Khủng hoảng Ukraine: Đòn bất ngờ, lợi và hại từ các góc nhìn
Mỹ và đồng minh đưa ra nhiều kịch bản Nga tấn công Ukraine, nhưng động thái mới của Tổng thống Putin vẫn là 'tiếng sấm' giữa trời quang.
Ngày 21/2, Tổng thống Nga ký sắc lệnh công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR). Trình tự đi đến quyết định khá bài bản, có súng nổ, có người dân sơ tán, lệnh tổng động viên, kêu gọi của DPR, LPR và Dự luật công nhận độc lập của Hạ viện Nga (Duma Quốc gia). Tiếp theo sắc lệnh là quyết định đưa lực lượng gìn giữ hòa bình vào Donbass ngay và luôn.
Tổng thống Vladimir Putin nêu lý do, Ukraine đã phá vỡ Thỏa thuận Minsk năm 2015. Nga có trách nhiệm bảo vệ công dân và dân tộc Nga ở Ukraine. Quan trọng hơn, là ngăn ngừa thảm họa chiến tranh giữa Mỹ và đồng minh với Nga do việc NATO kết nạp Ukraine.
Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin đã cảnh báo trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz về hậu quả việc Mỹ, NATO phớt lờ yêu cầu bảo đảm an ninh của Nga, kết nạp Ukraine, cung cấp vũ khí và không gây sức ép buộc Kiev từ bỏ ý định tấn công Donbass.
Dù Mỹ và đồng minh đưa ra nhiều dự báo, kịch bản Nga tấn công Ukraine, nhưng đây vẫn là một “tiếng sấm” giữa trời quang. Phương Tây phản ứng gay gắt. Mỹ, Đức, Pháp và một số nước tuyên bố không thể bỏ qua động thái của Nga. Phương Tây có thể làm được gì?
Ukraine đề nghị, Pháp đề xuất Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn cấp, áp đặt lệnh cấm vận. Lệnh trừng phạt toàn diện về kinh tế, thương mại, công nghệ, ngoại giao sẽ được ban hành. Mỹ và đồng minh tiếp tục tăng viện trợ quân sự, tài chính cho Ukraine.
Tố cáo, lên án, đe dọa là hành động thường xuyên của Mỹ và đồng minh. Nga đã lường trước khi tuyên bố đằng nào thì Mỹ và phương Tây vẫn cứ cấm vận và Moscow đã quen với việc này.
Nhưng quan trọng nhất là Mỹ, NATO sẽ không đưa quân đội đến Ukraine, có chăng chỉ là quan sát viên, lực lượng giám sát của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE). Nhưng chừng đó không làm thay đổi cục diện. Quân đội Ukraine không còn nhiều khả năng tấn công Donbass, giải quyết lực lượng ly khai bằng biện pháp quân sự. Đối đầu căng thẳng, nhưng xung đột quân sự ở Donbass có thể tạm lắng.
Nga sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, bị phản đối mạnh mẽ hơn. Nhưng cái được vẫn quan trọng. Bằng việc công nhận độc lập của DPR và LPR, Nga có điều kiện hơn để can dự ở Donbass. Có thể nói Nga đã đóng một cái chốt chặn vào tham vọng gia nhập NATO của Ukraine. Đồng thời thực sự cho thấy Nga không cần tiến hành chiến tranh vẫn có thể làm thất bại ý đồ đông tiến của NATO. Mỹ và đồng minh buộc phải xem xét thận trọng các đề xuất bảo đảm an ninh của Nga.
Ly khai là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, đang tiềm ẩn ở nhiều quốc gia, khu vực. Nên ngoài Mỹ và NATO, các nước khác sẽ phản ứng dè dặt, chủ yếu là nêu quan ngại, kêu gọi các bên kiềm chế, quay trở lại thực thi đầy đủ Thỏa thuận Minsk và đối thoại, đàm phán tháo gỡ căng thẳng giữa Nga với Mỹ, NATO về vấn đề Ukraine và an ninh không tách rời.
Chính quyền Ukraine đang đặt mình vào thế khó. Nga và Ukraine có nhiều vấn đề khúc mắc. Thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ là quyền của các quốc gia. Nhưng dựa hẳn vào phương Tây, quay lưng, tách rời, chống lại nước láng giềng hùng mạnh không phải là đối sách tốt.
Vấn đề Ukraine đã nóng, lại càng nóng hơn. Tình hình sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và bất ngờ. Nhưng trong tương lại gần, chiến tranh ít có khả năng xảy ra.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận