menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vương Nguyên Vũ

Khủng hoảng Ukraine: Khi Tổng thống Putin khiến thế giới phải không ngừng phỏng đoán

Trong cuộc gặp kéo dài 5 giờ với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 7/2, Tổng thống Nga Vladimir V. Putin cho biết ông sẵn sàng tiếp tục đàm phán về các yêu cầu an ninh của Nga ở Đông Âu nhưng đưa ra cảnh báo rõ ràng về khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Nga và phương Tây. Putin đang tiếp tục khiến thế giới phải phỏng đoán về các ý định của mình.

Putin nói rằng các đề xuất mà Tổng thống Pháp đưa ra trong cuộc gặp trực tiếp tại Điện Kremlin là "quá sớm để bình luận" nhưng có thể tạo ra "nền tảng cho các bước tiếp theo của chúng tôi”. Tổng thống Macron, trong một cuộc họp báo chung với Putin sau cuộc gặp được lên lịch gấp rút của họ, đã mô tả những ngày sắp tới có thể đóng vai trò quyết định trong việc ngăn chặn điều mà phương Tây lo ngại là một cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Macron nói: “Chúng ta đang ở trong một tình huống căng thẳng tột độ, một mức độ bất ổn mà châu Âu hiếm khi biết đến trong những thập kỷ qua”.

Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Pháp diễn ra khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Nhà Trắng để điều phối phản ứng xuyên Đại Tây Dương đối với một cuộc tấn công tiềm tàng vào Ukraine. Điều này nêu bật sự bất an ở phương Tây, được kích động bởi việc Putin triển khai quân đội xung quanh biên giới Ukraine.

Ngày 7/2, Biden cho biết các nước phương Tây sẽ thực hiện một cách tiếp cận "thống nhất" đối với căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine, và ông cam kết rằng dự án đường ống dẫn khí gây tranh cãi - Dòng chảy phương Bắc 2- được thiết kế để vận chuyển khí đốt từ Nga đến Đức sẽ không được tiến hành trong trường hợp xảy ra xâm lược quân sự.

Putin dường như mong muốn thu hút sự chú ý hơn nữa. Ông bày tỏ dấu hiệu rằng ông sẵn sàng tiếp tục giữ bí mật về các động thái tiếp theo của mình. Nhà lãnh đạo Nga là một nhà chiến thuật địa chính trị đầy tham vọng, và các cuộc hội đàm đồng thời hôm 7/2 ở Moskva và Washington đã cho thấy khả năng của ông trong việc buộc phương Tây chú ý đến những mối bất bình từ lâu của Điện Kremlin về việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng sang phía biên giới của Nga.

Tuy nhiên, liệu sự chú ý đó có đủ để khiến Putin hài lòng hay không thì vẫn chưa rõ ràng. Một số nhà phân tích lo lắng rằng việc Putin tham gia vào lĩnh vực ngoại giao trong những tuần gần đây chỉ là động thái "câu giờ" để quân đội Nga tiến hành sự chuẩn bị cuối cùng cho một cuộc xâm lược. Putin cho biết Nga vẫn đang nghiên cứu để đưa ra một phản ứng bằng văn bản mới về cấu trúc an ninh của Đông Âu. Putin dự đoán rằng "cuộc đối thoại" sẽ tiếp tục mặc dù ông nói rằng phương Tây đã phớt lờ các yêu cầu chính của Nga.

Macron đã bay đến Kiev vào ngày 8/2 để tiếp tục hoạt động ngoại giao con thoi với cuộc gặp gỡ với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Tổng thống Pháp đã trở thành “người đối thoại” chính của châu Âu với Putin trong cuộc khủng hoảng này. Hai nhà lãnh đạo đã nói chuyện qua điện thoại 5 lần kể từ tháng 12/2021 và Putin nói rằng họ sẽ nói chuyện lại sau chuyến thăm Ukraine của Macron.

Cuộc họp của hai tổng thống vào tối 7/2 là bất thường cả về thời lượng và hình thức - hai nhà lãnh đạo nói chuyện riêng trực tiếp mà không có phụ tá. Họ đã tổ chức một cuộc họp báo chung bắt đầu vào khoảng nửa đêm theo giờ Moskva.

Ông Macron cho biết cả phương Tây và Nga cần vượt qua những tổn thương trong quá khứ và xây dựng “các giải pháp hữu ích”. Ông cho biết “ưu tiên hàng đầu” của chuyến thăm là đảm bảo ổn định quân sự và ngăn chặn chiến tranh “trong ngắn hạn”. Các cuộc thảo luận sau đó có thể tiếp tục xây dựng “các giải pháp trung hạn”. Macron cho biết ông không tin rằng NATO có thể giải quyết toàn bộ câu hỏi về an ninh tập thể.

Tổng thống Pháp đưa ra rất ít chi tiết về ý tưởng của mình, nhưng nói rằng chúng sẽ liên quan đến việc xem xét lại các thỏa thuận an ninh thời hậu Chiến tranh Lạnh vì "châu Âu sẽ không an toàn nếu Nga không được an toàn”.

Các quan chức chính quyền Biden trong nhiều tháng đã cảnh báo rằng Putin dường như đang chuẩn bị cho một cuộc xâm lược, đồng thời thừa nhận rằng ý định của Putin không hề rõ ràng và bản thân ông ta có thể chưa biết mình sẽ làm gì. Các quan chức Nga khẳng định họ không có kế hoạch xâm lược.

Đề cập đến nhà lãnh đạo Nga trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 7/2 cùng với Thủ tướng Đức Scholz, Biden nói: “Tôi không biết rằng liệu ông ta có biết mình sẽ làm gì hay không. Tôi đã rất thẳng thắn với Tổng thống Putin cả qua điện đàm và gặp trực tiếp: Chúng tôi sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất từ trước đến nay”. Trước nguy cơ xảy ra chiến tranh, Biden khuyên thường dân Mỹ ở Ukraine nên rời khỏi đất nước, đồng thời nói thêm rằng ông “không muốn chứng kiến họ bị kẹt trong làn đạn trong trường hợp Nga xâm lược”.

Bất chấp việc khẳng định NATO đang rất đoàn kết, Scholz vẫn chống lại áp lực từ Mỹ về việc phải đưa ra lập trường cứng rắn đối với Nga. Bên cạnh đó, ông cũng từ chối gửi vũ khí cho Ukraine hoặc nêu rõ Đức sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nào. Lập trường mơ hồ của ông đã thu hút sự chỉ trích ở Washington từ các thành viên Đảng Dân chủ và Cộng hòa, và từ một số ở Đức. Tuy nhiên, Biden đã loại bỏ mọi ý kiến cho rằng Scholz bị coi là một đồng minh không đáng tin cậy. Đức phụ thuộc rất nhiều vào dầu và khí đốt mua từ Nga và Dòng chảy phương Bắc 2, một dự án trị giá 11 tỷ USD, vốn sẽ tăng đáng kể năng lực vận chuyển khí đốt đến Tây Âu của Nga. Biden nói: “Nếu Nga xâm lược, điều đó có nghĩa là xe tăng và quân đội lại vượt qua biên giới Ukraine, và sẽ không còn Dòng chảy phương Bắc 2 nữa. Chúng tôi sẽ kết thúc nó”.

Tuy nhiên, ngay cả sau đó, Scholz cũng không hẳn bày tỏ sự đồng tình với Biden rằng dự án sẽ bị dừng lại mà chỉ nói rằng "chúng tôi tuyệt đối đoàn kết".

Kể từ khi nhậm chức vào tháng 12/2021, Thủ tướng Đức đã không gây được nhiều chú ý, để Macron và những người khác dẫn đầu nỗ lực ngoại giao trong vấn đề Ukraine. Ông chỉ nói chuyện với Putin một lần kể từ khi nhậm chức và cuộc gặp hôm 7/2 với Biden là cuộc gặp đầu tiên của ông. Nhưng vào tuần tới, ông sẽ tới thăm Kiev và Moskva.

Biden nói rằng người Đức ủng hộ một “gói trừng phạt mạnh mẽ” chống lại Nga nếu Putin tiến tới, nhưng cả ông và Scholz đều không nêu chi tiết các biện pháp đó là gì. Trong những tuần gần đây, Biden đã đe dọa sẽ trừng phạt kinh tế nghiêm khắc đối với lĩnh vực tài chính của Nga và các thành viên trong nội các của Putin nếu Nga tiến hành một cuộc xâm lược. Phát biểu trong cuộc họp báo, Scholz nói: “Thật là một ý kiến hay khi nói với những người bạn Mỹ của chúng tôi rằng: Chúng ta sẽ đoàn kết. Chúng ta sẽ hành động cùng nhau, và chúng ta sẽ thực hiện tất cả các bước cần thiết”.

Theo New York Times

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả