“Khủng” như Doji của đại gia Đỗ Minh Phú: Doanh thu chấp cả SJC và PNJ cộng lại!
Là một trong những công ty gia đình lẫy lừng nhất Việt Nam, Tập đoàn Doji của đại gia Đỗ Minh Phú hiện đang sở hữu một “hệ sinh thái” đồ sộ, hoạt động đa lĩnh vực: vàng bạc đá quý, bất động sản, tài chính ngân hàng và dịch vụ nhà hàng.
Sinh ra trong gia đình có 3 đời làm kinh doanh nhưng không phải nghề gia truyền, sự nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý như một cái duyên mang lại thành công lớn trong cuộc đời của đại gia Đỗ Minh Phú (SN 1953) – Chủ tịch Tập đoàn Doji.
Từ những năm 1990, khi Việt Nam tìm ra đá quý ở mỏ Lục Yên – Yên Bái, ông Đỗ Minh Phú được giao trọng trách đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc tại Công ty liên doanh đá quý Vigemtech – một công ty liên doanh về đá quý tại Việt Nam.
Là người có nhiều kinh nghiệm và nắm giữ công nghệ xử lý đá quý của Việt Nam lúc bấy giờ, đại gia Đỗ Minh Phú quyết định xây dựng “đế chế” riêng khi thành lập Công ty TNHH Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD (TTD) – tiền thân của Tập đoàn Doji sau này.
Theo tìm hiểu của VietTimes, TTD được thành lập vào ngày 28/7/1994, là doanh nghiệp tiên phong trong hoạt động chuyên sâu về khai thác đá quý, chế tác cắt mài và xuất khẩu đá quý ra thị trường quốc tế.
Tháng 4/2007, TTD đổi tên thành CTCP Vàng bạc Đá quý & Đầu tư Thương mại Doji. Đến năm 2009, doanh nghiệp này đã tiến hành tái cấu trúc và chính thức trở thành CTCP Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji (Doji), hoạt động theo mô hình công ty mẹ – con.
Tại ngày 11/8/2016, Doji có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng, trong đó ông Đỗ Minh Phú góp 1.050 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ sở hữu 70% vốn. Phần còn lại được chia đều cho 2 người con của ông Phú là Đỗ Minh Đức và Đỗ Vũ Phương Anh, mỗi người nắm giữ 15% vốn.
Cập nhật đến ngày 20/9/2019, Doji có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật do ông Đỗ Minh Đức (SN 1983) đảm nhiệm.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong 4 năm trở lại đây, Doji liên tục tăng trưởng mạnh về doanh thu, vượt trội hơn hẳn so với 2 ông lớn cùng ngành là SJC và PNJ. Tuy nhiên, biên lợi nhuận của ngành kinh doanh vàng không cao, do đó mức lãi thuần hàng năm của Doji khá thấp.
Như năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của Doji lần lượt đạt 47.389 tỷ đồng và 51.840 tỷ đồng; nhưng chỉ báo lãi thuần lần lượt ở 14,3 tỷ đồng và 36,3 tỷ đồng. Năm 2019, doanh thu thuần của Doji đạt 88.920 tỷ đồng, lãi thuần ở mức 150,6 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 40,8% và 88,25% so với năm 2018.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, tập đoàn này lãi sau thuế hơn 45 tỷ đồng. Cập nhật tại giữa năm 2020, tổng tài sản của Doji đạt 9.460 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 3.392 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 6,9% và 1,37% so với thời điểm đầu năm.
“Hệ sinh thái” của Doji có gì?
Theo giới thiệu trên trang chủ, Doji đang sở hữu 12 công ty thành viên, 5 công ty liên kết góp vốn và 50 chi nhánh, gần 200 trung tâm, cửa hàng trải dài trên toàn quốc cùng với hơn 400 đại lý, điểm bán.
Đối với vàng bạc đá quý, Doji kiện toàn lĩnh vực này bằng loạt công ty thành viên hoạt động phủ khắp trong mọi quy trình từ khai thác, chế tác đến sản xuất kinh doanh và xuất khẩu.
Được biết, Doji đang sở hữu nhiều viên đá quý có giá trị như: Đại Lam Ngọc – khối Saphia lớn nhất Việt Nam nặng 15 tấn; Bảo Hồng Ngọc – viên Ruby Sao thô quý hiếm nặng 18,88 kg; Hồng Ngọc Thiên Châu – khối đá chứa các tinh thể Ruby màu đỏ quý hiếm dày đặc bao trùm bề mặt đá và đặc biệt là “báu vật triệu đô” – viên Ruby Sao Hoàng Đế nổi tiếng thế giới.
Trong giai đoạn 2006 - 2007, Doji đã tiến hành thâu tóm CTCP VBĐQ SJC Hà Nội và SJC Đà Nẵng để trở thành công ty kinh doanh và phân phối vàng miếng lớn nhất cả nước.
Vị thế ấy càng được củng cố khi Doji cũng hoàn tất thương vụ thâu tóm thành công Công ty TNHH Thế Giới Kim Cương vào đầu năm nay.
Tham vọng địa ốc
Bên cạnh vàng bạc đá quý, tập đoàn của đại gia Đỗ Minh Phú còn có mối quan tâm đặc biệt với lĩnh vực bất động sản. Trong đó phải nhắc đến tòa nhà Doji Tower tọa lạc tại số 5 Lê Duẩn, Hà Nội, cao 16 tầng và 3 tầng hầm với tổng diện tích sử dụng 18.883 m2 đang được Doji sử dụng làm trụ sở chính.
“Viên kim cương” giữa lòng Thủ đô chỉ là một trong số những dự án mà Doji theo đuổi kể từ sau khi đặt dấu mốc cho việc tiến vào lĩnh vực địa ốc với việc thành lập Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Doji Land (Doji Land) từ năm 2014.
Không chỉ Doji Land, tập đoàn này còn một số thành viên khác cũng hoạt động trong lĩnh vực bất động sản như Công ty TNHH Bất động sản Blue Star, CTCP Ngoại thương và Phát triển Đầu tư Địa ốc Châu lục, CTCP Khu du lịch Sinh thái Tam Đảo, CTCP Doji Land Hạ Long, …
Với tiềm lực tài chính được tích lũy sau nhiều năm hoạt động kinh doanh vàng bạc đá quý, Doji liên tục thâu tóm nhiều dự án bất động sản.
Tại các thành phố lớn, Doji hiện đang sở hữu nhiều tòa nhà có vị trí đắc địa như tòa nhà Ruby Plaza (số 44 Lê Ngọc Hân, Hà Nội), tòa nhà Ruby Tower (số 81-83-85 Hàm Nghi, quận 1, TP. HCM).
Tập đoàn của ông Đỗ Minh Phú cũng tích lũy được quỹ đất ấn tượng ở nhiều địa phương. Có thể kể đến một số dự án như: Khu đô thị Nam Vĩnh Yên có tổng diện tích 65,6 ha, tổng số vốn đầu tư 3.900 tỷ đồng; Dự án tổ hợp căn hộ cao cấp và condotel tại TP. Hạ Long, Quảng Ninh mang tên The Sapphire Residence và Best Western Premium Sapphire Ha Long với tổng diện tích 4,7 ha, tổng mức đầu tư 8.000 tỷ đồng. Hay dự án nghỉ dưỡng, sinh thái cao cấp Tam Đảo (Vĩnh Phúc) có quy mô 220 ha, tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng.
Tháng 9/2019, tập đoàn này cũng được đồn đoán là nhà đầu tư đã thế chân TTC Land để trở thành chủ mới của dự án Trung tâm thương mại Hải Phòng Plaza.
Ngoài các lĩnh vực kể trên, Doji còn tham gia đầu tư vào lĩnh vực tài chính ngân hàng và dịch vụ ẩm thực. Trong đó, như đã từng đề cập, ông Đỗ Minh Phú (nhà sáng lập Doji) hiện là Chủ tịch HĐQT của TPBank.
Đồng thời, Doji hiện đang sở hữu nhà hàng Trung Hoa cao cấp Jade Moon tọa lạc trên tầng 16 của tòa nhà Doji Tower./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận