24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đậu Thế Vũ
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Khủng hoảng Ukraine- bài kiểm tra lớn nhất đối với “học thuyết Biden”

Đầu tháng 2 năm ngoái, tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có bài phát biểu đầu tiên về chính sách đối ngoại trong nhiệm kỳ tổng thống của mình và cam kết ngăn chặn các mối đe dọa từ nước Nga của ông Vladimir Putin.

Ông Biden nói: “Những ngày nước Mỹ lăn lộn trước sự gây hấn của Nga… đã qua. Chúng ta sẽ không ngần ngại nâng cao cái giá đối với Nga và bảo vệ những lợi ích sống còn của chúng ta và người dân của chúng ta. Và chúng ta sẽ đối phó hiệu quả hơn với Nga khi chúng ta làm việc trong liên minh và phối hợp với các đối tác khác có cùng chí hướng”.

Theo tờ "Financial Times" của Anh, một năm sau, vị tổng thống 79 tuổi này đang phải đối mặt với thời điểm phải suy xét về những lời nói đó khi quân đội Nga tập trung ở biên giới với Ukraine trong bối cảnh có nguy cơ xảy ra một cuộc xâm lược và Putin cố gắng ép Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hạn chế phạm vi tiếp cận và ảnh hưởng của mình ở khu vực. Kết quả của cuộc đối đầu sẽ quyết định không chỉ cán cân quyền lực ở châu Âu, mà còn cả tầm nhìn của Biden về việc Mỹ vẫn là một lực lượng có khả năng đối đầu quyết liệt với các chế độ chuyên quyền bằng cách đoàn kết các nền dân chủ phương Tây, sau những chia rẽ và chủ nghĩa biệt lập của những năm tháng dưới thời Trump.

Nếu Putin từ bỏ hoặc bạo tay với cuộc tấn công Ukraine gây phản tác dụng, thì lời hứa về cái gọi là "học thuyết Biden" sẽ vẫn còn nguyên vẹn. Nếu không, nó có nguy cơ bị đổ vỡ, giáng một đòn mạnh vào nỗ lực của Mỹ trong việc chống lại các đối thủ khác, bao gồm Iran, Triều Tiên và quan trọng nhất là Trung Quốc.

Cuộc khủng hoảng đang bùng phát chỉ vài tháng sau cuộc rút quân hỗn loạn của Mỹ khỏi Afghanistan, vốn được thực hiện để giải phóng năng lực cho các ưu tiên lớn hơn trong chính sách đối ngoại, nhưng cũng dẫn đến sự hoài nghi về quyết tâm của Mỹ trong việc thể hiện sức mạnh trên trường quốc tế. Heather Conley, Chủ tịch Quỹ Marshall của Mỹ, cho biết: “Đây là về hành vi của Nga ở Ukraine, nhưng cũng là về mọi thứ. Tôi không hoàn toàn chắc chắn tổng thống hoặc chính quyền biết câu chuyện sẽ kết thúc như thế nào, bởi vì để đối mặt với hành vi độc đoán ngày càng gia tăng… cho dù đó là ở Biển Hoa Nam (Biển Đông) hay Biển Baltic, có lẽ bạn cần ít khoa trương hơn và thể hiện sức mạnh nhiều hơn".

Khi rủi ro tiếp tục tăng, Biden và đội ngũ chính sách đối ngoại của mình đã có lập trường cứng rắn hơn và tăng cường các nỗ lực ngoại giao đối với cuộc khủng hoảng này. Mới đây, Lầu Năm Góc đã đặt 8.500 binh sĩ trong chế độ sẵn sàng triển khai để sát cánh với lực lượng phản ứng của NATO nhằm hỗ trợ các thành viên dễ bị tổn thương ở sườn phía Đông của liên minh này. Mặc dù Biden đã bác bỏ việc gửi bộ binh đến Ukraine, nhưng ông đang cung cấp viện trợ quân sự nhiều hơn cho Kiev. Mỹ và các đồng minh châu Âu cũng đang thảo luận ráo riết về một gói trừng phạt kinh tế đối với Moskva, sẽ mạnh tay hơn nhiều so với những biện pháp được áp dụng sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014.

Nhưng một số người ở Washington sợ rằng bàn tay Biden vẫn thiếu sức mạnh. William Cohen, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời Bill Clinton, cho biết có thể có “cơ hội để thực sự đoàn kết người châu Âu theo cách mà chúng ta chưa từng thấy trước đây”, nhưng ông sẽ không hy vọng vào điều đó. Ông nói: “Tôi nghĩ tại thời điểm này, để [Putin] lùi bước, chỉ cần rút lui mà không có một số nhượng bộ đáng kể, điều đó sẽ không diễn ra. Vì vậy, tôi không biết học thuyết Biden vào thời điểm này là gì. Tôi nghĩ ông ấy đang ở vị trí không tốt vì sự chia rẽ nội bộ và cả ở châu Âu".

Mỹ và Nga đang cố "câu giờ" để tìm ra giải pháp ngoại giao. Tuần này, Ngoại trưởng Antony Blinken đã phối hợp với các đồng minh đưa ra các phản hồi bằng văn bản trước các yêu cầu của Nga đối với châu Âu. Moskva cho biết "có rất ít lý do cho sự lạc quan" dựa trên tài liệu này, nhưng gợi ý rằng cuộc đàm phán sẽ tiếp tục "về các vấn đề thứ yếu".

Rachel Rizzo, một thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, lưu ý rằng khả năng chuyển quân đến sườn phía Đông của NATO có thể là "đáng ngạc nhiên" một vài tuần trước, nhưng hiện là "một lựa chọn chính sách hợp lý". Rachel Rizzo nói: “Những gì chúng ta đang thấy là khả năng xoay trục của chính quyền này khi không gian địa chính trị yêu cầu”.

Viễn cảnh xung đột đã làm dấy lên câu hỏi về việc liệu cuộc khủng hoảng Ukraine có khiến Biden mất tập trung khỏi Trung Quốc, vốn được ông mô tả là thách thức chính sách đối ngoại lớn nhất của Mỹ hay không. Kori Schake, Viện doanh nghiệp Mỹ, nhận định: “Mỹ đã cắt giảm quân đội của mình quá nhiều để thực hiện một chiến lược an ninh quốc gia quyết đoán đồng thời ở hai mặt trận”.

Nhưng có rất ít nghi ngờ rằng những gì xảy ra ở Ukraine trong vài tuần tới sẽ chứng minh là thời điểm quan trọng không chỉ đối với Biden mà đối với cả chính sách đối ngoại của Mỹ trong thế kỷ XXI. Conley thuộc Quỹ Marshall cho biết: “Đây chính là thời điểm đó, điều này nói lên mức độ tín nhiệm của Mỹ sẽ hoạt động như thế nào. Câu hỏi của tôi là: Chúng ta đã sẵn sàng chưa? Liệu chính quyền này có sẵn sàng thực hiện các bước khó khăn khi bị thử thách?”.

Theo Financial Times

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả