp thuận cho phép gia hạn hoàn thành vào quý III/2020.
Dự án Bến số 3 có quy mô hơn 13 ha, trong đó diện tích bến bãi hơn 10 ha và khu mặt nước trước bến có diện tích gần 3 ha. Riêng công trình Bến số 3 có chiều dài 270 m. Đây được xem là bến cảng tổng hợp và các dịch vụ hậu cần cho cảng Chân Mây, đảm bảo cho tàu và các phương tiện vận tải thủy trọng tải đến 50.000 DWT ra vào cảng. Dự án có tổng mức đầu tư 846 tỷ đồng.
Dự án có nhiều hạng mục như bến cập tàu 50.000 tấn, nạo vét khu nước trước bến -15,3 m, kè bờ, san lấp mặt bằng, khu neo đậu, bãi chứa hàng, nhà văn phòng, các công trình phụ trợ... Dự kiến, sau khi hoàn thành, Bến số 3 sẽ giải quyết nhu cầu lưu thông hàng hóa và hành khách qua cảng Chân Mây, góp phần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung.
Mặc dù ban đầu, Dự án được đặt mục tiêu hoàn thành vào năm 2019, nhưng sau đó, chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Hào Hưng Huế đã xin gia hạn tiến độ nhiều lần. Mới đây nhất, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho phép chủ đầu tư được gia hạn hoàn thành vào quý III/2020.
Theo lý giải của Công ty TNHH Hào Hưng Huế, Dự án chậm tiến độ bởi nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Cụ thể, trong quá trình thực hiện dự án các thủ tục chuẩn bị đầu tư còn vướng một số hồ sơ pháp lý ở một số các bộ, ngành liên quan, nên việc Công ty đề xuất thời điểm khởi công dự án vào tháng 9/2015 chưa phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, trong quá trình thi công, khối lượng vật liệu nạo vét từ tuyến luồng nhánh và vũng quay tàu quá lớn và không thể sử dụng số lượng vật liệu này để tôn tạo bờ bến như trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.
Ông Thang Khánh Hưng, Phó giám đốc Công ty TNHH Hào Hưng Huế cho biết, do ảnh hưởng của Covid-19, cũng như tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Chính phủ, nên hiện nay, số lượng công nhân, người lao động làm việc tại công trường dự án đã được cắt giảm một nửa. Tuy vậy, khắc phục những khó khăn phát sinh trong quá trình thi công, cũng như được sự hỗ trợ từ UBND tỉnh thừa Thiên Huế và Ban quản lý Khu kinh tế - công nghiệp tỉnh đối với một số thủ tục pháp lý, hiện tiến độ Dự án Bến số 3 vẫn được đảm bảo.
“Hạng mục kè bờ đã được Công ty thi công hoàn thiện dài gần 1.000 m, phần cầu cảng đã hoàn thành. Chúng tôi đang tiếp tục thi công phần trên bờ, như khối nhà văn phòng, nhà ở nhân viên và một số hạng mục liên quan còn lại”, ông Hưng cho biết. Cũng theo ông Hưng, Công ty Hào Hưng Huế đang làm thủ tục để tiến hành nghiệm thu các hạng mục đã hoàn thành.
Theo ông Lê Văn Tuệ, Trưởng ban quản lý khu kinh tế - công nghiệp tỉnh Thừa Thiên, trong giai đoạn hiện nay, các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng nhiều bởi Covid-19. Tuy nhiên, với Dự án Bến số 3, việc hoàn thành trong năm 2020 là khả thi.
“Dự án Bến số 3 là một trong những dự án lớn, trọng điểm của tỉnh Thừa Thiên Huế trong những năm gần đây. Vì một số lý do, tiến độ dự án trước đây bị chậm lại. Ban Quản lý khu kinh tế - công nghiệp tỉnh và UBND tỉnh đã nắm bắt những khó khăn từ phía doanh nghiệp và hỗ trợ nhà đầu tư rất nhiều. Nhà đầu tư đã cam kết hoàn thành trong tháng 9 năm nay”, ông Tuệ cho biết.
Khởi công Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng vào tháng 10/2020
Dự án đầu tư Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng sẽ nhận được sự hỗ trợ tối đa từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, đặc biệt trong việc phối hợp cùng EVN làm việc với các tổ chức tín dụng thu xếp vốn nhanh nhất nhằm đạt mục tiêu khởi công dự án vào tháng 10 năm nay.
Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng được xem là dự án lớn nhất của ngành điện nằm trong danh mục dự án được khởi công trong năm 2020. Theo kế hoạch, tháng 10 năm nay, Dự án sẽ được khởi công xây dựng.
Mục tiêu của Dự án nhằm tăng cường công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, tạo điều kiện khai thác tối đa nguồn nước xả thừa hàng năm vào mùa lũ của Nhà máy thủy điện Hòa Bình hiện hữu để phát điện; Nâng cao khả năng điều tần, ổn định tần số của hệ thống điện quốc gia; góp phần giảm chi phí hệ thống điện quốc gia.
Dự án cũng góp phần giảm bớt cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng và sửa chữa.
Xây dựng mới tuyến năng lượng: Kênh dẫn vào cửa lấy nước, cửa lấy nước, đường hầm dẫn nước, nhà máy, kênh xả hạ lưu và hệ thống đấu nối;
Sử dụng chung các hạng mục công trình hiện hữu (1.920MW): Hồ chứa, đập dâng, đập tràn...;
Địa điểm: Vị trí dự án nằm bên bờ phải tuyến đập Thủy điện Hòa Bình thuộc phường Phương Lâm; cửa lấy nước và kênh vào thuộc phường Thái Bình, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình;
Tổng diện tích sử dụng đất: 99,62 ha;
Hình thức quản lý: EVN quản lý thực hiện dự án. EVNPMB1 thay mặt EVN trực tiếp điều hành quản lý thực hiện dự án.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết, để dự án được khởi công đúng kế hoạch, CMSC sẽ phối hợp cùng EVN để làm việc với các đối tác, ngân hàng trong và ngoài nước để thu xếp vốn nhanh nhất, hiệu quả nhất cho Dự án.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ khởi công của dự án là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Đến nay công tác rà phá bom mìn vật nổ đã hoàn thành, hạng mục đường phục vụ thi công (đường Nguyễn Văn Trỗi, đường Lê Đại Hành) đang triển khai thi công đảm bảo tiến độ khởi công dự án. Hệ thống cấp điện thi công, đang triển khai công tác trình duyệt hồ sơ mời thầu. Hạng mục xây dựng nhà ở cán bộ công nhân viên vận hành đang triển khai lập hồ sơ thiết kế, đảm bảo tiến độ hoàn thành phù hợp với tiến độ xây dựng vận hành dự án.
Ban Quản lý dự án Điện 1 đã thành lập Ban Điều hành Dự án và tổ chức cán bộ làm việc trực tiếp tại công trường từ tháng 3/2020 để bám sát, phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và thực hiện triển khai dự án.
Kế hoạch từ nay đến cuối năm, EVN nỗ lực để hoàn thành công tác đàm phán, ký hợp đồng thu xếp vốn cho dự án; thiết kế, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công đáp ứng tiến độ yêu cầu, tối thiểu hoàn thành 50% khối lượng; phối hợp UBND tỉnh Hòa Bình thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ hoàn thành trong tháng 10/2020, hoàn thành tổ chức lựa chọn nhà thầu các gói thầu.
Để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo mục tiêu khởi công Dự án trong tháng 10/2020, EVN kiến nghị CMSC tạo điều kiện trong quá trình triển khai thực hiện và đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ di dời cảng Ba Cấp (giai đoạn 1) làm cơ sở lựa chọn nhà thầu và triển khai thi công vào đầu tháng 6/2020.
Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng do EVN làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án Điện 1 (EVNPMB1) được giao làm đại diện chủ đầu tư. Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1 (EVNPECC1) là đơn vị tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi. Tổng mức đầu tư của dự án 9.220,831 tỷ đồng, trong đó EVN tự thu xếp khoảng 30% và 70% còn lại là nguồn vốn vay thương mại không bảo lãnh Chính phủ.
Trước đó, EVN từng lên kế hoạch khởi công Dự án vào quý II/2020, dự kiến hoàn thành phát điện tổ máy 1 vào Quý III năm 2023, phát điện tổ máy 2 vào quý IV/2023 và hoàn thành xây dựng công trình vào năm 2023.
Ngã rẽ mới tại Dự án BOT cao tốc Vân Đồn - Móng Cái
Chỉ đạt chưa đầy 2% khối lượng sau hơn 1 năm thi công do không thể tiếp cận được nguồn vốn vay, Dự án BOT đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đang cần những thay đổi lớn để tiếp tục lộ trình triển khai.
Theo thông tin của Báo Đầu tư, UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ xin điều chỉnh Dự án BOT đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Đây là dự án do UBND tỉnh Quảng Ninh đóng vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, với mục tiêu xây dựng tuyến cao tốc dài 80,23 km, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h. Dự án có điểm đầu tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn và điểm cuối nối với đường dẫn cầu Bắc Luân II, TP. Móng Cái.
Công trình có tổng mức đầu tư 11.195 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chiếm 10,67%, phần còn lại là vốn vay thương mại (10.001 tỷ đồng). Thời gian hoàn vốn dự kiến là 19,86 năm. Theo ấn định của UBND tỉnh Quảng Ninh, Dự án sẽ hoàn thành sau 22 tháng thi công với mốc khởi công công trình là tháng 4/2019.
Trong Công văn số 2874/UBND-GT1 ngày 5/5/2020 do ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh ký, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị Thủ tướng cho phép tách Dự án thành 2 dự án độc lập.
Cụ thể, UBND Quảng Ninh xin điều chỉnh giảm quy mô Dự án BOT đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài 80,23 km thành Dự án đường cao tốc Tiên Yên - Móng Cái với chiều dài 63,26 km. Tổng mức đầu tư của dự án điều chỉnh là 9.032 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu, vốn vay tín dụng của nhà đầu tư khoảng 8.422 tỷ đồng và vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ đầu tư các công trình phụ trợ khoảng 610 tỷ đồng.
Đối với đoạn tuyến còn lại, UBND tỉnh Quảng Ninh sẽ lập thành Dự án xây dựng đường cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên, dài 16,08 km, có tổng mức đầu tư 3.667 tỷ đồng, được đầu tư bằng hình thức đầu tư công. Tính tổng cộng, để hoàn thành tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái theo phương án điều chỉnh, kinh phí ngân sách nhà nước sẽ lên tới 5.732 tỷ đồng, gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng.
“UBND tỉnh Quảng Ninh cam kết đảm bảo bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện đầu tư, hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ với Dự án BOT”, ông Thắng cho biết. Cũng theo ông Thắng, đây là thay đổi cần thiết để khơi thông thế bế tắc tại Dự án BOT đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Được biết, sau hơn 1 năm triển khai, doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng Vân Đồn mới tiến hành thi công phát quang, dọn dẹp mặt bằng, đào đắp nền đường… với khối lượng thực hiện khoảng 266 tỷ đồng. Tiến độ này là rất đáng thất vọng bởi địa phương đã gần như bàn giao đầy đủ mặt bằng sạch cho các đơn vị thi công.
Dự án bị mất động lực do doanh nghiệp dự án không thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, dù đã khởi động quá trình đàm phán từ nhiều năm trước đó.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết, sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 88/2018/TT-BTC quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với dự án PPP, đã xuất hiện độ chênh lệch lớn giữa lãi suất vốn vay trong hợp đồng BOT mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết với nhà đầu tư vào tháng 9/2018 (7,728%/năm) với quy định của Bộ Tài chính (10,5 - 11%/năm) có hiệu lực từ ngày 12/11/2019. Vướng mắc liên quan đến điều khoản chuyển tiếp để điều chỉnh Hợp đồng dự án đã dẫn đến việc các tổ chức tín dụng không thực hiện thẩm định vay vốn.
Trong khi đó, việc thay đổi định hướng về phát triển Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, cũng như những thay đổi trong quy hoạch, triển khai các dự án tại Khu kinh tế Móng Cái và chính sách biên mậu đã ảnh hưởng lớn đến lưu lượng phương tiện trên tuyến, khiến cả nhà đầu tư và ngân hàng tài trợ phải thận trọng hơn với phương án tài chính của Dự án.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng muốn nâng ngay tốc độ khai thác tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái từ 100 km/h lên 120 km/h, khiến Dự án phát sinh thêm chi phí khoảng 250 tỷ đồng.
Với những biến động nói trên, VietinBank - ngân hàng đầu mối thẩm định, cho vay vốn Dự án đã yêu cầu doanh nghiệp dự án báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ bổ sung nguồn vốn ngân sách để giảm bớt áp lực chi phí tài chính. Đồng thời, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng cần có giải pháp tài chính/phi tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp dự án nhằm đảm bảo khả năng trả nợ khi nguồn thu Dự án không đạt như phương án tài chính.
Theo một lãnh đạo Vụ PPP (Bộ Giao thông - Vận tải), đề xuất của UBND tỉnh Quảng Ninh tuy có thể giúp tăng tính khả thi cho Dự án, nhưng vẫn cần được các cơ quan liên quan đánh giá thận trọng bởi nó làm thay đổi toàn bộ cấu trúc Dự án BOT đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
“Dự án BOT Tiên Yên - Vân Đồn cũng cần được xem là một dự án mới, vì vậy, UBND tỉnh Quảng Ninh cần sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền trước khi tiến hành đàm phán, ký phụ lục hợp đồng với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cũ”, vị chuyên gia này cho biết.
4 tháng đầu năm 2020 tỉnh Đồng Nai thu hút vốn FDI gần 370 triệu USD
Tính đến cuối 4 tháng năm 2020, các doanh nghiệp FDI đầu tư vào tỉnh Đồng Nai gần 370 triệu USD, bằng 50% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, cấp mới là 29 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 93 triệu USD và 41 dự án tăng vốn với tổng vốn bổ sung gần 277 triệu USD.
Từ đầu năm đến nay, các dự án FDI đầu tư mới và tăng vốn đều thấp hơn so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Hiện nay, tỉnh Đồng Nai là một trong 6 tỉnh, thành có nguồn vốn đầu tư FDI lớn nhất cả nước. Các dự án FDI đầu tư vào Đồng Nai phần lớn là sản xuất công nghiệp, sản phẩm làm ra hơn 80% xuất khẩu qua hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, đến cuối tháng 4 năm 2020, tỉnh Đồng Nai có hơn 1.500 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 30,6 tỷ USD. Đa số các dự án FDI được đầu tư vào các khu công nghiệp. Các dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp chỉ chiếm khoảng 17% trong tổng vốn đầu tư. Các dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp chủ yếu thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, bất động sản, nông nghiệp.
Quảng Trị cấp chủ trương cho cụm dự án thủy điện gần 1.500 tỷ đồng
Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, UBND tỉnh này vừa quyết định cấp chủ trương đầu tư cho Công ty TNHH Đầu tư Hướng Sơn thực hiện cụm dự án thủy điện Hướng Sơn với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng trên địa phận các huyện Hướng Hóa, Đakrông và Gio Linh.
Theo đó, tại các quyết định số 1155/QĐ-UBND, số 1156/QĐ-UBND, số 1157/QĐ-UBND về việc cấp chủ trương đầu tư cho Công ty TNHH Đầu tư Hướng Sơn thực hiện Cụm dự án Thủy điện Hướng Sơn với mục tiêu sản xuất, truyền tải và phân phối điện năng.
Cụ thể, dự án Thủy điện Hướng Sơn bậc 1 với mục tiêu sản xuất, truyền tải và phân phối điện năng có tổng vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng, được thực hiện tại các xã: Hướng Lập, Hướng Sơn (huyện Hướng Hóa) với diện tích gần 62 ha. Dự án có công suất thiết kế 20 MW, điện lượng hàng năm 66,95 triệu kWh.
Dự án Thủy điện Hướng Sơn bậc 2 với mục tiêu sản xuất, truyền tải và phân phối điện năng có tổng vốn đầu tư gần 220 tỷ đồng, được thực hiện tại xã Hướng Sơn (huyện Hướng Hóa) với diện tích hơn 72 ha. Dự án có công suất thiết kế 8 MW, điện lượng hàng năm 28,16 triệu kWh.
Dự án Thủy điện Hướng Sơn bậc 3 với mục tiêu sản xuất, truyền tải và phân phối điện năng có tổng vốn đầu tư hơn 450 tỷ đồng, được thực hiện tại các xã: Hướng Sơn (huyện Hướng Hóa), Hướng Hiệp (huyện Đakrông), Linh Thượng (huyện Gio Linh) với diện tích hơn 100 ha. Dự án có công suất thiết kế 19 MW, điện lượng hàng năm 67,7 triệu kWh.
Cả 3 dự án trên đều có thời gian hoạt động 50 năm và dự kiến sẽ đi vào vận hành khai thác thương mại cùng lúc vào tháng 8/2024. Đây đều là những dự án có ngành nghề đặc biệt ưu đãi, thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn nên sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu; ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất...
Công ty TNHH Đầu tư Hướng Sơn có trụ sở tại thôn Ta Liêng, xã Đakrông, huyện Đakông. Các dự án được thực hiện trên địa bàn các xã của Huyện Hướng Hóa, ngoài ra còn có một số xã ở các huyện Đakrông, Gio Linh. Thời hạn hoạt động của các dự án là 50 năm kể từ ngày được cấp Quyết định chủ trương đầu tư lần đầu vào ngày 25/12/2018.
UBND tỉnh Quảng Trị cũng yêu cầu nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án theo đúng quy định, tiếp thu ý kiến của các ngành chức năng, địa phương liên quan đảm bảo dự án thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Đặc biệt, tuyệt đối không chuyển đổi rừng tự nhiên sang xây dựng các công trình thủy điện theo đúng quy định Luật Lâm nghiệp. Lập kế hoạch về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và có văn bản đề xuất, thống nhất chủ trương của UBND tỉnh theo quy định...
Ông Đồng cũng cho biết, tại các quyết định cấp chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ; thực hiện đầy đủ và tuân thủ các thủ tục về đầu tư, môi trường, đất đai, xây dựng, thuế, an toàn lao động, phòng ngừa cháy nổ… Sau 6 tháng kể từ ngày cấp chủ trương đầu tư, nếu nhà đầu tư không triển khai thực hiện thì chủ trương đầu tư hết hiệu lực, dự án bị chấp dứt hoạt động theo quy định.
Quý IV/2020 sẽ khởi công cầu Bạch Đằng 2 nối 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương
Đó là thông tin được ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai xác nhận với Báo Đầu tư sau khi có buổi khảo sát thực tế và làm việc với các sở, ngành, UBND huyện Vĩnh Cửu về địa điểm, phương án xây dựng cầu Bạch Đằng 2 bắc qua sông Đồng Nai, nối liền 2 tỉnh: Đồng Nai và Bình Dương.
Trước đó, sau quá trình làm việc giữa 2 địa phương, UBND tỉnh Bình Dương đã có Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cầu Bạch Đằng 2 bắc qua sông Đồng Nai nối xã Bạch Đằng (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) với xã Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu).
Về quy mô, dự án cầu Bạch Đằng 2 bao gồm có phần cầu chính có chiều dài hơn 390 mét, rộng 17,5 mét và phần đường dẫn 2 đầu cầu (phía tỉnh Bình Dương dài hơn 294 mét và phía tỉnh Đồng Nai dài hơn 160 mét) với tổng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng. Nguồn vốn để thực hiện dự án được phân chia theo tỷ lệ mỗi địa phương đóng góp 50% kinh phí đối với phần cầu chính và mỗi địa phương tự đầu tư xây dựng phần đường dẫn trên địa bàn.
Hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương đã triển khai bước thiết kế bản vẽ thi công, dự toán. Theo dự kiến, trong quý IV-2020 sẽ khởi công xây dựng công trình.
Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai thì dự án được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt, phần đường dẫn phía Đồng Nai có chiều dài hơn 160 mét là chưa đủ để kết nối vào Hương lộ 7. Do đó, Sở này kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai làm việc với UBND tỉnh Bình Dương để bổ sung thêm đoạn đường khoảng 100 mét thực hiện kết nối cầu Bạch Đằng 2 với đường Hương lộ 7.
Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai thống nhất kiến nghị của Sở Giao thông vận tải bổ sung thêm 100 mét chiều dài vào phần đường dẫn cầu Bạch Đằng 2. Đồng thời, đồng ý với phương án nguồn vốn đầu tư theo dự án được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt.
UBND tỉnh giao Sở Giao thông vận tải phối hợp với UBND huyện Vĩnh Cửu hoàn tất các thủ tục để trong tháng 6 trình UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt chủ trương đầu tư. Kế đó UBND tỉnh Đồng Nai sẽ làm việc với UBND tỉnh Bình Dương để thống nhất phương án triển khai xây dựng.
Ngoài ra, UBND tỉnh Đồng Nai cũng thống nhất thực hiện giải phóng mặt bằng phần đường dẫn đầu cầu Bạch Đằng 2 với mốc lộ giới 60 mét. UBND huyện Vĩnh Cửu nhanh chóng thực hiện điều chỉnh quy hoạch cục bộ tại khu vực xây dựng cầu. Đồng thời, tính toán phương án nâng cấp mở rộng Hương lộ 7, Hương lộ 15 để đảm bảo kết nối giao thông sau khi hoàn thành xây dựng cầu.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu Sở Giao thông vân tải quy hoạch nâng cấp đường ĐT.768, xây dựng đường ĐT.768B và đường Vành đai Biên Hòa để kết nối mạng lưới giao thông, trong đó phải quy hoạch kỹ các khu vực đất tạo vốn để có nguồn vốn tái đầu tư xây dựng các tuyến đường này.
Khởi công cầu Quang Thanh và cầu Dinh kết nối Hải Phòng với Hải Dương
Sáng 16/5, cầu Dinh và cầu Quang Thanh nối Hải Dương với Hải Phòng đã được khởi công xây dựng. Đây là 2 công trình trọng điểm nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 65 năm ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 – 13/5/2020).
Phát biểu tại buổi lễ khởi công, ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương khẳng định, việc cầu Quang Thanh và cầu Dinh được khởi công xây dựng ngày hôm nay là minh chứng cho kết quả hợp tác tốt đẹp giữa hai địa phương. Trước đó, lãnh đạo 2 địa phương đã đi đến thống nhất sẽ xây dựng 2 cây cầu nói trên bằng nguồn ngân sách của Thành phố Hải Phòng. Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, Hải Dương sẽ đầu tư trên 15 tỷ đồng để thi công đường dẫn phía thị xã Kinh Môn, huyện Thanh Hà.
Thời gian thi công của 2 cây cầu cũng được rút ngắn để kịp thời phục vụ đi lại của nhân dân. Cầu Quang Thanh sẽ được thi công trong 15 tháng, cầu Dinh 12 tháng.
Đại diện chủ đầu tư, ông Đỗ Tuấn Anh, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng cho biết, thiết kế cầu Quang Thanh là loại cầu Extrados mang dáng dấp của cầu dây văng và cầu Dinh với 2 trụ chính hình chữ V.
Cầu Quang Thanh có chiều dài 536 m, rộng 12 m, chiều cao khoang thông thuyền 9,5 m. Cầu Dinh có chiều dài 370 m, rộng 12 m, chiều cao khoang thông thuyền 9,5m; thời gian thi công dự kiến 12 tháng. Trong đó cầu Quang Thanh có tổng mức đầu tư 398,6 tỷ đồng và cầu Dinh 269,4 tỷ đồng.
Đông đảo người dân Hải Phòng và Hải Dương đến chứng kiến Lễ khởi công và bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi khi hai cây cầu được xây dựng
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết, sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV, bằng các nguồn vốn, thành phố Hải Phòng đã xây dựng gần 45 cây cầu, với tổng mức đầu tư trên 30.000 tỷ đồng.
“Việc khởi công xây dựng hai cây cầu cùng một ngày hôm nay là cụ thể hóa chương trình làm việc giữa Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương. Sau khi hai cây cầu song sinh này hoàn thành, sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại, cải thiện đời sống của nhân dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của hai địa phương, đặc biệt là mở rộng không gian kinh tế của Hải Phòng”, ông Tùng khẳng định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận